SỰ KHÁC NHAU VỀ KHÁI NIỆM “HỢP ĐỒNG” GIỮA BỘ LUẬT DÂN SỰ VÀ LUẬT THƯƠNG MẠI
Tại thời điểm hiện nay, pháp luật Việt Nam duy trì sự khác biệt cơ bản giữa hợp đồng dân sự và hợp đông thương mại. Trong đó, (i) hợp đồng dân sự được điều chỉnh chủ yếu bởi Bộ luật Dân sự 2015 và (ii) hợp đông thương mại được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Thương mại 2005. Ngoài Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, còn có các quy định pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hợp đồng được xác lập và thực hiện trong lĩnh vực chuyên ngành đó. Thậm chí, ngay cả khi một hợp đồng được xác định là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng thương mại, hợp đồng đó vẫn có thể chịu sự điều chỉnh cụ thể và riêng biệt bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành, nhất là trong những lĩnh vực đặc thù như lao động, xây dựng, ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, đất đai, sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, v.v… Trong bài viết này, kính mời quý bạn đọc cùng cùng AV Counsel tìm hiểu về sự khác biệt giữa Hợp đồng dân sự và Hợp đồng thương mại nhé.
- Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật thương mại 2005.
- Nội dung:
1. Thế nào là Hợp đồng dân sự và Hợp đồng thương mại?
- Hợp đồng dân sự là một khái niệm chung, bao gồm mọi loại hợp đồng (trong đó có hợp đồng thương mại) được giao kết giữa bất kỳ chủ thể nào là pháp nhân hoặc cá nhân và quan hệ hợp đồng, nhằm mục đích sinh lợi hoặc không nhằm mục đích sinh lợi.
- Hợp đồng thương mại là một loại hợp đồng dân sự. Khác với các loại hợp đồng dân sự khác, hợp đồng thương mại liên quan đến hoạt động thương mại (i) được xác lập giữa các bên là thương nhân hoặc một trong các bên là thương nhân và (ii) nhằm mục đích sinh lợi.
Phần lớn hợp đồng điều chỉnh các giao dịch kinh tế hoặc thương mại của pháp nhân là hợp đồng thương mại.
2. Khái niệm về hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005
Bộ luật Dân sự 2015 có định nghĩa về hợp đồng dân sự và đây là định nghĩa thể hiện các đặc tính của hợp đồng.
Theo Điều 385 của Bộ luật Dân sự 2005, hợp đồng dân sự được định nghĩa như sau: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Dựa trên định nghĩa này, hợp đồng dân sự tồn tại khi thỏa mãn hai đặc tính cơ bản là (i) thể hiện sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng và (ii) nội dung thỏa thuận là xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.
Do Luật Thương mại 2005 không có định nghĩa về hợp đồng thương mại, định nghĩa quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 cũng có thể được áp dụng để hiểu các đặc tính cơ bản của hợp đồng thương mại. Như trình bày ở trên, hợp đồng thương mại liên quan đến hoạt động thương mại và hoạt động thương mại có các đặc trưng về chủ thể xác lập và mục đích của hoạt động thương mại là (i) được xác lập giữa các bên là thương nhân hoặc một trong các bên là thương nhân và (ii) nhằm mục đích sinh lợi.
Cần lưu ý là mặc dù mục đích sinh lợi là một trong những đặc trưng của hợp đồng thương mại, Luật Thương mại 2005 vẫn điều chỉnh hợp đồng trong đó có bên không phải là thương nhân tham gia hợp đồng không nhằm mục đích sinh lợi, nhưng chọn Luật Thương mại 2005 là luật áp dụng để điều chỉnh hợp đồng.
Các đặc trưng này thể hiện tính chất đặc thù của hoạt động thương mại. Nói rộng ra, các đặc trưng này thể hiện tính chất chuyên biệt của hợp đồng thương mại so với hợp đồng dân sự và không nên coi là các đặc tính cơ bản của hợp đồng thương mại. Có lẽ nên hiểu các đặc tính cơ bản của hợp đồng thương mại cũng giống như hợp đồng dân sự là (i) thể hiện sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng và (ii) nội dung thỏa thuận là xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.
3. Vai trò của việc phân định giữa các đặc tính cơ bản và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng
Về mặt lý thuyết, dường như pháp luật về hợp đồng có sự phân định giữa các đặc tính cơ bản của hợp đồng và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng các đặc tính cơ bản là yếu tố cấu thành để xác định có hay không có sự tồn tại của hợp đồng. Khi hợp đồng được xác định là tồn tại, các điều kiện có hiệu lực (như năng lực chủ thể, tính tự nguyện, nội dung, mục đích hay hình thức của hợp đồng) mới tiếp tục được xem xét để xác định hiệu lực của hợp đồng.
Sự phân định giữa các đặc tính cơ bản và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định phạm vi áp dụng của pháp luật về hợp đồng. Chỉ khi xác định được các đặc tính cơ bản của hợp đồng thì mới có thể xác định được phạm vi áp dụng của pháp luật về hợp đồng. Bộ luật Dân sự 2015 điều chỉnh giao dịch dân sự nói chung và giao dịch dân sự là một khái niệm chung bao gồm bất kỳ giao dịch nào làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của bên có liên quan trong giao dịch. Giao dịch dân sự bao gồm hợp đồng và hành vi pháp lý đơn phương.
Hành vi pháp lý đơn phương không phải là hợp đồng mặc dù có thể làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của bên có liên quan trong giao dịch. Hợp đồng thể hiện sự thỏa thuận về ý chí giữa các bên. Trong khi đó, khác với hợp đồng, hành vi pháp lý đơn phương chỉ thể hiện ý chí của một bên mà không cần thể hiện sự đồng thuận ý chí giữa các bên. Hành vi pháp lý đơn phương được điều chỉnh bởi các quy định riêng về hành vi pháp lý đơn phương và không được điều chỉnh bởi các quy định về hợp đồng.
4. Các đặc tính cơ bản và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng không được phân biệt rõ ràng cả về lý thuyết và thực tế.
Dưới góc độ của pháp luật chuyên ngành, các đặc tính cơ bản và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đôi khi trùng lắp. Ví dụ, hình thức “bằng văn bản” được xem là một điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo Bộ luật Dân sự 2015 trong một số loại hợp đồng nhưng lại là một đặc tính cơ bản của hợp đồng xây dựng theo Luật Xây dựng 2014.
Theo Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng tồn tại cho dù được giao kết bằng văn bản, lời nói, hoặc hành vi. Nếu hợp đồng phải được giao kết bằng văn bản thì giao kết bằng văn bản là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng không được giao kết bằng văn bản có thể bị vô hiệu mặc dù đã tồn tại. Theo Luật Xây dựng 2014, hợp đồng xây dựng có thể bị coi là không tồn tại nếu không được giao kết bằng văn bản.
Nhìn từ khía cạnh thực tế, cơ quan xét xử khi giải quyết tranh chấp thường chỉ tập trung vào các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng hơn là xác định có hay không có sự tồn tại của hợp đồng và thường áp dụng quy định về hợp đồng không có hiệu lực ngay cả khi không tồn tại hợp đồng. Điều này một phần có lẽ cũng xuất phát từ thực tế là chưa có một khung pháp lý cụ thể để điều chỉnh hậu quả pháp lý của việc không tồn tại hợp đồng trong khi khung pháp lý để điều chỉnh hậu quả của việc hợp đồng không có hiệu lực (đặc biệt là hợp đồng vô hiệu) tương đối phát triển. Ngoài ra, hậu quả pháp lý của việc không tồn tại hợp đồng có lẽ cũng hướng tới việc khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và đây cũng là hậu quả pháp lý trong trường hợp hợp đồng không có hiệu lực. Do vậy, sự phân biệt giữa trường hợp hợp đồng không tồn tại và hợp đồng không có hiệu lực không có nhiều ý nghĩa trên thực tế.
Trên đây là nội dung AV Counsel chia sẻ về chủ đề Sự khác nhau về khai niệm "Hợp đồng" giữa Bộ luật Dân sự và Luật thương mại. Kính mời quý bạn đọc cùng tham khảo.
_____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm