ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI KHÔNG QUỐC TỊCH NHẬP QUỐC TỊCH VIỆT NAM
Tình trạng không quốc tịch là một vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cơ bản của con người. Tại Việt Nam, pháp luật đã quy định rõ ràng về các điều kiện để người không quốc tịch có thể nhập quốc tịch Việt Nam, nhằm đảm bảo quyền lợi của họ và phù hợp với luật pháp quốc tế. Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích các điều kiện đó, giúp người không quốc tịch hiểu rõ hơn về quy trình và thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự năm 2015;
- Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008;
- Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
Nội dung:
1. Thế nào là người không có quốc tịch?
Khoản 2 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định như sau:
“Người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam và cũng không có quốc tịch nước ngoài.”
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.”
Vì vậy, theo quy định trên thì người không có quốc tịch Việt Nam là người nước ngoài.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 thì người không có quốc tịch cư trú ở Việt Nam gồm người không có quốc tịch thường trú ở Việt Nam hoặc người không có quốc tịch tạm trú ở Việt Nam.
2. Điều kiện để người không có quốc tịch nhập quốc tịch Việt Nam:
Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 quy định người không quốc tịch sẽ được nhập quốc tịch Việt Nam nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
(1) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015).
(2) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam.
(3) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam.
Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam là khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam (khoản 1 Điều 7 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP).
(4) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú (khoản 2 Điều 7 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP).
(5) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam (khoản 3 Điều 7 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP).
(6) Phải có tên gọi Việt Nam.
Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
(7) Không gây hại đến đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì một số trường hợp người không có quốc tịch Việt Nam thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện (3), (4), (5):
- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam.
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Người này.
Người có công lao đặc biệt đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải là người được tặng thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu cao quý khác của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận về công lao đặc biệt đó trên cơ sở hồ sơ, ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và quy định của pháp luật chuyên ngành (khoản 1 Điều 8 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP).
- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng thực sự vượt trội trong lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục, đã dành được giải thưởng quốc tế, huân chương, huy chương hoặc được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ xác nhận về tài năng và có cơ sở cho thấy việc người được nhập quốc tịch Việt Nam sẽ đóng góp tích cực, lâu dài cho sự phát triển lĩnh vực nói trên của Việt Nam sau khi được nhập quốc tịch Việt Nam (khoản 2 Điều 8 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP).
Trong trường hợp này, người xin nhập quốc tịch Việt Nam vẫn phải là người thường trú tại Việt Nam và phải được cấp thẻ thường trú.
Trên đây là những điều kiện để người không quốc tịch được nhập quốc tịch Việt Nam.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./
Xem thêm