MÔI GIỚI VÀ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN NGƯỜI HÀNH NGHỀ MÔI GIỚI VÀ NGHỀ MÔI GIỚI
Môi giới là một thuật ngữ phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta hay nhắc đến “môi giới” trong nhiều lĩnh vực khác nhau như đất đai, bảo hiểm, chứng khoán,… Môi giới được xem là một nghề thực hiện bởi các chủ thể khác nhau. Vậy hãy tìm hiểu Môi giới là gì? Quy định pháp luật về người và nghề môi giới được quy định theo pháp luật Việt Nam như thế nào dưới bài viết này nhé.
- Căn cứ pháp lý:
- Luật thương mại 2005;
- Luật kinh doanh bất động sản 2014;
- Luật kinh doanh bảo hiểm 2022;
- Luật chứng khoán 2019.
- Nội dung:
1. Môi giới là gì?
Pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể Môi giới là gì. Tuy nhiên tại Điều 150 Luật Thương mại 2005 có quy định về Môi giới thương mại như sau:
“Môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.”
Từ quy định này có thể hiểu một cách chung nhất về môi giới như sau:
Môi giới là việc thực hiện các hành vi trung gian làm cầu nối cho các bên tiếp xúc, gặp gỡ nhau để đi tới đàm phán, giao kết một giao dịch nào đó để hưởng thù lao.
Môi giới được xem là hành vi ban đầu cho việc đàm phán, giao kết các giao dịch. Thông thường là việc tìm kiếm khách hàng phù hợp, trao đổi những thông tin cơ bản ban đầu của giao dịch cần môi giới. Môi giới cũng giúp cho các bên tham gia giao dịch tiết kiệm được thời gian tìm kiếm khách hàng, tiết kiệm được chi phí và tiến tới giao kết hợp đồng nhanh chóng.
Hoạt động môi giới diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ví dụ như môi giới bất động sản, môi giới bảo hiểm, môi giới việc làm, môi giới chứng khoán, môi giới hải quan,… hay như cả trong các quy định của pháp luật hình sự cũng quy định các hoạt động môi giới bất hợp pháp như môi giới mại dâm, môi giới hối lộ, môi giới hôn nhân bất hợp pháp, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép,…
Do vậy, không phải hoạt động môi giới nào cũng được phép hoạt động mà phải theo khuôn khổ của pháp luật.
2. Quy định của pháp luật về nghề môi giới:
Hiện nay, “Môi giới” được xem là một nghề phát triển mạnh mẽ. Trước đây, môi giới hầu hết được thực hiện bởi các cá nhân, có quy mô, tính chất nhỏ lẻ nhưng hiện nay với sự phát triển của kinh tế – xã hội, nghề môi giới đang rất phát triển và càng ngày có sự chuyên nghiệp. Pháp luật cũng quy định một số người hành nghề môi giới phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của pháp luật mới được hành nghề. Điều này cho thấy, trong một số lĩnh vực thì nghề môi giới là một trong những ngành nghề cần thiết và cần thúc đẩy phát triển.
Môi giới có thể diễn ra trên mọi lĩnh vực cần thiết trong cuộc sống, chúng ta có thể thấy môi giới phổ biến trong các lĩnh vực sau:
Môi giới bất động sản:
“Môi giới bất động sản là việc làm trung gian cho các bên trong mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.” (khoản 2 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2014)
Môi giới bảo hiểm:
“Hoạt động môi giới bảo hiểm là hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua bảo hiểm về loại hình bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, chương trình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; các hoạt động liên quan đến việc đàm phán, thu xếp giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.” (khoản 6 Điều 4 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022)
Môi giới chứng khoán:
“Môi giới chứng khoán là việc làm trung gian thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng.” (khoản 29 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019)
3. Quy định pháp luật về người môi giới:
Người môi giới được hiểu đơn giản là người thực hiện hoạt động môi giới, là người trung gian giúp các bên tiếp xúc, gặp gỡ nhau và là người được hưởng thù lao môi giới.
Thuật ngữ “người môi giới” là thuật ngữ chung để chỉ có bên môi giới, không nhất thiết là một cá nhân, mà có thể là một tổ chức, doanh nghiệp.
Một số lĩnh vực môi giới pháp luật Việt Nam quy định một số điều kiện thì người môi giới mới được hành nghề như sau:
3.1. Điều kiện môi giới bất động sản:
Theo Điều 62 của Luật Kinh doanh bất động sản 2014, điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản gồm:
– Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp và phải có ít nhất 02 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
– Cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập nhưng phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
– Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản không được đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh bất động sản.
Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản của cá nhân được cấp khi đủ các điều kiện sau:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có trình độ tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên;
– Đã qua sát hạch về kiến thức môi giới bất động sản.
Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản có thời hạn sử dụng là 05 năm. Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định cụ thể việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.
3.2. Điều kiện môi giới bảo hiểm:
Theo Điều 133 của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022, điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm như sau:
“1. Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn thành lập bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
b) Tổ chức có tư cách pháp nhân, đang hoạt động hợp pháp và đáp ứng các điều kiện về tài chính theo quy định của Chính phủ.
2. Điều kiện về vốn bao gồm:
a) Vốn điều lệ được góp bằng Đồng Việt Nam và không thấp hơn mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ;
b) Cổ đông, thành viên góp vốn không được sử dụng vốn vay, nguồn vốn ủy thác đầu tư của tổ chức, cá nhân khác để tham gia góp vốn.
3. Điều kiện về nhân sự: có Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật dự kiến đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn về năng lực quản lý, kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định tại Điều 138 của Luật này.
4. Có hình thức tổ chức hoạt động theo quy định của Luật này và có dự thảo điều lệ phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
5. Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp từ 10% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Là tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện hoạt động môi giới bảo hiểm trong 05 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
b) Được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cho phép thành lập doanh nghiệp môi giới bảo hiểm tại Việt Nam và xác nhận không vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về môi giới bảo hiểm của nước nơi tổ chức đặt trụ sở chính trong 03 năm liên tục gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập và hoạt động.”
Lưu ý: Cá nhân không được phép thực hiện hoạt động mà chỉ có Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm được Bộ Tài chính cấp phép mới được thực hiện.
3.3. Điều kiện môi giới chứng khoán:
Để hành nghề môi giới chứng khoán, người môi giới cần phải có chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán. Chứng chỉ hành nghề môi giới chứng khoán là một loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán.
Cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Chứng khoán 2019 mới được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật.
– Có trình độ từ đại học trở lên.
– Có trình độ chuyên môn về chứng khoán.
– Đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với loại chứng chỉ hành nghề chứng khoán đề nghị cấp. Người nước ngoài có chứng chỉ chuyên môn về chứng khoán hoặc những người đã hành nghề chứng khoán hợp pháp ở nước ngoài phải đạt yêu cầu trong kỳ thi sát hạch pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán của Việt Nam.
Công ty chứng khoán cũng có thể được cấp phép hoạt động môi giới chứng khoán (Điều 72 Luật Chứng khoán 2019) và phải đáp ứng các điều kiện sau:
– Điều kiện về vốn bao gồm: việc góp vốn điều lệ vào công ty chứng khoán phải bằng Đồng Việt Nam; vốn điều lệ tối thiểu cho từng nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán tại Việt Nam theo quy định của Chính phủ.
– Điều kiện về cổ đông, thành viên góp vốn bao gồm:
+ Cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân không thuộc các trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp;
+ Cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức phải có tư cách pháp nhân và đang hoạt động hợp pháp; hoạt động kinh doanh có lãi trong 02 năm liền trước năm đề nghị cấp giấy phép; báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần;
+ Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán và người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán khác;
+ Cổ đông, thành viên góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 77 của Luật này.
– Điều kiện về cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn bao gồm:
+ Có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn là tổ chức. Trường hợp công ty chứng khoán được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ sở hữu phải là doanh nghiệp bảo hiểm hoặc ngân hàng thương mại hoặc tổ chức nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này;
+ Tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ, trong đó các tổ chức là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại sở hữu tối thiểu là 30% vốn điều lệ.
– Điều kiện về cơ sở vật chất bao gồm:
+ Có trụ sở làm việc bảo đảm cho hoạt động kinh doanh chứng khoán;
+Có đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang bị, thiết bị văn phòng, hệ thống công nghệ phù hợp với quy trình nghiệp vụ về hoạt động kinh doanh chứng khoán.
– Điều kiện về nhân sự bao gồm: Có Tổng giám đốc (Giám đốc), tối thiểu 03 nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đề nghị cấp phép và tối thiểu 01 nhân viên kiểm soát tuân thủ. Tổng giám đốc (Giám đốc) phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
+ Không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù hoặc bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật;
+ Có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm làm việc tại bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác;
+ Có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ;
+ Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán trong thời hạn 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Trường hợp có Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ phụ trách.
– Dự thảo Điều lệ phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 80 của Luật Chứng khoán 2019.
Trên đây là nội dung Môi giới và các quy định pháp luật liên quan về người hành nghề môi giới và nghề môi giới.
_________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm