NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN TÌNH TRẠNG BỆNH LÝ KHI MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Hiện nay tranh chấp trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ chủ yếu là tranh chấp liên quan đến nguyên tắc trung thực khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và những vi phạm nguyên tắc này chủ yếu xuất phát từ phía người mua bảo hiểm. Trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm đã không cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến bệnh có sẵn. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm liên quan đến vấn đề này thì đường lối giải quyết của các Tòa án hiện nay là rất khác nhau.
Vụ pháp chế và Quản lý khoa học đề xuất phát triển Quyết định giám đốc thẩm số 37/2023/DS-GĐT ngày 24/8/2023 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” thành Án lệ theo Dự thảo Án lệ số 22/2024 để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc giải quyết các tình huống pháp lý tương tự.
Cơ sở pháp lý:
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
- Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000.
- Dự thảo Án lệ số 22/2024.
Nội dung:
1. Quy định pháp luật:
Theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có nêu rõ bên mua bảo hiểm có các nghĩa vụ “Kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.”
Do đó, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua phải cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên bán bảo hiểm.
Theo khoản 13 Điều Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, “Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết”.
Ở Việt Nam, loại hình bảo hiểm nhân thọ cho trường hợp chết phổ biến hơn cả. Do đó, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho trường hợp chết, tình trạng bệnh lý là một trong những căn cứ quan trọng để bên bán bảo hiểm quyết định có ký kết hợp đồng với bên mua bảo hiểm hay không.
Trên thực tế, diễn ra nhiều trường hợp bên mua bảo hiểm cố tình lừa dối bên bán bảo hiểm về tình trạng bệnh lý để ký kết hợp đồng bảo hiểm. Đây được xem là hành vi cung cấp thông tin không trung thực. Và hậu quả pháp lý của hành vi này được quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
- Bên bán bảo hiểm có thể hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.
- Bên bán bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
- Bên bán bảo hiểm sẽ hoàn trả các chi phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý.
- Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại cho bên bán bảo hiểm (nếu có).
2. Nội dung Dự thảo Án lệ số 22/2024 về việc vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý của bên mua bảo hiểm
Nguồn án lệ: Quyết định giám đốc thẩm số 37/2023/DS-GĐT ngày 24/8/2023 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” giữa nguyên đơn là cụ Đặng Ngọc M, bà Trần Thị T, chị Đặng Ngọc Anh T1 và bị đơn là Tổng Công ty V; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 05 người.
Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 1, 2, 6,7, 8 và 14 phần “Nhận định của Tòa án”.
Khái quát nội dung án lệ:
- Tình huống án lệ: Trong đơn yêu cầu bảo hiểm, bên mua bảo hiểm không cung cấp thông tin về tình trạng bệnh hiểm nghèo của mình, mặc dù biết rõ mình có bệnh này và đã đi chữa bệnh nhiều lần. Trong thời hạn hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm chết do bệnh hiểm nghèo nêu trên.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Tòa án phải xác định bên mua bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý khi ký Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm bảo hiểm.
Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Điểm b khoản 2 Điều 18 và khoản 2 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (tương ứng với điểm a khoản 2 Điều 21 và khoản 2 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022).
Từ khóa của án lệ: “Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin”; “Tình trạng bệnh lý”; “Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, “Trách nhiệm bảo hiểm”.
Nội dung án lệ:
“[1] Ngày 17/6/2014 và ngày 24/7/2014, ông Đặng Lâm Quốc B đã tham giạ các gói bảo hiểm An Phát Trọn Đời và An Phát Hưng Gia, người được bảo hiểm là ông B, giá trị bảo hiểm cho từng yêu cầu bảo hiểm là 1.500.000.000 đồng (mức phí 30 triệu đồng/năm trong 15 năm, người thụ hưởng là bà Trần Thị T), 2.500.000.000 đồng (mức phí 48 triệu đồng/năm trong 15 năm, người thụ hưởng là chị Đặng Ngọc Anh T) và 1.500.000.000 đồng (mức phí 50 triệu đồng/năm trong 20 năm, người thụ hưởng là cụ Đặng Ngọc M).
[2] Theo các Giấy yêu cầu bảo hiểm ngày 17/6/2014, ngày 24/7/2014 thể hiện tại các mục hỏi và trả lời về tinh trạng sức khỏe cá nhân, ông B đều tích “x” vào toàn bộ ô trả lời “không”, trong đó có câu hỏi số 17/A/II “Khối u (lành tính hoặc ác tính), ung thư...”, câu hỏi số 27/C/II “Trong một năm vừa qua bạn có đi khám bệnh và/hoặc làm xét nghiệm gì không? Có phải nghỉ học hoặc nghỉ làm nhiều ngày để đi khám chữa bệnh không?” và câu hỏi số 30/C/II Bạn có đang mắc hoặc đang điều trị bệnh lý nào không? Sau khi xác lập giấy yêu cầu bảo hiểm, ngày 21/6/2014, Tổng Công ty V đã cho ông B kiểm tra sức khỏe tại Bệnh Viện Đa khoa tư nhân Bình Dương. Theo Kết quả Kết luận kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Bình Dương ngày 21/6/2014, ông B là người cung cấp các thông tin kiểm tra sức khỏe, trong đó có nội dung câu hỏi: (Đã từng phải nằm viện điều trị chưa? Khi nào? Lý do? Đợt nằm viện dài nhất là bao lâu? Điều trị nội khoa hay ngoại khoa? ông B tích “x” vào ô trả lời “Không” và kết quả này ông B đã cam kết thông tin đã cung cấp cho cơ sở y tế của Tổng Công ty V là hoàn toàn đầy đủ, đúng sự thật và các thông tin này được coi là thông tin bổ sung cho giấy yêu cầu bảo hiểm liên quan và đã ký tên.
[6] Ngày 11/3/2015, ông B vào Bệnh viện đa khoa V: với tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, viêm phổi; K tụy di căn gan, thận giai đoạn cuối, chuyển cấp cứu Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương. Cùng ngày, ông B cấp cứu và nhập viện tại Bệnh viện đa khoa tỉnh B với tình trạng trụy tim mạch, suy hô hấp, viêm phổi, K tụy di căn gan thận giai đoạn cuối. Ngày 12/3/2015, ông B chết. Nguyên nhân chết được xác định trong Giấy chứng tử của Ủy ban nhân dân xã An Tây, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương: Chết do bệnh.
[7] Tại Công văn số 2624/BVUB-KHTH ngày 28/12/2016, Bệnh viện Ung Bướu Thành phố Hồ Chí Minh xác định ông B bị ung thư biểu mô di căn nhiều nơi không rõ nguyên nhân phát, dạng ung thư biểu mô có độc ác cao, tình trạng của bệnh nhân khi phát hiện thuộc giai đoạn cuối.
[8] Như vậy, có đủ cơ sở khẳng định trước khi xác lập Giấy yêu cầu bảo hiểm với Tổng Công ty V vào các ngày 17/6/2014 và 24/7/2014, ông B đã biết rõ về tình trạng bệnh tật của mình, đã từng tham gia chữa trị tại nhiêu bệnh viện khác nhau ở cả trong nước và nước ngoài với tình trạng bệnh lý ung thư, nhưng không khai báo trung thực tình trạng sức khỏe của mình; tại thời điểm xác lập yêu cầu bảo hiểm, ký hợp đồng bảo hiểm, ông B đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (từ ngày 13/5/2014 đến 19/8/2014 với tình trạng bệnh là K hạch thần kinh nội tiết). Việc Tổng Công ty V yêu cầu phí tăng thêm dựa trên kết quả kiểm tra sức khỏe của ông B là đối với những bệnh lý Gan nhiễm mỡ, viêm Gan siêu vi B, rối loại chuyển hóa lipid máu, không liên quan đến bệnh lý ung thư của ông B.
[14] Như vậy, ông B đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin về sức khỏe/bản thân, Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực, Tổng Công ty V không phải chịu trách nhiệm bảo hiểm về những rủi ro đã phát sinh đối với người được bảo hiểm. Trường hợp này, Tổng Công ty V chỉ phải hoàn lại giá trị tài khoản hợp đồng tương ứng với phí bảo hiểm đóng thêm (nếu có) trừ đi các quyền lợi bảo hiểm đã thanh toán, các khoản rút một phần giá trị tài khoản hợp đồng, khoản nợ (nếu có). Tuy nhiên, theo Bảng minh họa về phân bổ phí và quyền lợi bảo hiểm của hợp đồng chính thì giá trị hoàn lại năm đầu tiên người mua bảo hiểm được nhận khi hợp đồng chấm dứt hiệu lực theo quy định của hợp đồng là bằng không. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng Tổng Công ty V đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm nên buộc Tổng Công ty V phải có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng là cụ M, bà T, chị T1 là không có cơ sở. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc Tổng Công ty V chịu trách nhiệm bảo hiểm là có cơ sở. Quyết định giám đốc thẩm cho rằng Tổng Công ty V phải có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm của cho phía nguyên đơn, nhưng phải xem xét lỗi của người yêu cầu bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin về sức khỏe để xác đinh mức chi trả bảo hiểm tương ứng là không đúng với quy định tại Điều 4.4.2 cùa Điều khoản An Phát Trọn Đời và Điều 4.4.2 của Điều khoản An Phát Hưng Gia.”
Trong vụ án này, bên mua bảo hiểm mặc dù đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo và đã điều trị bệnh này nhưng khi giao kết hợp đồng lại không cung cấp thông tin này; doanh nghiệp bảo hiểm đã đưa người mua bảo hiểm đi khám sức khỏe nhưng không phát hiện ra bệnh lý trên; doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm và thu phí bảo hiểm dựa trên thông tin người mua bảo hiểm cung cấp, thông tin này không bảo gồm bệnh hiểm nghèo của người mua bảo hiểm do người mua không khai báo. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận bảo hiểm và bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm nên buộc doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm chi trả tiền bảo hiểm là không có cơ sở; Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bên mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở; Tòa án cấp giám đốc thẩm cho rằng doanh nghiệp bảo hiểm phải có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm của cho phía nguyên đơn, nhưng phải xem xét lỗi của người yêu cầu bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin về sức khỏe để xác đinh mức chi trả bảo hiểm tương ứng là không đúng.
Như vậy, trong cùng một vụ án mà đường lối giải quyết của 03 cấp Tòa án là khác nhau về hậu quả pháp lý do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xác định bên mua bảo hiểm đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý khi ký Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và doanh nghiệp bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm bảo hiểm, từ đó hủy Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, giữ nguyên bản án phúc thẩm là đúng. Do đó, việc ban hành án lệ đối với tình huống pháp lý trên để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong việc giải quyết các tình huống pháp lý tương tự là cần thiết.
Trên đây là nội dung NGHĨA VỤ CUNG CẤP THÔNG TIN TÌNH TRẠNG BỆNH LÝ KHI MUA BẢO HIỂM NHÂN THỌ.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/luatsuavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm