TẬP TRUNG KINH TẾ TRONG CẠNH TRANH
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn, sở hữu thị phần và sức mạnh tài chính đáng kể thì hiện tượng tập trung kinh tế đang diễn ra phổ biến. Xu hướng này mang đến nhiều lợi ích, nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định, đòi hỏi cần được quản lý chặt chẽ để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
- Cơ sở pháp lý: Luật Cạnh tranh 2018;
- Nội dung:
1. Tập trung kinh tế là gì? Các hình thức tập trung kinh tế
Pháp luật Việt Nam không đưa ra bất kỳ một khái niệm “Tập trung kinh tế”. Tuy nhiên, tại Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018 có quy định về các hình thức tập trung kinh tế gồm:
- Sáp nhập doanh nghiệp: là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
- Hợp nhất doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất.
- Mua lại doanh nghiệp: là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.
- Liên doanh giữa các doanh nghiệp: là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp cùng nhau góp một phần tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới.
- Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật.
Dựa trên quy định về các hình thức tập trung kinh tế trên, có thể hiểu: Tập trung kinh tế là hiện tượng các doanh nghiệp kết hợp lại với nhau để gia tăng quy mô, thị phần trong một lĩnh vực cụ thể và gia tăng sức mạnh tài chính.
Theo đó, việc tập trung kinh tế có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nguy cơ tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Do đó, để đảm bảo an toàn kinh tế cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng thì việc quản lý tập trung kinh tế là một vấn đề hết sức cần thiết để đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh và lợi ích người tiêu dùng.
Điều 30 Luật Cạnh tranh 2018 cũng quy định khi doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam thì đây sẽ là hành vi bị cấm. Vì vậy, khi thực hiện tập trung kinh tế phải thông báo với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nếu thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế.
2. Thực hiện tập trung kinh tế như thế nào?
Bước 1: Doanh nghiệp thực hiện thông báo tập trung kinh tế
- Doanh nghiệp khi thực hiện tập trung kinh tế phải thực hiện thông báo đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khi thuộc ngưỡng sau:
- Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên;
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
- Riêng đối với các doanh nghiệp là tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc trong một trong các trường hợp sau đây:
- Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên, của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 15.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt 20% trở lên trên tổng tài sản của hệ thống các tổ chức tín dụng trên thị trường Việt Nam trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 10.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của công ty hoặc nhóm công ty chứng khoán liên kết mà công ty đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của tổ chức tín dụng hoặc nhóm tổ chức tín dụng liên kết mà tổ chức tín dụng đó là thành viên đạt từ 20% trở lên trên tổng doanh thu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế;
- Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của doanh nghiệp bảo hiểm, công ty chứng khoán từ 3.000 tỷ đồng trở lên; giá trị giao dịch của tập trung kinh tế của tổ chức tín dụng từ 20% trở lên trên tổng vốn điều lệ của hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; d) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Bước 2: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế và tiến hành thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tiến hành thẩm định sơ bộ trong vòng 30 ngày với các nội dung:
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;
- Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;
- Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau.
- Sau khi tiến hành thẩm định sơ bộ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ ra một trong các quyết định:
- Tập trung kinh tế được thực hiện;
- Tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức.
- Tập trung kinh tế được thực hiện mà không phải thẩm định chính thức khi thuộc trong các trường hợp sau:
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế ít hơn 20% trên thị trường liên quan;
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan và tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan thấp hơn 1.800;
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan, tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trên 1.800 và biên độ tăng tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế thấp hơn 100;
- Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan.
Bước 3: Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế
Nội dung thẩm định:
- Đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế và các biện pháp khắc phục tác động hạn chế cạnh tranh:
- Tác động tích cực đến việc phát triển của ngành, lĩnh vực và khoa học, công nghệ theo chiến lược, quy hoạch của Nhà nước;
- Tác động tích cực đến việc phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
- Đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế:
- Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;
- Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;
- Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau;
- Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan; đ) Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể;
- Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường;
- Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
- Đánh giá tổng hợp khả năng tác động hạn chế cạnh tranh và khả năng tác động tích cực của tập trung kinh tế để làm cơ sở xem xét, quyết định về việc tập trung kinh tế.
Trên đây là một số nội dung cơ bản về TẬP TRUNG KINH TẾ TRONG CẠNH TRANH mà AV COUNSEL gửi tới bạn đọc.
_____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm