TỘI KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM ĐẾN TÍNH MẠNG
Hỏi: Con trai tôi đang bị điều tra về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, do trên đường đi làm về thì con trai tôi gặp một người bị tai nạn giao thông nhưng vì có việc nên cháu bỏ đi không kịp cứu giúp nạn nhân, sự việc bị camera ghi lại. Luật sư cho tôi hỏi con trai tôi có bị phạt tù không? (bà H.- Bình Phước)
Trả lời:
AV Counsel xin chân thành cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi.
Theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng" như sau:
"Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng
1.Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a)Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b)Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.
3.Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
4.Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Theo Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự, tại Mục 5 Chương 2 quy định như sau:
"Nguy hiểm đến tính mạng (sắp chết) hoặc có thể chết (như: sắp chết đuối; bị thương tích nặng do tai nạn giao thông gây ra…), tuy có điều kiện mà không cứu giúp (tức là có khả năng cứu giúp và sự cứu giúp không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác) mà cố ý bỏ mặc, dẫn đến chết người."
Cấu thành của Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:
(1) Về chủ thể:
Người thực hiện tội phạm này phải từ đủ 16 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi).
(2) Về khách thể:
- Quyền sống, quyền được Nhà nước bảo hộ về tính mạng của con người.
- Trách nhiệm của công dân.
(3) Về mặt chủ quan:
Yếu tố lỗi: thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.
(4) Về mặt khách quan:
- Hành vi: có đủ điều kiện cứu giúp mà không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
- Hậu quả: chết người.
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: hành vi có đủ điều kiện cứu giúp không cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người.
Như vậy, để xem con trai bạn có phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, phải xem xét các vấn đề sau:
- Con trai bạn đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự chưa? Có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự không?
- Con trai bạn có điều kiện cứu giúp không? Việc cứu giúp có gây nguy hiểm cho bản thân hoặc cho người khác không?
- Con trai bạn có cố ý không thực hiện việc cứu giúp hay không? Có trở ngại khách quan hay sự kiện bất khả kháng nào ngăn cản không?
- Người cần cứu giúp có đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (sắp chết hoặc có thể chết) không?
- Có hậu quả là người không được cứu giúp chết không?
- Nếu có hậu quả chết người thì việc con trai bạn không cứu giúp có phải là nguyên nhân dẫn đến chết người không?
Đồng thời, người bị truy cứu theo khoản 2 thì được hiểu như sau:
"Theo khoản 2, người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm (như: cùng đi tắm ở sông, người biết bơi đùa nghịch làm người không biết bơi bị chới với sắp chình mà không cứu vớt) hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp, có nghĩa vụ phải cứu giúp (như thủy thủ tàu đang đi trên sông, trên biển đối với người đang vật vờ trên mặt nước, bác sĩ đối với bệnh nhân đang cần cấp cứu…). Đối với trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vận tải gây ra tai nạn rồi bỏ chạy, cố ý không cứu giúp người bị nạn để trốn tránh trách nhiệm thì xử lý theo Điều 186, khoản 2, điểm b (tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải gây hậu quả nghiêm trọng)."
(Mục 5 Chương 2 Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ ngày 29/11/1986 hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự).
Do đó, ngoài việc xem xét các yếu tố trên, còn phải xem xét con trai bạn có là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hay là người có nghề nghiệp, có nghĩa vụ phải cứu giúp theo quy định pháp luật hay không để có cơ sở truy tố theo từng khung hình phạt theo Điều 132 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo như thông tin bạn cung cấp, chúng tôi chưa thể kết luận chính xác việc con trai bạn có phạm tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng được quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hay không.
Trên đây là quan điểm của chúng tôi về trường hợp của Quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để quý khách hàng tham khảo.
Nếu vấn đề có nhiều tình tiết phức tạp, cần được trao đổi trực tiếp với Luật sư để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ luật sư có nhiều kinh nghiệm chuyên sâu Quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi qua thông tin dưới đây.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/luatsuavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm