KẾT CHUYỂN LÃI LỖ CHO DOANH NGHIỆP
Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những bất ổn địa chính trị. Trong bối cảnh đầy thử thách này, nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình cảnh thua lỗ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và khả năng tài chính.
Việc kết chuyển lãi lỗ được đánh giá là một cơ hội quý giá cho các doanh nghiệp "bù lỗ", cải thiện tình hình tài chính và tạo đà phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả chính sách này, doanh nghiệp cần có sự hiểu biết rõ ràng về quy định, thủ tục và những lưu ý liên quan. Bài viết này sẽ đi sâu phân tích chủ đề "Kết chuyển lãi lỗ cho doanh nghiệp", nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin và đưa ra quyết định phù hợp cho hoạt động kinh doanh của mình.
- Cơ sở pháp lý:
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008, đã sửa đổi, bổ sung;
- Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Nội dung:
1. Kết chuyển lãi lỗ được hiểu như thế nào?
“Kết chuyển lãi lỗ” là một thuật ngữ phổ biến được các doanh nghiệp sử dụng. Pháp luật Việt Nam chưa có một khái niệm cụ thể nào về “kết chuyển lãi lỗ”, tuy nhiên đây là một thuật ngữ tài chính – kế toán được hiểu như sau:
Kết chuyển lãi lỗ là việc doanh nghiệp thực hiện chuyển lãi hoặc chuyển lỗ của năm kế toán cũ cho năm kế toán mới. Gồm:
- Kết chuyển lãi: khi một doanh nghiệp có lãi trong một kỳ kế toán, số lãi này có thể được giữ lại để sử dụng cho các hoạt động kinh doanh trong các kỳ kế toán tiếp theo.
- Kết chuyển lỗ: khi một doanh nghiệp bị lỗ trong một kỳ kế toán, số lỗ này có thể được bù đắp bằng lợi nhuận của các kỳ kế toán tiếp theo.
Trong đó, năm kế toán thường được quy định từ 01/01 đến ngày 31/12 dương lịch.
2. Thực hiện kết chuyển lãi lỗ như thế nào?
2.1. Kết chuyển lỗ
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
- Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo.
- Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
- Doanh nghiệp tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập của các quý của năm sau khi lập tờ khai tạm nộp quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập tờ khai quyết toán thuế năm.
Ví dụ: Năm 2013 DN A có phát sinh lỗ là 10 tỷ đồng, năm 2014 DN A có phát sinh thu nhập là 12 tỷ đồng thì toàn bộ số lỗ phát sinh năm 2013 là 10 tỷ đồng, DN A phải chuyển toàn bộ vào thu nhập năm 2014.
Ví dụ: Năm 2013 DN B có phát sinh lỗ là 20 tỷ đồng, năm 2014 DN B có phát sinh thu nhập là 15 tỷ đồng thì:
+ DN B phải chuyển toàn bộ số lỗ 15 tỷ đồng vào thu nhập năm 2014;
+ Số lỗ còn lại 5 tỷ đồng, DN B phải theo dõi và chuyển toàn bộ liên tục theo nguyên tắc chuyển lỗ của năm 2013 nêu trên vào các năm tiếp theo, nhưng tối đa không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
- Doanh nghiệp có số lỗ giữa các quý trong cùng một năm tài chính thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó. Khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập chịu thuế của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định nêu trên.
- Doanh nghiệp tự xác định số lỗ được trừ vào thu nhập theo nguyên tắc nêu trên. Trường hợp trong thời gian chuyển lỗ có phát sinh tiếp số lỗ thì số lỗ phát sinh này (không bao gồm số lỗ của kỳ trước chuyển sang) sẽ được chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.
- Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp xác định số lỗ doanh nghiệp được chuyển khác với số lỗ do doanh nghiệp tự xác định t-hì số lỗ được chuyển xác định theo kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra nhưng đảm bảo chuyển lỗ toàn bộ và liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định. Quá thời hạn 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ, nếu số lỗ phát sinh chưa chuyển hết thì sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp sau.
2.2. Kết chuyển lãi
Pháp luật Việt Nam không có quy định về các nguyên tắc kết chuyển lãi như các quy định về kết chuyển lỗ.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể tự xác định số lãi của năm kế toán và chuyển toàn bộ hoặc một phần số lãi vào những năm tiếp theo để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2.3. Bút toán kết chuyển lãi lỗ:
- Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
- Kết chuyển lỗ, ghi:
Nợ TK 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh
Trong đó:
- Tài khoản 921: thể hiện kết quả hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp cuối năm kế toán.
- Tài khoản 421: thể hiện lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
3. Kết chuyển lãi lỗ có được coi là cơ hội bù lỗ cho doanh nghiệp?
Về việc kết chuyển lãi, doanh nghiệp có thể sử dụng số lãi được kết chuyển để đầu tư vào các hoạt động kinh doanh, giúp tăng hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, giúp tăng khả năng thanh toán của doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có thể sử dụng số lãi được kết chuyển để thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể ỷ lại vào số lãi được kết chuyển và không nỗ lực để tạo ra lợi nhuận trong các kỳ kế toán tiếp theo.
Về việc kết chuyển lỗ, doanh nghiệp có thể được bù đắp những khoản lỗ trong các kỳ kế toán trước, giúp giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc kết chuyển lỗ cũng có thể khiến cho các nhà đầu tư và chủ nợ lo ngại về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Tóm lại, doanh nghiệp có thể thực hiện việc kết chuyển lãi hoặc kết chuyển lỗ. Đây có thể coi là một hành động “cứu cánh” cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đang có nhiều suy thoái. Trong khi đó, tình hình năm 2024 vẫn chưa cho thấy có dấu hiệu khả quan là nền kinh tế sẽ vượt qua thời kỳ khó khăn này, các bất ổn về chính trị dẫn đến các bất ổn về kinh tế vẫn diễn ra mặc dù đại dịch Covid-19 đã qua đi. Doanh nghiệp cần nên sáng suốt khi thực hiện các bút toán kế chuyển lãi hoặc kết chuyển lỗ để có thể đứng vững trước làn sóng suy thoái.
Trên đây là nội dung “KẾT CHUYỂN LÃI LỖ CHO DOANH NGHIỆP”.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm