MỤC ĐÍCH GÓP VỐN VÀO CÔNG TY: GÓP VỐN ĐIỀU LỆ HAY GÓP VỐN KINH DOANH?

Việc góp vốn vào Công ty thường thể hiện dưới 02 trường hợp là góp vốn để trở thành thành viên Công ty (góp vốn thành lập công ty/góp vốn để tăng vốn điều lệ) hoặc góp vốn vào hoạt động kinh doanh của Công ty. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn chưa tách bạch giữa 02 trường hợp này và dẫn đến các thành viên trong Công ty  xảy ra tranh chấp.

Việc một thành viên công ty góp thêm vốn thì được coi là góp thêm vào vốn điều lệ hay là góp vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh thì phải đáp ứng những điều kiện nào theo quy định pháp luật?

Dự thảo án lệ số 12/2024 đã đưa ra các tiêu chí để phân biệt giữa 02 trường hợp góp vốn để tăng vốn điều lệ và góp vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh.

1. Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ :

Công ty đã thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã thể hiện các thành viên góp vốn và số vốn điều lệ. Sau đó bên góp vốn và Công ty có thỏa thuận về việc góp vốn, chia lợi nhuận nhưng không thỏa thuận về việc tăng vốn điều lệ của công ty. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không thể hiện việc tăng vốn điều lệ.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định đây là góp vốn để kinh doanh, không phải góp vốn để tăng vốn điều lệ của Công ty.

2. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:

Khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 (tương ứng với khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

3. Từ khóa của án lệ:

“Góp vốn”; “Không có thỏa thuận về góp vốn điều lệ”; “Góp vốn để kinh doanh”.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện đề ngày 02/02/2019 và các lời khai trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là ông Trần Mạnh H (do ông Lại Ngọc T1 là người đại diện theo ủy quyền) trình bày:

Từ trước năm 2001, ông Trần V (em vợ của ông Nguyễn Văn T) và Ông T (anh rể của Ông V và Ông H) chung nhau lập Tổ hợp tác Đ, sau đổi thành Công ty Xây lắp và Sản xuất Thiết bị điện Đ (sau đây viết tắt là Công ty Đ) theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102001784 ngày 09/01/2001 do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp, thuê địa điểm sản xuất ở Nhà máy Cơ khí Q tại Hà Nội, đăng ký trụ sở tại nhà của ông T tại 104 B4 phường B, quận H (nay là quận M), thành phố Hà Nội. Thời điểm đó, thời hạn thuê đất của Công ty đã hết, nếu không có mặt bằng thì không thế tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Ông V và Ông T đã đề nghị Ông H, đang làm ăn ở Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc) về nước, có vốn nhàn rỗi, tham gia vào thành viên của Công ty Đ để huy động thêm vốn đầu tư về mặt bằng, nhà xưởng sản xuất, kinh doanh. Ông H đã đồng ý cùng tham gia góp vốn với Ông V, Ông T vào trong Công ty Đ.

Đầu năm 2001 (dịp Tết nguyên đán), gia đình ông Trần Mạnh H có tổ chức một cuộc liên hoan, họp mặt tại nhà riêng của ông Nguyễn Văn T tại 104 B4 phường B với thành phần gồm: Bà Nguyễn Thị H1, ông Trần Mạnh H, ông Trần V và vợ là bà Nguyễn Thị Bích T2, ông Nguyễn Văn T và vợ là bà Trần Thị Ngọc B.Tại cuộc họp mặt này, Ông H, Ông V và Ông T đã cùng bàn bạc, thống nhất kết nạp thêm thành viên là Ông H vào Công ty và thống nhất tỷ lệ vốn góp của mỗi người là 1/3 tại Công ty Đ để mở rộng quy mô của công ty và cùng nhau kinh doanh, đồng thời giao cho Ông T làm Giám đốc - Người đại diện theo pháp luật của Công ty. Ông H, Ông V và Ông T đã xác định rõ, mỗi người có 1/3 phần vốn góp tại Công ty Đ, mỗi người được hưởng quyền lợi và chịu nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ vốn góp này. Tuy nhiên, đăng ký kinh doanh thì vẫn giữ nguyên, chỉ ghi tên 2 người làm thành viên là Ông V và Ông T, vì Ông H thời điểm đó chưa có Chứng minh nhân dân, chưa nhập lại hộ khẩu về Việt Nam. Ngoài ra, do Ông H thường xuyên ở nước ngoài, nếu đứng tên trên đăng ký kinh doanh thì khi cần ký giấy tờ cũng không tiện.

Riêng Ông H góp thêm 500.000.000 đồng với lý do là ông không ở Việt Nam nên không tham gia vào hoạt động kinh doanh. Ông Thúy, Ông V mỗi người góp 2.251.000.000 đồng, Ông H góp 2.751.218.000 đồng.

Chính vì có việc góp tiền nêu trên nên hàng năm Ông H được nhận số tiền trích lợi nhuận hoạt động của công ty do Ông T thanh toán, cụ thể: Qua 12 năm kinh doanh, từ năm 2003 đến năm 2015, ông Trần Mạnh H đã được chia lợi nhuận từ Công ty Đ với tổng số tiền khoảng 7.000.000.000 đồng bằng tiền mặt. Trong đó có một số năm, Ông T đã gửi tiền theo 3 cuốn số tiết kiệm mang tên Ông T, sau đó đối với phần chia cho Ông H, Ông T gửi bà T2 (vợ của Ông V) giữ hộ một trong 3 cuốn sổ đó, vì Ông H ở nước ngoài. Khi Ông H cần rút tiền từ sổ tiết kiệm, thì Ông T sẽ ủy quyền để bà T2 đi rút tiền tại Ngân hàng (sự việc này đã được bà T2 xác nhận).

- Ngày 22/3/2017, trong Biên bản họp Hội đồng thành viên góp vốn của Công ty Đ trong đó có Ông H tham gia, các thành viên có tên trong Đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 5 ngày 09/5/2012), đã xác nhận số vốn đóng góp trong Công ty Đ như sau:

Ông T góp 2.251.218.000 đồng - tương đương với 31% vốn Điều lệ của Công ty;

Ông V góp 2.251.218.000 đồng - tương đương với 31% vốn Điều lệ của Công ty;

Ông H góp 2.751.218.000 đồng - tương đương với 38% vốn điều lệ của Công ty.

Tại Biên bản này cũng thể hiện, Ông H góp nhiều hơn 2 thành viên còn lại số tiền 500.000.000 đồng, nhưng do không điều hành việc kinh doanh của Công ty, nên tất cả lợi nhuận thu được, thu nhập do thanh lý tài sản của Công ty sẽ chia đều cho 3 thành viên với tỷ lệ mỗi người được 33,33% (1/3), tỷ lệ sở hữu vốn của Ông H cao hơn 2 thành viên còn lại, nhưng thỏa thuận lợi nhuận được chia đều cho cả 3 thành viên.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, Ông T vẫn không tiến hành thay đổi Giấy đăng ký kinh doanh để đưa Ông H vào làm thành viên của Công ty Đ, cũng không tiến hành họp Hội đồng thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp để thông qua Báo cáo tài chính các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 cũng như việc chia lợi nhuận cho các thành viên góp vốn.

Từ tháng 9/2008, sau khi Ông H có hộ khẩu và Chứng minh nhân dân tại Việt Nam thì đã có nguyện vọng đưa tên vào Công ty nên đã trao đổi và đề nghị với Ông T rất nhiều lần nhưng Ông T không đồng ý.

Ông H khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

1. Xác định Ông H là thành viên góp vốn của Công ty Đ và phần vốn góp của Ông H trong Công ty Đ;

2. Yêu cầu Công ty Đ tiến hành bổ sung Ông H là thành viên Công ty với số vốn thực tế Ông H đã đóng góp;

3. Yêu cầu Công ty Đ tiến hành họp Hội đồng thành viên, thông qua Báo cáo tài chính các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

Quá trình giải quyết tại Tòa án, nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết:

1. Xác định phần vốn góp của ông Trần Mạnh H trong Công ty Đ là 2.751.218.000 đồng theo biên bản ngày 22/3/2017 nhưng chỉ yêu cầu xác định tỷ lệ là 1/3 (phần 500.000.000 đồng góp nhiều hơn hai thành viên còn lại thì đồng ý tự nguyện chia đều cho 03 người để tỷ lệ của cả 02 người là Ông T và Ông V mỗi người là 33,4%, Ông H là 33,2%).

2. Yêu cầu Công ty Đ tiến hành làm thủ tục tại cơ quan có thẩm quyền để bổ sung ông Trần Mạnh H là thành viên Công ty với số vốn Ông H đã đóng góp. Nếu không thì Ông H có quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục ghi tên mình là thành viên của Công ty Đ.

Bị đơn là Công ty TNHH Đ (do ông Nguyễn Văn T là người đại diện theo pháp luật) trình bày:

Từ trước năm 2001, Ông V và Ông T có chung nhau lập 01 Tổ hợp tác Đ, sau đổi thành Công ty Xây lắp và Sản xuất Thiết bị điện Đ, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0102001784 ngày 09/01/2001 do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp.

Cuối năm 2001 đến năm 2003, Ông H có chuyển tiền trực tiếp cho Ông T nhiều lần với tổng số tiền 2.751.000.000 đồng. Mục đích là gửi Ông T và Ông V kinh doanh và chia lãi (lãi không ấn định con số cụ thể phụ thuộc vào lợi nhuận kinh doanh) hàng năm. Ồng T khẳng định số tiền này không phải góp vốn vào Công ty.

Ông T xác nhận từ năm 2003 đến năm 2015 thì Ông H có được hưởng số tiền là 11.000.000.000 đồng chứ không phải là 7.000.000.000 đồng, cách thức trả hàng năm, có 3 cách là: Một là làm sổ tiết kiệm đứng tên Ông T, khi Ông H cần lấy tiền thì Ông T sẽ làm uỷ quyền cho bà T2 đi lấy tiền và chuyển cho Ông H; cách thứ hai là chuyển khoản trực tiếp; cách thứ 3 là Ông H nhận tiền trực tiếp và đều không có ký nhận gì cả.

Đối với Văn bản ngày 22/3/2017, Ông T xác nhận có chữ viết chữ ký của Ông T, Ông V, Ông H trong Văn bản này nhưng nội dung không đúng như vậy. Lý do có văn bản này là vì số tiền 2.751.000.000 đồng, Ông H đã gửi cho ông từ năm 2001 - 2003. Văn bản này do Ông V soạn thảo và cùng với Ông H mang đến bảo Ông T ký vào với mục đích là xác nhận khả năng kinh tế của Ông H để Ông H chuyển gia đình từ Tiệp Khắc sang Úc. Vì vậy, Ông T mới ký vào Văn bản ngày 22/3/2017.

Đối với đơn xin vào thành viên Công ty của Ông H (ngày 16/3/2018), Ông T có nhận được đơn của Ông H nhưng không phải do Ông T yêu cầu vì Ông T không đồng ý; đơn này, hiện Ông T đang giữ và đã nộp cho Tòa án bản sao.

Do vậy, Ông T với tư cách là đại diện theo pháp luật của Công ty Đ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Do vậy, Ông T với tư cách là đại diện theo pháp luật của Công ty Đ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 49/2019/KDTM-ST ngày 11/11/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần MạnhH, sinh năm 1966, có số CMND: 011420517 cấp ngày 20/9/2008 tại Công an thành phố Hà Nội đối với Công ty TNHH Đ (trước là Công ty TNHH xây lắp và sản xuất thiết bị điện Đ).

2. Xác nhận ông Trần Mạnh H, sinh năm 1966, có số CMND: 011420517 cấp ngày 20/9/2008 tại Công an thành phố Hà Nội là thành viên của Công ty TNHH Đ với tỷ lệ vốn góp là 1/3.

3. Buộc Công ty TNHH Đ làm thủ tục tại Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch đầu tư thành phố Hà Nội để bổ sung tên ông Trần Mạnh H là thành viên của Công ty. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Trần Mạnh H chỉ yêu cầu tỷ lệ vốn góp của mình là 33,2%.

Trường hợp Công ty TNHH điện Đ không làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh để bổ sung tên Ông H là thành viên của Công ty thì căn cứ quy định tại khoản 21 Điều 1 Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018của Chính phủ thì ông Trần Mạnh H có quyền được thực hiện các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh - Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội và tại các cơ quan có thẩm quyền khác (nếu có) để bổ sung thêm ông Trần Mạnh H là thành viên Công ty với tỷ lệ vốn góp của mình là 33,2%.

4. Đình chỉ đối với yêu cầu Công ty TNHH Đ phải tiến hành họp Hội đồng thành viên Công ty và thông qua báo cáo tài chính các năm 2015, 2016, 2017, 2018 do nguyên đơn rút yêu cầu này để giải quyết sau.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 24/11/2019, Công ty trách nhiệm hữu hạn điện Đ có đơn kháng cáo.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 15/2020/KDTM-PT ngày 10/7/2020, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội quyết định:

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn điện Đ. Giữ nguyên các quyết định của Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 49/2019/KDTM-ST ngày 11 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Tòa án cấp phúc thẩm còn quyết định về án phí, quyền yêu cầu thi hành án.

Ngày 28/9/2021, Công ty TNHH Đ có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/2022/KN-KDTM ngày 22/9/2022, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 15/2020/KDTM-PT ngày 10/7/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội; đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên và hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 49/2019/KDTM-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với Quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Để chứng minh yêu cầu khởi kiện về việc xác định phần vốn góp vào Công ty Đ, qua đó xác định tư cách thành viên của Ông H tại Công ty Đ thì ông Trần Mạnh H (nguyên đơn) cần có các tài liệu, chứng cứ bao gồm: Thỏa thuận của các đương sự về việc cùng thành lập Công ty, ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập Công ty (nếu là Công ty cổ phần); có tên trong Điều lệ Công ty; có tên trong danh sách thành viên Công ty khi đăng ký kinh doanh; có tên trong giấy chứng nhận đăng ký phần vốn góp tương ứng với giá trị phần vốn đã góp; có tên trong sổ đăng ký thành viên; hành vi thực hiện quyền, nghĩa vụ trong việc quản lý, điều hành trong hội đồng thành viên của Công ty. Tuy nhiên, Ông H không có các tài liệu, chứng cứ này để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ.

[2] Các bên đương sự đều thừa nhận Ông H có góp 2.751.000.000 đồng vào Công ty theo Biên bản họp Hội đồng thành viên góp vốn của Công ty Đ ngày 22/3/2017 với tổng số vốn góp là 7.253.656.000 đồng (của cả 3 người là ông Trần V, ông Trần Mạnh H và ông Nguyễn Văn T). Cũng theo Biên bản này thì các bên nhất trí tất cả lợi nhuận thu được, thu nhập do thanh lý tài sản của Công ty sẽ chia đều cho 3 thành viên với tỷ lệ như nhau là mỗi người được hưởng 33,33% (1/3), Ông H tự nguyện góp nhiều hơn 500.000.000 đồng nhưng không điều hành việc kinh doanh của Công ty. Các bên đều ký vào biên bản này để làm bằng chứng về việc góp vốn và chia lợi nhuận mà không có nội dung nào thỏa thuận việc công nhận hay bổ sung thêm Ông H làm thành viên Công ty.

[3] Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm2014 thì “Góp vốn” là việc góp tài sản để tạo thành “vốn điều lệ” của Công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn đế thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.

[4] Thực tế, Công ty Đ được thành lập năm 2001 có 02 thành viên góp vốn là ông Nguyên Văn T và ông Trần V, với vốn điều lệ được đăng ký là 1.000.000.000 đồng; đăng ký thay đổi doanh nghiệp các lần sau đó (lần 2, 3, 4, 5) vào các năm 2006, 2010, 2012 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Công ty có 02 thành viên là Ông T và Ông V với vốn điều lệ Công ty đã đăng ký là 6.000.000.000 đồng.

[5] Theo Biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty ngày 22/3/2017 nêu trên thì các bên chỉ xác nhận việc góp vốn mà không có nội dung nào xác nhận đây là số vốn góp để thành lập Công ty hay nâng vốn điều lệ của Công ty theo quy định. Các bên chỉ xác định việc chia lợi nhuận, thu nhập của mỗi nguời là 33,33% mà không có nội dung nào thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người tương ứng với phần vốn góp của mình đối với: các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Công ty theo Điều lệ Công ty. Mặt khác, tại biên bản này, Ông H tự xác định không điều hành việc kinh doanh của Công ty. Nếu xác định đây là việc góp vốn để tăng vốn điều lệ của Công ty từ 6.000.000.000 đồng lên 7.253.656.000 đồng như các bên đã thỏa thuận thì việc tăng vốn này cũng chưa được công nhận vì chưa đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

[6] Ngoài ra, chính Ông H ngày 16/3/2018 mới có đơn xin gia nhập Công ty Đ và Công ty E để hợp pháp hóa số tiền vốn đã góp vào 2 Công ty trên là 33,3%. Tuy nhiên, Ông T không đồng ý làm thủ tục theo quy định để công nhận Ông H là thành viên Công ty mà chỉ thừa nhận Ông H góp vốn để kinh doanh cùng Công ty và được chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần vốn kinh doanh đã góp.

[7] Theo quy định thì vốn điều lệ, việc góp vốn điều lệ để trở thành thành viên Công ty và việc góp vốn để kinh doanh là 2 vấn đề khác nhau. Các bên không có thỏa thuận, không đăng ký tăng vốn điều lệ lên 7.253.656.000 đồng, trong đó, Ông H đã góp là 2.751.000.000 đồng nhưng Tòa án xác định Ông H góp 33,3% vốn điều lệ là chưa đủ cơ sở. Thực tế thì sau khi thành lập Công ty năm 2001, do thiếu vốn nên Ông V, Ông T có bàn bạc huy động vốn của Ông H để thuê 42.970 m2 đất mở rộng nhà máy sản xuất ở Hưng Yên (như lời khai của chính đại diện của nguyên đơn). Như vậy, chỉ có cơ sở xác định Ông H góp vốn kinh doanh, không phải góp vốn để tăng vốn điều lệ của Công ty. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông H, xác nhận ông Trần Mạnh H là thành viên của Công ty Đ với tỷ lệ vốn góp là 1/3 là không phù hợp với các tình tiết nêu trên. Khi giải quyết lại vụ án, nếu không có chứng cứ nào khác thì cần bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 337, khoản 3 Điều 343, Điều 345 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/2022/KN- KDTM ngày 22/9/2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 15/2020/KDTM-PT ngày 10/7/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội và hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 49/2019/KDTM-ST ngày 11/11/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về vụ án kinh doanh thương mại “Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty” giữa nguyên đơn là ông Trần Mạnh H với bị đơn là Công ty TNHH Đ; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

3. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

NỘI DUNG ÁN LỆ

“[4] Thực tế, Công ty Đ được thành lập năm 2001 có 02 thành viên góp vốn là ông Nguyễn Văn T và ông Trần V, với vốn điều lệ được đăng ký là 1.000.000.000 đồng; đăng ký thay đổi doanh nghiệp các lần sau đó (lần 2, 3, 4, 5) vào các năm 2006, 2010, 2012 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Công ty có 02 thành viên là Ông T và Ông V với vốn điều lệ Công ty đã đăng ký là 6.000.000.000 đồng.

[5] Theo Biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty ngày 22/3/2017 nêu trên thì các bên chỉ xác nhận việc góp vốn mà không có nội dung nào xác nhận đây là số vốn góp để thành lập Công ty hay nâng vốn điều lệ của Công ty theo quy định. Các bên chỉ xác định việc chia lợi nhuận, thu nhập của mỗi nguời là 33,33% mà không có nội dung nào thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi người tương ứng với phần vốn góp của mình đối với: các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Công ty theo Điều lệ Công ty. Mặt khác, tại biên bản này, Ông H tự xác định không điều hành việc kinh doanh của Công ty. Nếu xác định đây là việc góp vốn để tăng vốn điều lệ của Công ty từ 6.000.000.000 đồng lên 7.253.656.000 đồng như các bên đã thỏa thuận thì việc tăng vốn này cũng chưa được công nhận vì chưa đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

[7] Theo quy định thì vốn điều lệ, việc góp vốn điều lệ để trở thành thành viên Công ty và việc góp vốn để kinh doanh là 2 vấn đề khác nhau. Các bên không có thỏa thuận, không đăng ký tăng vốn điều lệ lên 7.253.656.000 đồng, trong đó, Ông H đã góp là 2.751.000.000 đồng nhưng Tòa án xác định Ông H góp 33,3% vốn điều lệ là chưa đủ cơ sở. Thực tế thì sau khi thành lập Công ty năm 2001, do thiếu vốn nên Ông V, Ông T có bàn bạc huy động vốn của Ông H để thuê 42.970 m2 đất mở rộng nhà máy sản xuất ở Hưng Yên (như lời khai của chính đại diện của nguyên đơn). Như vậy, chỉ có cơ sở xác định Ông H góp vốn kinh doanh, không phải góp vốn để tăng vốn điều lệ của Công ty. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ông H, xác nhận ông Trần Mạnh H là thành viên của Công ty Đ với tỷ lệ vốn góp là 1/3 là không phù hợp với các tình tiết nêu trên. Khi giải quyết lại vụ án, nếu không có chứng cứ nào khác thì cần bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.”

LÝ DO ĐỀ XUẤT ÁN LỆ

Việc góp vốn để trở thành thành viên công ty (góp vốn để thành lập công ty hay góp vốn để tăng vốn điều lệ) được quy định trong Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, ranh giới giữa góp vốn để trở thành thành viên công ty và góp vốn để kinh doanh chưa rõ ràng và chưa được quy định cụ thể nên dẫn đến các tranh chấp liên quan đến vấn đề góp vốn và xác định mục đích thật sự của việc góp vốn ấy là góp vốn để trở thành thành viên/cổ đông hay góp vốn để nhằm mục đích kinh doanh và phân chia lợi nhuận.

Dự thảo án lệ trên đã chỉ rõ tiêu chí phân biệt giữa hai loại góp vốn nêu trên và đưa ra hướng giải quyết như vậy là chấp nhận được.

Thực tế, trong các án lệ được công bố, chưa có án lệ nào về lĩnh vực doanh nghiệp nên việc thông qua Dự thảo nêu trên cũng làm tăng sự đa dạng của án lệ hiện nay.

____________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./


Tin tức liên quan

HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN/ PHẦN VỐN GÓP CÓ BẮT BUỘC CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC HAY KHÔNG???
HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN/ PHẦN VỐN GÓP CÓ BẮT BUỘC CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC HAY KHÔNG???

322 Lượt xem

NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN TẠM ỨNG CỔ TỨC
NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN TẠM ỨNG CỔ TỨC

295 Lượt xem

QUY TRÌNH ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DỰ ÁN KHÔNG THUỘC TRƯỜNG HỢP CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ
QUY TRÌNH ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DỰ ÁN KHÔNG THUỘC TRƯỜNG HỢP CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

230 Lượt xem

SỰ KHÁC NHAU GIỮA HỢP ĐỒNG VÀ HÀNH VI PHÁP LÝ ĐƠN PHƯƠNG
SỰ KHÁC NHAU GIỮA HỢP ĐỒNG VÀ HÀNH VI PHÁP LÝ ĐƠN PHƯƠNG

808 Lượt xem

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ THEO LUẬT DOANH NGHIỆP 2020
TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ CỦA NGƯỜI QUẢN LÝ THEO LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

374 Lượt xem

BÀN VỀ CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÀ TRÁCH NHIỆM DO ĐỊNH GIÁ SAI (LUẬT DOANH NGHIỆP 2020)
BÀN VỀ CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÀ TRÁCH NHIỆM DO ĐỊNH GIÁ SAI (LUẬT DOANH NGHIỆP 2020)

396 Lượt xem

CHỨNG CHỈ QUỸ VÀ CHÀO BÁN CHỨNG CHỈ QUỸ LẦN ĐẦU RA CÔNG CHÚNG
CHỨNG CHỈ QUỸ VÀ CHÀO BÁN CHỨNG CHỈ QUỸ LẦN ĐẦU RA CÔNG CHÚNG

133 Lượt xem

THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ, VẬT TƯ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ, VẬT TƯ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY

134 Lượt xem

ĐĂNG KÝ KINH DOANH NHÀ TRỌ
ĐĂNG KÝ KINH DOANH NHÀ TRỌ

87 Lượt xem

THAY ĐỔI CỔ ĐÔNG CÔNG TY CỔ PHẦN CÓ PHẢI THÔNG BÁO VỚI CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN?
THAY ĐỔI CỔ ĐÔNG CÔNG TY CỔ PHẦN CÓ PHẢI THÔNG BÁO VỚI CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN?

308 Lượt xem

QUÁ CẢNH HÀNG HÓA THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
QUÁ CẢNH HÀNG HÓA THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

101 Lượt xem

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM
THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM

262 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng