THẾ NÀO LÀ ĐỀ NGHỊ VÀ CHẤP NHẬN ĐỀ NGHỊ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG ???

Để Hợp đồng tồn tại thì các bên có thể cùng nhau ký kết thỏa thuận bằng văn bản thể hiện quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như những nội dung hợp đồng. Nhưng trong một số trường hợp Hợp đồng được giao kết dựa trên đề nghị giao kết hợp đồng của một bên và được bên kia chấp nhận đề nghị giao kết đó. Tại thời điểm bên kia chấp thuận đề nghị giao kết, hợp đồng được giao kết, các bên thể hiện ý định giao kết thông qua đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng và nội dung hợp đồng thể hiện ở đề nghị giao kết hợp đồng cuối cùng được chấp nhận. Vậy tiêu chí nào để xác định một lời đề nghị là đề nghị giao kết hợp đồng và tiêu chí nào để xác định một phản hồi là sự chấp thuận đề nghị giao kết hợp đồng???? Câu trả lời sẽ được AV Counsel chia sẻ thông qua bài viết dưới đây.

- Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Công ước Vienna 1980.

- Nội dung:

1. Đề nghị giao kết hợp đồng

Căn cứ theo Điều 386 BLDS 2015 (tương tư tại Điều 14 Công ước Vienna 1980) quy định:

Điều 386. Đề nghị giao kết hợp đồng

1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị).

2. Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.”

Như vậy, một lời đề nghị chỉ được xem là đề nghị giao kết hợp đồng nếu đáp ứng ba điều kiện là:

(i) thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của bên đề nghị;

(ii) chịu sự ràng buộc về đề nghị giao kết hợp đồng với bên được đề nghị là bên đã được xác định hoặc công chúng và;

(iii) có tính chất độc quyền với bên được đề nghị.

1.1. Thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng phải thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng. Đặc tính thứ nhất được dùng để phân biệt giữa đề nghị giao kết hợp đồng với các hình thức trao đổi ý chí khác mà các bên có thể đưa ra trong giai đoạn tiền hợp đồng. Trong giai đoạn tiền hợp đồng, một bên có thể gửi bên kia lời mời chào hàng hoặc đề nghị đàm phán hợp đồng mà không thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và không chịu sự ràng buộc đối với lời mời hoặc đề nghị của mình. Lời mời hoặc đề nghị như vậy không phải là đề nghị giao kết hợp đồng và việc thực hiện giao dịch cần được quy định trong hợp đồng cụ thể.

1.2. Đề nghị ràng buộc bên đề nghị đối với bên xác định hoặc đề nghị công cộng

Từ khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, đề nghị giao kết hợp đồng không còn cần cụ thể hướng tới một bên xác định nữa. Ngay cả khi một lời đề nghị hướng đến công chúng (ví dụ, đề nghị chào hàng hoặc quảng cáo) nếu thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc của bên đề nghị thì cũng được xem là đề nghị giao kết hợp đồng và tạo ra ràng buộc pháp lý đối với bên đưa ra đề nghị có liên quan. Quy định mới này trong Bộ luật Dân sự 2015 lần đầu tiên đã thừa nhận “đề nghị công cộng” tại Việt Nam còn theo Bộ luật Dân sự 2005, để nghị giao kết hợp đồng cần hướng tới một bên xác định.

1.3. Đề nghị có tính chất độc quyền trong thời hạn trả lời

Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nếu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị nếu có thiệt hại phát sinh vì không được giao kết hợp đồng. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thể hiện tính chất độc quyền của đề nghị giao kết hợp đồng trong thời hạn trả lời.

Trong bối cảnh giao dịch mua bán cổ phần, bên mua cổ phần có thể gửi cho bên bán cổ phần bản đề xuất các điều khoản và điều kiện cơ bản của giao dịch mua cổ phần hoặc văn bản thể hiện ý định thực hiện giao dịch mua cổ phần. Các văn bản trên có là đề nghị giao kết hợp đồng hay không lại phụ thuộc vào ngôn ngữ cụ thể được quy định trong các văn bản đó. Thông thường bên mua cổ phần không muốn các văn bản này được coi là đề nghị giao kết hợp đồng. Để thể hiện ý định này, các văn bản này đều quy định rõ đây không phải là đề nghị giao kết hợp đồng và các bên cần có thỏa thuận giao kết hợp đồng trong một khoảng thời gian nhất định. Giai đoạn này thường là giai đoạn để bên mua cổ phần thực hiện thẩm định về pháp lý và tài chính đối với bên bán cổ phần cũng như thỏa thuận về các điều khoản cụ thể của hợp đồng mua bán cổ phần. Nếu bên mua cổ phần không nhất thiết phải thực hiện thẩm định pháp lý và tài chính và mong muốn các văn bản trên là đề nghị giao kết hợp đồng mà không cần hợp đồng mua bán cổ phần, các văn bản trên cần quy định rõ đây là đề nghị giao kết hợp đồng và phải quy định các điều khoản cụ thể của giao dịch mua bán cổ phần để bảo đảm tính chắc chắn và cụ thể của giao dịch.

Điều cần lưu ý là trong trường hợp các văn bản trên không phải là đề nghị giao kết hợp đồng, các bên cũng có thể thỏa thuận là một số điều khoản trong các văn bản này tạo ra nghĩa vụ ràng buộc các bên (ví dụ, các điều khoản bảo mật, độc quyền hoặc chia sẻ chi phí giao dịch). Các điều khoản này nhằm bảo vệ quyền lợi và xử lý rủi ro liên quan ngay cả trong trường hợp giao dịch mua bán cổ phần dự kiến không được thực hiện. Cho dù giao dịch dự kiến không được thực hiện, các bên vẫn có nghĩa vụ giữ bảo mật thông tin được chia sẻ (đặc biệt là khi bên mua cổ phần có thông tin về bên bán cổ phần thông qua quá trình thẩm định pháp lý và tài chính) và không có quan hệ hợp đồng tương tự với các chủ thể khác trong giai đoạn các bên đàm phán giao dịch (tức là bên bán không đồng thời đàm phán để bán cổ phần cho một bên mua khác và bên mua không đồng thời đàm phán để mua cổ phần của một bên bán khác). Các bên cũng đồng ý chia sẻ các chi phí liên quan đến giao dịch như chi phí thẩm định pháp lý và tài chính và chi phí đàm phán và soạn thảo về các điều khoản của hợp đồng mua bán cổ phần. Các điều khoản về bảo mật, độc quyền và chia sẻ chi phí giao dịch mua bán cổ phần nếu đủ chắc chắn và chi tiết như phân tích dưới đây có thể được coi là hành vi pháp lý đơn phương của bên đưa ra cam kết hoặc hợp đồng thu nhỏ giữa các bên liên quan đến các vấn đề trên.

2. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Theo Khoản 1 Điều 393 BLDS 2015: “1. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.”

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng được hiểu là sự thể hiện ý chí của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng. Về điều kiện này, pháp luật hợp đồng Việt Nam về cơ bản tương thích với Điều 19 Công ước Vienna 1980. Chấp thuận đề nghị giao kết hợp đồng có thể dưới hình thức im lặng nếu có thỏa thuận hoặc theo thói quen xác lập giữa các bên theo khoản 2 Điều 393 BLDS 2015.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 394 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng cần được trả lời trong thời gian ấn định tại đề nghị giao kết hợp đồng và nếu không có quy định, trong một “thời hạn hợp lý”.

2.1. Chấp thuận toàn bộ

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng phải chấp nhận toàn bộ nội dung của đền giao kết hợp đồng. Điều kiện này đòi hỏi bên được đề nghị phải chấp nhận toàn bộ, tuyệt đối và vô điều kiện đối với những nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng cuối cùng. Nói cách khác, đặc tính này không chấp nhận việc bên được đề nghị có thể đưa ra bất kỳ sửa đổi hoặc bổ sung nào đối với đề nghị giao kết hợp đồng. Trong trường hợp bên được đề nghị đưa ra chấp nhận nhưng có sửa đổi hoặc bổ sung so với đề nghị giao kết thì chấp nhận đó có thể được xem là một đề nghị giao kết hợp đồng mới do bên được đề nghị đưa ra. Hợp đồng chỉ chính thức được giao kết khi mà một bên chấp nhận toàn bộ và trọn vẹn tất cả các nội dung trong đề nghị giao kết của bên kia mà không đưa ra thêm bất kỳ sửa đổi hoặc bổ sung nào.

2.2. Sự im lặng

Đề nghị giao kết hợp đồng có thể được chấp nhận thông qua văn bản, lời nói hoặc hành động. Trong trường hợp chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thông qua sự im lặng, pháp luật quy định rằng về nguyên tắc sự thỏa thuận của các bên phải được thể hiện ra bên ngoài, do vậy “sự im lặng” không được đương nhiên hiểu là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, “trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.” (khoản 2 Điều 393 BLDS 2015).

Đây là một đặc tính quan trọng trên thực tế. Thông thường, đề nghị giao kết hợp đồng quy định về việc chấp thuận dưới hình thức im lặng không trả lời chấp thuận trong một khoảng thời gian cố định. Tuy nhiên, đây chỉ là đề nghị của bên đề nghị mà không phải là thỏa thuận của các bên. Trừ khi đây là thói quen đã được xác lập giữa các bên, hiệu lực của quy định trong đề nghị giao kết hợp đồng về việc chấp thuận dưới hình thức im lặng không trả lời chấp thuận trong một khoảng thời gian cố định không hoàn toàn rõ ràng và nên được cân nhắc khi sử dụng trên thực tế.

2.3. Thời hạn trả lời

Khoản 1 Điều 393 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép bên đề nghị ấn định sẵn thời hạn trả lời chấp nhận trong đề nghị giao kết hợp đồng và việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó. Trong trường hợp bên đề nghị không ấn định sẵn thời hạn trả lời chấp nhận thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong “thời hạn hợp lý.”

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 không hướng dẫn cụ thể về “thời hạn hợp lý”. Về lý thuyết, có lẽ “thời hạn hợp lý” được xác định phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể và dựa vào tốc độ của phương tiện thông tin mà các bên sử dụng. Tại thời điểm hiện nay, dường như chưa có bản án hay án lệ nào cung cấp quan điểm hay giải thích rõ hơn của cơ quan xét xử về vấn đề này.

3. Thời điểm giao kết

Theo khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 quy định đối với hợp đồng giao kết bằng văn bản, thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định là các bên cần ký vào cùng một văn bản và do vậy, có thể suy luận là các bên có thể ký vào cùng một bản hoặc ký vào nhiều bản khác nhau của hợp đồng. Trên thực tế, nếu các bên giao kết trực tiếp và ký vào chung một bản của hợp đồng thì các bên thông thường ký vào hợp đồng trong cùng một ngày; nếu các bên ký vào nhiều bản khác nhau của hợp đồng thì các bên thông thường ký hợp đồng vào các ngày khác nhau (ví dụ khi các bên ở các địa điểm và múi giờ khác nhau) và hợp đồng được giao kết vào ngày bên cuối cùng ký vào hợp đồng.

Đối với trường hợp hợp đồng được giao kết bằng phương thức đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng thì thời điểm giao kết là thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận đề nghị giao kết. Như trình bày ở trên, sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó (khoản 2 Điều 400 BLDS 2015).

Trên đây là những nội dung chia sẻ của AV Counsel về chủ đề Đề nghị và chấp thuận đề nghị giao kết hợp đồng.

________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Tin tức liên quan

TÍN PHIẾU KHO BẠC LÀ GÌ? THÔNG TIN VÀ PHƯƠNG THỨC PHÁT HÀNH
TÍN PHIẾU KHO BẠC LÀ GÌ? THÔNG TIN VÀ PHƯƠNG THỨC PHÁT HÀNH

65 Lượt xem

CÁC TRƯỜNG HỢP GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
CÁC TRƯỜNG HỢP GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

118 Lượt xem

TỒN KHO ẢO VÀ QUY ĐỊNH VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KẾ TOÁN GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG
TỒN KHO ẢO VÀ QUY ĐỊNH VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KẾ TOÁN GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

156 Lượt xem

CÁ NHÂN GÓP VỐN CÓ BẮT BUỘC THỰC HIỆN BẰNG HÌNH THỨC CHUYỂN KHOẢN HAY KHÔNG?
CÁ NHÂN GÓP VỐN CÓ BẮT BUỘC THỰC HIỆN BẰNG HÌNH THỨC CHUYỂN KHOẢN HAY KHÔNG?

329 Lượt xem

DỰ ÁN NÀO PHẢI THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG (ĐTM)?
DỰ ÁN NÀO PHẢI THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG (ĐTM)?

44 Lượt xem

ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀ GÌ?
ĐIỀU KIỆN ĐỂ DOANH NGHIỆP ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN LÀ GÌ?

186 Lượt xem

CHI PHÍ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP CÔNG TY
CHI PHÍ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP CÔNG TY

67 Lượt xem

PPP LÀ GÌ? THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HỢP TÁC CÔNG TƯ TẠI VIỆT NAM
PPP LÀ GÌ? THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP HỢP TÁC CÔNG TƯ TẠI VIỆT NAM

100 Lượt xem

TÌM HIỂU VỀ CHẾ ĐỊNH FORCE MAJERE VÀ HỌC THUYẾT FRUSTRATION TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ
TÌM HIỂU VỀ CHẾ ĐỊNH FORCE MAJERE VÀ HỌC THUYẾT FRUSTRATION TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ

118 Lượt xem

BÀN VỀ CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÀ TRÁCH NHIỆM DO ĐỊNH GIÁ SAI (LUẬT DOANH NGHIỆP 2020)
BÀN VỀ CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN VÀ TRÁCH NHIỆM DO ĐỊNH GIÁ SAI (LUẬT DOANH NGHIỆP 2020)

340 Lượt xem

HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH
HÀNH VI CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH

50 Lượt xem

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP
QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC LẠI DOANH NGHIỆP

199 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng