PPP LÀ GÌ? THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HỢP TÁC CÔNG TƯ TẠI VIỆT NAM
Thuật ngữ “PPP” là cách viết tắt của cụm từ “Public - Private Partnership”, đây là mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân hay còn gọi là hợp tác công tư. Hãy cùng Luật sư Vina Lawyer tìm hiểu về PPP, thực trạng PPP ở Việt Nam và giải pháp cho PPP tại Việt Nam nhé.
- Căn cứ pháp lý: Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020
- Nội dung:
1. PPP là gì? Đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam?
1.1. PPP là gì?
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã triển khai thành công mô hình này, nhưng vẫn chưa có định nghĩa chung thống nhất cho thuật ngữ PPP. PPP là cụm từ được viết tắt bởi Public Private Partnership, tạm dịch nghĩa là “quan hệ đối tác công tư”. Quan hệ đối tác công tư được hiểu là quan hệ hợp tác giữa hai bên, trong đó một bên là Nhà nước, các cơ quan trong hệ thống cơ quan Nhà nước với một bên còn lại là các cá nhân, tổ chức tư.
Tại Việt Nam, PPP được biết đến là một hình thức “đối tác công tư” và được thực hiện trong các dự án đầu tư sản phẩm và dịch vụ công.
1.2. Đầu tư theo phương thức PPP tại Việt Nam:
Khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020:
“Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án PPP”.
Lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP bao gồm:
- Giao thông vận tải;
- Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực;
- Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải;
- Y tế; giáo dục - đào tạo;
- Hạ tầng công nghệ thông tin.
Theo đó, các bên tham gia hợp tác phải thực hiện ký kết Hợp đồng dự án PPP:
“Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật này” (khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020).
2. Các mô hình đầu tư theo phương thức PPP ở Việt Nam:
2.1. Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng hoặc tổ chức bao tiêu sản phẩm, dịch vụ công.
-
Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước
-
Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (BTO): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; sau khi hoàn thành xây dựng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng cho Nhà nước và được quyền kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định;
- Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, sở hữu, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng;
- Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để kinh doanh, quản lý một phần hoặc toàn bộ công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng.
2.2. Nhóm hợp đồng dự án áp dụng cơ chế Nhà nước thanh toán:
-
Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và chuyển giao cho Nhà nước sau khi hoàn thành; được quyền cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP;
-
Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (BLT): là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trên cơ sở vận hành, khai thác công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó trong thời hạn nhất định; cơ quan ký kết hợp đồng thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước.
2.3. Hợp đồng hỗn hợp:
Hợp đồng hỗn hợp là hợp đồng kết hợp giữa các loại hợp đồng quy định tại nhóm (1) và nhóm (2).
Lưu ý: Hợp đồng về cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có không áp dụng loại hợp đồng nhóm (1).
3. Thực trạng hợp tác công tư tại Việt Nam?
3.1. Thực trạng áp dụng Luật PPP 2020:
Năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư được Quốc hội ban hành. Đây là một đạo luật quy định chi tiết về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khác với trước đây, các vấn đề liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư đều được điều chỉnh trong Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công,... và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Điều này đã gây khó khăn cho các nhà đầu tư dự án PPP bởi các quy định chồng chéo nhau. Đồng thời, đầu tư theo phương thức đối tác công tư là một hình thức đầu tư đặc biệt có nhiều khác biệt so với các hình thức khác nên Quốc hội đã nhận thấy nhu cầu cấp thiết cần ban hành đạo luật này. Tuy nhiên, trong 03 năm áp dụng Luật PPP vẫn tồn tại một số bất cập sau:
-
Thiếu đồng bộ giữa các quy định của Luật PPP 2020 với các Luật chuyên ngành khác, dẫn đến những cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền về cùng một vấn đề liên quan đến dự án PPP.
- Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PPP và các quy định có liên quan vẫn nằm ở nhiều văn bản khác nhau, dẫn đến khó khăn cho Cơ quan ký kết hợp đồng, nhà đầu tư dự án trong việc tra cứu, áp dụng trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP.
- Nhiều quy định của Luật PPP 2020, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP và các Nghị định liên quan khác về quy trình lập, phê duyệt dự án PPP; hình thức, quy trình lựa chọn nhà đầu tư; tiêu chí năng lực nhà đầu tư, tiêu chuẩn công nghệ áp dụng cho dự án, tiêu chuẩn, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư; triển khai dự án PPP; bảo đảm đầu tư… khi áp dụng vào từng lĩnh vực cụ thể, có tính đặc thù như xây dựng hạ tầng giao thông, xử lý nước thải, chất thải rắn,… còn gặp nhiều vướng mắc, cần có những hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan quản lý chuyên ngành đối với các lĩnh vực đó.
- Mẫu Hợp đồng dự án PPP là một trong những văn kiện quan trọng trong quy trình tiếp cận, chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án đầu tư. Hợp đồng dự án PPP còn mang tính chất như văn bản chỉ dẫn cho Nhà đầu tư về các điều kiện, quy trình đầu tư dự án PPP. Tuy nhiên trong lĩnh vực về hạ tầng giao thông và năng lượng, đến nay ngoài Bộ Giao thông đã ban hành Mẫu Hợp đồng BOT kèm theo Thông tư số 09/2022/TT-BGTVT ngày 22/6/2022, thì các Bộ chuyên ngành khác vẫn chưa xây dựng xong và chưa chính thức ban hành các Thông tư hướng dẫn về dự án PPP và Mẫu Hợp đồng dự án BLT và O&M.
3.2. Thực trạng thực hiện các dự án PPP:
Tình hình thực hiện dự án PPP thể nói là khá lạc quan, với hàng loạt dự án lớn đã được triển khai cũng như hàng loạt dự án đang chờ phê duyệt.
Trước khi Luật PPP 2020 ban hành: Theo Báo cáo số 25/BC-CP ngày 30/01/2019 của Chính phủ về tổng kết tình hình thực hiện dự án PPP, đã có 336 dự án PPP (trong đó, 140 dự án theo hợp đồng BOT, 188 dự án theo hợp đồng BT và tám dự án được áp dụng các loại hợp đồng khác); huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia). Trong đó:
- Lĩnh vực giao thông có 220 dự án bao gồm 118 dự án BOT với tổng vốn đầu tư khoảng 279.367 tỷ đồng, 99 dự án BT với tổng vốn đầu tư khoảng 117.421 tỷ đồng, ba dự án theo hình thức khác;
- Lĩnh vực năng lượng (xây dựng nhà máy điện) có 18 dự án BOT với tổng vốn đầu tư khoảng 857.209 tỷ đồng;
- Lĩnh vực phát triển hạ tầng Khu công nghiệp, Khu kinh tế có ba dự án BT với tổng vốn đầu tư 162,645 tỷ đồng, hai dự án BOT với tổng vốn đầu tư 27.860,6 tỷ đồng;
- Lĩnh vực giáo dục có sáu dự án BT với tổng vốn đầu tư là 1.284,68 tỷ đồng;
- Lĩnh vực văn hóa, thể thao có 10 dự án BT và một dự án BOT với tổng vốn đầu tư là 4.632,148 tỷ đồng;
- Lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (xây dựng nhà ở tái định cư, hạ tầng ký túc xá...) có 32 dự án;
- Lĩnh vực xây dựng trụ sở làm việc có 20 dự án và các lĩnh vực khác.
- Các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, y tế, du lịch chưa có dự án PPP nào đi vào vận hành, khai thác.
Sau khi Luật PPP 2020 được ban hành: Tính đến hết năm 2022, tại Việt Nam có 10 dự án mới đã được phê duyệt và 14 dự án đang được triển khai các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật PPP, hơn 100 dự án PPP chuyển tiếp từ giai đoạn trước. Các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 235.000 tỷ đồng; Các dự án này khi hoàn thành dự kiến sẽ hình thành gần 700 km đường cao tốc, 02 cảng hàng không quốc tế, góp phần nâng cao cơ sở hạ tầng của quốc gia và một số địa phương. Thông qua các dự án này, dự kiến huy động được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.
Có thể thấy, các dự án giao thông đường bộ được chú trọng hơn cả và cũng chiếm phần lớn trong các dự án PPP. Có nhiều lĩnh vực rất tiềm năng cho các dự án PPP như năng lượng, giao thông, y tế,… Tuy nhiên, một số lĩnh vực mới vẫn chưa xác định được mô hình nào phù hợp, như ở lĩnh vực y tế vẫn chưa áp dụng được loại hợp đồng BOT hay BTO là phù hợp (bệnh nhân nộp tiền cho Nhà nước, nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư). Đây chính là vướng mắc khiến các ngành này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, vẫn có một số bất cập qua quá trình thực hiện như sau:
- Tính hấp dẫn của nhiều dự án PPP hiện nay còn chưa cao. Một số dự án được dự kiến triển khai ở những vùng khó khăn, thời gian thu hồi vốn dài, lợi ích cho nhà đầu tư hạn chế và không rõ ràng hoặc chứa đựng rủi ro cao. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện, vốn đóng góp của Nhà nước chậm được giải ngân, dẫn đến nhiều dự án đã được đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư từ nhiều năm vẫn chưa được triển khai.
- Công tác quản lý đối với các dự án PPP còn thiếu chặt chẽ. Một số cơ quan có trách nhiệm buông lỏng chức năng, nhiệm vụ. Báo cáo kiểm toán chỉ ra rằng, nhiều dự án giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán và tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát, dẫn đến có thể không đảm bảo tính khách quan. Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ, dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án.
- Năng lực của nhiều nhà đầu tư dự án PPP còn nhiều hạn chế. Nhiều nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, thực hiện và vận hành các dự án PPP. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2017 cho thấy, vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ, theo đó, gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước, hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Mục đích thu hút vốn đầu tư tư nhân là chưa đạt như kỳ vọng, khiến hiệu quả đầu tư còn thấp do chi phí vốn cao.
- Các thủ tục liên quan tới dự án PPP hiện nay còn rườm rà, phức tạp, chịu sự chi phối của nhiều quan điểm không nhất quán, trong đó có những thủ tục mang tính hình thức, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý nhà nước.
4. Giải pháp cho hợp tác công tư tại Việt Nam?
-
Nhanh chóng hoàn thiện pháp luật về PPP để thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến dự án PPP.
- Cải cách thủ tục hành chính: các quy trình hành chính liên quan đến PPP, bao gồm cả việc hỗ trợ về thủ tục từ giai đoạn chuẩn bị và thực hiện đầu tư, nhằm thúc đẩy tiến độ và rút ngắn thời gian triển khai dự án.
- Các thông tin liên quan đến việc chuẩn bị dự án và lựa chọn nhà đầu tư cần được công khai và minh bạch.
- Xây dựng và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan trong toàn bộ quá trình chuẩn bị và thực hiện đầu tư cho dự án, bao gồm cả việc giám sát, kiểm tra, thanh tra và kiểm toán dự án PPP.
- Tạo điều kiện để các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật và môi trường đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho họ có thể tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ hỗ trợ để thực hiện các thủ tục vay vốn và giải ngân cho dự án.
Trên đây là nội dung PPP LÀ GÌ? THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HỢP TÁC CÔNG TƯ TẠI VIỆT NAM.
_________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm