CHÍNH SÁCH VÀ THỦ TỤC XIN GIÃN NỢ (CƠ CẤU LẠI THỜI HẠN TRẢ NỢ) TẠI NGÂN HÀNG HIỆN NAY

Hiện nay, thực hiện giãn nợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ) ngân hàng đang là thủ tục được nhiều người vay biết đến vì tính hữu ích của thủ tục này. Sau đây, AV Counsel chia sẻ cho Quý bạn về thủ tục xin giãn nợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ) tại ngân hàng.

- Cơ sở pháp lý:

  • Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
  • Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

- Nội dung:

1. Giãn nợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ) ngân hàng là gì?

Giãn nợ là chương trình mà ngân hàng đề ra khi kinh tế hay người vay có vấn đề chung nào đó khó có thể giải quyết và không đủ năng lực chi trả nợ trong khoảng thời gian quy đinh, chương trình giản nợ có thể là hạ lãi suất, không thu phí hay không thu gốc hàng tháng theo như đã quy định. Theo đó, giãn nợ ngân hàng được xem là việc gia tăng thêm thời gian trả nợ gốc và lãi suất vay vốn ngân hàng so với thời gian trả nợ dự kiến đã được quy định và ký kết trong hợp đồng vì xuất phát từ các mục đích nào đó để hỗ trợ người vay vốn.

2. Đối tượng được giãn nợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ)

Những đối tượng được xin giãn nợ tại ngân hàng gồm:

- Người vay tiền bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, rủi ro chính trị, chiến tranh gây ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng vay vốn đã ký.

- Nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng vay vốn đã ký.

- Người vay gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến khách hàng không trả được nợ (gốc, lãi) đúng hạn theo hợp đồng vay đã ký.

3. Thủ tục xin giãn nợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ) tại ngân hàng

Căn cứ Điều 19 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:

- Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.

- Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

- Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.

Có nhiều trường hợp vì một số lý do nào đó mà khách hàng mong muốn được ngân hàng cho gia hạn kỳ trả nợ tại ngân hàng. Như thế, khách hàng cần đến trực tiếp tại ngân hàng hoặc chi nhánh của ngân hàng để làm thủ tục xin giãn nợ. Trường hợp bên vay tiền đã đủ điều kiện để được gia hạn thì bên vay có thể tiến hành chuẩn bị các loại giấy tờ dưới đây để có thể làm thủ tục giãn nợ:

- Mẫu Đơn xin giãn nợ (cơ cấu tại thời hạn trả nợ) theo mẫu quy định của ngân hàng. Tham khảo tại: Mẫu đơn xin gia hạn thanh toán nợ [Mới nhất]

- Phương án kế hoạch trả nợ.

- Bản sao giấy tờ nhân thân như Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

- Các loại giấy tờ chứng minh tình trạng kinh tế khó khăn hoặc các rủi ro gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hiện tại chưa có đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ gốc và lãi phát sinh. 

Tùy thuộc vào từng ngân hàng cho vay khác nhau mà quy định về hồ sơ, giấy tờ xin giãn nợ cũng như điều kiện giãn nợ sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung hồ sơ để ngân hàng có thể xem xét và cho phép giãn nợ sẽ bao gồm những loại giấy tờ trên.

4. Chính sách Giãn nợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ) từ ngày 24 tháng 4 năm 2023 khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực.

Căn cứ vào tình hình kinh tế hiện nay, toàn thế giới vửa bước qua đại dịch Covid-19 để duy trì ổn định nền kinh tế, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/04/2023 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP và Nghị quyết 59/NQ-CP để hỗ trợ khách hàng nào gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng phục vụ đời sống.

Thông tư 02 quy định 2 phương thức hỗ trợ cho bên vay đó là giãn nợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ) và giữ nguyên nhóm nợ, cụ thể:

4.1. Giãn nợ (cơ cấu lại thời hạn trả nợ)

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản nợ (bao gồm cả các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đáp ứng các quy định sau đây:

- Dư nợ gốc phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính.

- Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

- Số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận.

- Được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm so với doanh thu, thu nhập tại phương án trả nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận.

- Khách hàng được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

- Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn của khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

- Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng theo quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.

4.2. Giữ nguyên nhóm nợ và phân loại nợ

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc và/hoặc lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ (sau đây là khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ) theo quy định tại Thông tư này như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm gần nhất trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này (Khoản 1 Điều 6 Thông tư 02).

- Khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Khoản 2 Điều 6 Thông tư 02).

- Trường hợp khoản nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư này, thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Khoản 3 Điều 6 Thông tư 02).

- Đối với số lãi phải thu của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, kể từ ngày được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không phải hạch toán thu nhập (dự thu) mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Khoản 4 Điều 6 Thông tư 02).

Trên đây là một số nội dung chia sẻ của AV Counsel liên quan đến vấn đề giãn nợ/cơ cấu tại thời hạn trả nợ cho bên vay. Mong rằng những thông tin này có thể giúp ích cho quý khách hàng.

_____________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Tin tức liên quan

RỦI RO KHI DOANH NGHIỆP BÙNG NỢ
RỦI RO KHI DOANH NGHIỆP BÙNG NỢ

253 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng