LUẬT SƯ TRANH TỤNG
HOẠT ĐỘNG TRANH TỤNG CỦA LUẬT SƯ
Trong những năm gần đây, số lượng vụ án được đưa ra giải quyết ngày càng nhiều. Với sự am hiểu pháp luật, kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp các luật sư tham gia tranh tụng đã góp phần không nhỏ trong việc làm sáng tỏ sự thật khách quan giúp cho tòa án đưa ra quyết định giải quyết vụ án đúng đắn và bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Thông qua, bài viết này sẽ giúp các đọc giả có thể hiểu rõ hơn về hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư trong các vụ việc.
- Căn cứ pháp lý: Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012);
- Nội dung:
1. Định nghĩa và đặc điểm của hoạt động tham gia tranh tụng
a. Định nghĩa
Theo quy định tại Điều 22 Luật Luật sư, hoạt động tham gia tố tụng là một trong bốn phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư cho khách hàng. Bởi lẽ hoạt động tham gia tố tụng, tranh tụng của Luật sư luôn gắn liền với hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước ảnh hưởng trực tiếp đến tự do, tài sản, các quyền nhân thân, thậm chí cả tính mạng của khách hàng. Luật sư tham gia tố tụng để thực hiện nguyên tắc bảo đảm tranh tụng, bào chữa, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Tham gia tố tụng là hoạt động của Luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý với tư cách người bào chữa, người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng. Nếu xét về khía cạnh tư cách tham gia thì hoạt động Tranh tụng có phạm vi hẹp hơn của hoạt động tham gia tố tụng, bởi lẽ hoạt động tranh tụng của Luật sư đó là việc luật sư tham gia tố tụng với hai tư cách chính là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ việc dân sự, hành chính hoặc Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo không bao gồm tư cách đại diện theo ủy quyền.
Để thực hiện được hoạt động này, Luật sư cần vận dụng nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong bối cảnh tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật tố tụng có liên quan.
b. Đặc điểm
Giống như hoạt động tham gia tố tụng thì hoạt động tranh tụng của Luật sư có những đặc điểm sau đây:
- Là một trong bốn phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của Luật sư.
- Mục đích chính là thực hiện nhiệm vụ bào chữa hoặc bảo vệ quyền và lợi cih1 hợp pháp khách hàng trong tất cả các vụ án.
- Hoạt động tranh tụng của Luật sư hoạt động có tính đối kháng rất cao, đặc biệt là giữa Luật sư của các bên (bên buộc tội và bên gỡ tội trong vụ án hình sự; nguyên đơn, bị đơn trong vụ án phi hình sự)
2. Lĩnh vực hoạt động của Luật sư khi tham gia tranh tụng
Theo khoản 1, 2 Điều 27 Luật luật sư: “Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư phải tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng và Luật này.”
Theo khoản 1, 2 Điều 22 Luật luật sư, lĩnh vực tham gia tố tụng của Luật sư được phân thành tố tụng hình sự và tố tụng khác (tố tụng phi hình sự).
Hoạt động tham gia tranh tụng chỉ hẹp hơn so với tham gia tố tụng ở tư cách tham gia vụ việc nhưng lĩnh vực hoạt động đều giống nhau.
- Đối với lĩnh vực hình sự, theo quy định của BLTTHS 2015, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị buộc tội, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
- Đối với lĩnh vực tố tụng phi hình sự, theo quy định của BLTTHS 2015, Luật TTHC 2015, Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động hành chính, vụ việc về yêu cầu dân sự, lao động và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.
3. Hoạt động của Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự?
a. Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa trong vụ án hình sự.
Căn cứ Điều 72 Bộ Luật TTHS năm 2015 quy định:
“1. Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
2. Người bào chữa có thể là:
a) Luật sư;
b) Người đại diện của người bị buộc tội;
c) Bào chữa viên nhân dân;
d) Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.”
Ngoài Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa trong vụ án hình sự thì người đại diện của người bị buộc tội, bào chữa viên nhân dân, trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý cũng có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa được. Tuy nhiên, nói về chuyên môn và kinh nghiệm nghề nghiệp thì luật sư là người am hiểu pháp luật sâu sắc hơn.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 14 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012:
“Khi tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, luật sư được cơ quan tiến hành tố tụng cấp Giấy chứng nhận người bào chữa, Giấy chứng nhận người bào chữa có giá trị trong các giai đoạn tố tụng, trừ trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo từ chối hoặc yêu cầu thay đổi Luật sư hoặc luật sư không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.”
Khi Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 73 Bộ Luật TTHS năm 2015
Trong vụ án hình sự, vai trò của Luật sư rất quan trọng việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ người được bào chữa, giúp đỡ cơ quan nhà nước. Để thực hiện tốt vai trò và chức năng của mình đòi hỏi đội ngũ luật sư cần phải trao dồi kinh nghiệm và tiếp xúc nhiều vụ án khác nhau để có thể đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho thân chủ.
b. Luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong vụ án dân sự
Căn cứ Điều 75 Bộ Luật TTDS 2015 năm 2015 quy định:
“1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
2. Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
a) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
c) Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;
d) Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.”
Khác với người bào chữa trong vụ án hình sự thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự được làm khi “có yêu cầu của đương sự” và “được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp” của đương sự.
Theo Điều 76 Bộ Luật TTDS 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Ngoài ra, còn có các quy định tại Điều 210, 248, 260,… quy định về việc tham gia tố tụng. Nhìn chung các điều luật này đã quy định tương đối cụ thể, phù hợp nhưng chưa làm rõ được bản chất của Luật sư khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Tóm lại, trong vụ án hình sự hoặc dân sự đương sự ưu tiên lựa chọn Luật sự để tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật sư là người am hiểu pháp luật được đào tạo khắc khe về lý luận cũng như kỹ năng hành nghề cập nhật và theo sát các văn bản pháp luật mới (cụ thể căn cứ Điều 10 Luật Luật sư 2006 sửa đổi, bổ sung 2012 quy định về tiêu chuẩn luật sư: “ Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.”)
Như vậy, khi tham gia tố tụng ngoài tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, Luật sư phải tuân thủ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư. Hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư là một trong những hoạt động quan trọng góp phần bảo vệ công lý và Nhà nước pháp quyền. Do đó, Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, bảo đảm chất lượng tranh tụng, tận tâm với công việc,… để bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của khách hàng.
Mong rằng những thông tin phía trên sẽ giúp mọi người bổ sung thêm những kiến thức bổ ích về pháp luật cho bản thân về hoạt động tranh tụng của Luật sư trong các vụ việc.
________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm