ĐẠI DIỆN ỦY QUYỀN

LUẬT SƯ ĐẠI DIỆN THEO ỦY QUYỀN TRONG & NGOÀI TỐ TỤNG

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam về đại diện được chia thành đại diện theo ủy quyền và đại diện theo pháp luật sẽ tương ứng với từng trường hợp và mức độ khác nhau. Thông qua mức độ khảo sát cho thấy các cá nhân, pháp nhân, tổ chức còn nhầm lẫn chưa xác định được rõ thế nào là đại diện theo ủy quyền. Bài viết dưới đây, CÔNG TY LUẬT AV COUNSEL sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề này:

- Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Dân sự 2015;
  • Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012;
  • Luật trợ giúp pháp lý 2017.

- Nội dung:

1. Đại diện theo ủy quyền là gì?

Căn cứ Điều 134 BLDS 2015 quy định: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”

Căn cứ xác lập quyền đại diện được pháp luật quy định tại Điều 135 BLDS 2015 quy định: “Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).”

Như vậy, đại diện theo ủy quyền được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện.

2. Các trường hợp Đại diện theo ủy quyền

Căn cứ Điều 138 BLDS 2015 quy định:

“1. Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

3. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.”

Vậy Đại diện theo ủy quyền sẽ được chấm dứt trong trường hợp nào ?

Căn cứ Điều Khoản 3 Điều 140 BLDS 2015 đại diện theo ủy quyền sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

“ a) Theo thỏa thuận;

b) Thời hạn ủy quyền đã hết;

c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;

g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.

4. Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

b) Người được đại diện là cá nhân chết;

c) Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

d) Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan”

3.  Phạm vi Đại diện theo ủy quyền

Luật sư đại diện trong & ngoài tố tụng từ lĩnh vực vụ án dân sự, hành chính cho đến hình sự không chỉ tranh chấp, kiện tụng tại Tòa án thì mới liên hệ Luật sư làm người đại diện theo ủy quyền. Các vấn đề liên quan đến pháp luật thì Luật sư vẫn là người am hiểu kiến thức pháp luật giúp cho khách hàng tháo gỡ những khó khăn.

3.1. Đại diện trong tố tụng

Căn cứ Điều 85 Bộ Luật TTDS 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.”

Người đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Căn cứ phát sinh ủy quyền là dựa trên sự ủy quyền của đương sự.

Căn cứ Điều 86 Bộ Luật TTDS 2015 quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.”

Do đó, Luật sư đại diện theo ủy quyền trong các vụ án, vụ việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng theo nội dung văn bản ủy quyền.

3.2. Đại diện ngoài tố tụng

Căn cứ Điều 33 Luật trợ giúp pháp lý 2017 quy định đại diện ngoài tố tụng như sau:

“Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Căn cứ Điều 29 Luật luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 quy định Hoạt động đại diện ngoài tố tụng của luật sư:

“1. Luật sư đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.

2. Khi đại diện cho khách hàng, luật sư có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, Đại diện ngoài tố tụng là hoạt động thay mặt mà Luật sư cung cấp cho khách hàng trong giải quyết các công việc đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.

Người đại diện ngoài tố tụng có quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 13 Luật Trợ giúp pháp lý 2017:

“a) Thực hiện trợ giúp pháp lý;

b) Đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý;

c) Bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý;

d) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, truyền thông về trợ giúp pháp lý;

đ) Giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật này;

e) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.”

Trách nhiệm pháp lý của Luật sư khi đại diện ngoài tố tụng cũng bao gồm 2 loại là trách nhiệm pháp lý (bao gồm: trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự) và trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp (trách nhiệm kỷ luật).

Lưu ý: Theo Điều 76 Luật luật sư, Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một Luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam. Do vậy, phạm vi hành nghề trong hoạt động đại diện ngoài tố tụng cũng không áp dụng đối với Luật sư nước ngoài khi yêu cầu của khách hàng có liên quan đến pháp luật Việt Nam.

Mong rằng những thông tin phía trên sẽ giúp mọi người bổ sung thêm những kiến thức bổ ích về pháp luật cho bản thân.

_________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng