TÌM HIỂU VỀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, TẬP QUÁN VÀ KHI NÀO ÁP DỤNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ TẬP QUÁN
Ngoài hệ thống pháp luật trong nước, điều ước quốc tế, tập quán và án lệ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Mặc dù chưa có văn bản pháp luật nào khẳng định điều ước quốc tế, tập quán và án lệ là một nguồn của pháp luật về hợp đồng nhưng trong những tranh chấp riêng biệt nhất là liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế thì những tranh chấp này có khả năng áp dụng Điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế để giải quyết rất cao. Trong bài viết này, AV Counsel gửi đến quý bạn đọc nhưng nội dung liên quan đến Điều ước quốc tế và Tập quán quốc tế.
- Căn cứ pháp luật:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật thương mại 2005;
- Luật điều ước quốc tế 2016.
- Nội dung:
Điều ước quốc tế ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ với hệ thống pháp luật trong nước. Hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật nào khẳng định rõ ràng điều ước quốc tế là một nguồn của pháp luật về hợp đồng. Tuy nhiên, theo Khoản 4, Điều 4 Bộ luật dân sự thì điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có quy định khác nhau về cùng một vấn đề mà không cần sửa đổi pháp luật trong nước. Từ việc cho phép ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế so với pháp luật trong nước (ngoại trừ Hiến pháp 2013), có thể suy luận là điều ước quốc tế đã trở thành một nguồn của pháp luật về hợp đồng. Để được áp dụng, điều ước quốc tế phải có nội dung điều chỉnh về quan hệ hợp đồng và đáp ứng một số điều kiện được quy định trong pháp luật Việt Nam.
Cũng tương tự như điều ước quốc tế, chưa có một văn bản pháp luật nào khẳng định tập quán là một nguồn của pháp luật về hợp đồng. Mặc dù vậy, trong quan hệ hợp đồng, việc áp dụng tập quán để giải thích khi pháp luật không quy định về một vấn đề cụ thể là một nguyên tắc đã được thừa nhận từ lâu. Do vậy, cũng có thể suy luận là tập quán có nội dung điều chỉnh về quan hệ hợp đồng và đáp ứng một số điều kiện theo pháp luật Việt Nam để được công nhận là một nguồn của pháp luật về hợp đồng.
1. Điều ước quốc tế
Theo Khoản 1, Điều 2, Luật Điều ước quốc tế 2016, điều ước quốc tế được định nghĩa là “thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế."
Từ khái niệm nêu trên, ta thấy có ba điều kiện quan trọng mà một văn bản phải đáp ứng để được xem là điều ước quốc tế theo pháp luật Việt Nam, bao gồm:
- Đối tác ký kết;
- Nội dung về quyền, nghĩa vụ của Việt Nam và
- Quy trình ký kết.
1.1. Đối tác ký kết
Điều ước quốc tế là văn bản thoả thuận giữa Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam và bên ký kết nước ngoài. Cụ thể, bên ký kết nước ngoài được định nghĩa theo Khoản 3 Điều 2 Luật Điều ước quốc tế 2016 là “quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác được công nhận là chủ thể của pháp luật quốc tế.”
Mặc dù Luật Điều ước quốc tế 2016 không có bất kỳ định nghĩa hoặc giải thích nào về “chủ thể khác được công nhận là chủ thể của của pháp luật quốc tế,” cần phải hiểu Luật Điều ước quốc tế 2016 dẫn chiếu đến chủ thể của công pháp quốc tế chứ không phải là tư pháp quốc tế.
Do vậy, các chủ thể của tư pháp quốc tế như các công ty hoạt động quốc tế không phải là “chủ thể của pháp luật quốc tế.”
Ví dụ, khi Chính phủ Việt Nam vay nợ của các ngân hàng quốc tế thì thỏa thuận vay nợ ký giữa Chính phủ Việt Nam và các ngân hàng quốc tế đó không phải là điều ước quốc tế của Việt Nam.
1..2. Nội dung về quyền, nghĩa vụ của Việt Nam
Theo Luật Điều ước quốc tế 2016, điều ước quốc tế phải có quy định “làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.”
Nếu văn bản thỏa thuận giữa Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam và bên ký kết nước ngoài không có các quy định làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của Việt Nam thì văn bản thỏa thuận đó sẽ không được xem là điều ước quốc tế theo pháp luật Việt Nam.
Ví dụ, các thỏa thuận có tính chất như bản ghi nhớ không phải là điều ước quốc tế của Việt Nam cho dù đáp ứng các điều kiện khác. Để một điều ước quốc tế trở thành nguồn pháp luật Việt Nam về hợp đồng, điều ước quốc tế đó phải có hiệu lực ràng buộc đối với Việt Nam thông qua việc được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
1.3. Quy trình ký kết
Theo Khoản 5 Điều 2 Luật Điều ước quốc tế 2016 quy định một quy trình để người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.
Trong một số trường hợp, điều ước quốc tế cần được Quốc hội thông qua nếu có quy định trái với quy định của luật hoặc nghị quyết của Quốc hội."
2. Công ước Vienna 1980
Hiện nay, có thể nói Công ước Vienna 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là điều ước quốc tế liên quan đến hợp đồng quan trọng nhất mà Việt Nam là thành viên. Về nguyên tắc, phạm vi áp dụng của Công ước Vienna 1980 bao gồm “hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia khác nhau. Nói cách khác, các quy định của Công ước Vienna 1980 chỉ áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (hay hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế) và không áp dụng đối với hợp đồng mua bán hàng hoá giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với nhau.
Một điểm cần lưu ý là Công ước Vienna 1980 có thể được áp dụng trực tiếp với tư cách là luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, trừ khi các bên thỏa thuận không áp dụng Công ước Vienna 1980.
Nếu Công ước Vienna 1980 được áp dụng thì pháp luật hợp đồng của Việt Nam không được áp dụng, trừ các quy định về hình thức của hợp đồng được Việt Nam bảo lưu khi trở thành thành viên của Công ước Vienna 1980.
Nhìn chung, Công ước Vienna 1980 không yêu cầu hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được lập bằng văn bản hay tuân thủ bất kỳ yêu cầu nào khác về hình thức của hợp đồng. Trong khi đó, theo Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp luật có quy định, hợp đồng sẽ phải được lập bằng văn bản, công chứng, chứng thực và/hoặc đăng ký.
Xét về mặt nội dung, một số quy định của Công ước Vienna 1980 có sự khác biệt đáng kể so với các quy định của pháp luật Việt Nam. Công ước Vienna 1980 có nhiều quy định cố gắng hài hòa các nguyên tắc hợp đồng của hệ thống dân luật và hệ thống thông luật. Tại thời điểm hiện nay, việc áp dụng Công ước Vienna 1980 còn tương đối hạn chế và các cơ quan xét xử vẫn đang trong quá trình làm quen các quy định của Công ước Vienna 1980. Dường như Công ước Vienna 1980 chưa được áp dụng trong thực tiễn xét xử tranh chấp tại tòa án nhưng đã bước đầu được áp dụng trong thực tiễn xét xử tại trọng tài."
Việc gia nhập Công ước Vienna 1980 về lâu dài sẽ dẫn đến áp lực cần có các thay đổi tương ứng trong pháp luật về hợp đồng tại Việt Nam cũng như các cơ quan xét xử cần quen thuộc hơn với các quy định của Công ước Vienna 1980. Các quy định khác biệt của Công ước Vienna 1980 có thể được xem xét áp dụng để làm rõ các vấn đề tương tự chưa được quy định cụ thể trong pháp luật về hợp đồng.
Ví dụ, khái niệm “cách hiểu của một người bình thường, có cùng kiến thức và nghề nghiệp trong hoàn cảnh tương tự” không tồn tại trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Điều 8 Công ước Vienna 1980 quy định về khái niệm này để giúp giải thích ý chí của các bên trong trường hợp hợp đồng quy định không rõ ràng về một vấn đề.
Điều 25, Điều 49 Công ước Vienna 1980 cũng quy định rõ ràng hơn về khái niệm vi phạm cơ bản hợp đồng khi làm phát sinh quyền hủy bỏ hợp đồng, đặc biệt là cho phép ngoại lệ về khả năng lường trước được hậu quả của bên vi phạm – một vấn đề vốn không tồn tại trong pháp luật về hợp đồng của Việt Nam.
Cuối cùng, Điều 74 Công ước Vienna 1980 có các quy định về cách tính bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Sự khác biệt giữa quy định về bồi thường thiệt hại của Công ước Vienna 1980 và của pháp luật Việt Nam liên quan đến phạm vi và giới hạn của thiệt hại. Cụ thể là, theo pháp luật Việt Nam, thiệt hại giới hạn ở thiệt hại thực tế và trực tiếp, còn theo Công ước Vienna 1980, thiệt hại giới hạn ở thiệt hại mà bên vi phạm đã hoặc đã phải lường trước tại thời điểm giao kết hợp đồng và có thể bao gồm thiệt hại gián tiếp.
3. Các điều ước quốc tế khác
Bên cạnh Công ước Vienna 1980, các điều ước song phương và đa phương của Việt Nam cũng có các quy định liên quan đến hợp đồng. Điển hình có thể kể đến như quy định về bồi thường thiệt hại và xử lý tranh chấp trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ của WTO (TRIPS) năm 1994 và Hiệp định về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2000.
Cụ thể, Hiệp định TRIPS 1994 cho phép các bên trong hợp đồng được thoả thuận ước tính khoản bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng trước khi vi phạm đó xảy ra. Như vậy, khi xảy ra hành vi vi phạm, bên vi phạm sẽ chỉ phải bồi thường một khoản tiền như các bên đã thỏa thuận ước tính theo hợp đồng, thay vì phải là thiệt hại thực tế, trực tiếp từ hành vi vi phạm hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam."
Hiệp định thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ cũng công nhận khái niệm thiệt hại ước tính. Nhìn từ góc độ pháp luật về hợp đồng Việt Nam, khái niệm thiệt hại ước tính không được quy định một các rõ ràng.
4. Tập quán
Nhìn chung, tập quán là một khái niệm khó xác định. Theo Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự 2015 và Khoản 4 Điều 3 Luật Thương mại 2005, tập quán là các quy tắc xử sự đáp ứng bốn điều kiện là:
(i) tính lặp đi lặp lại;
(ii) tồn tại trong một thời gian dài;
(iii) được thừa nhận rộng rãi và
(iv) có nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự.
Cả Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 đều không có sự phân biệt giữa khái niệm tập quán trong nước và tập quán quốc tế. Tuy nhiên, có thể suy luận rằng tập quán trong nước là tập quán được hình thành trên lãnh thổ Việt Nam, còn tập quán quốc tế là tập quán không phải là tập quán trong nước.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có bất kỳ cơ sở dữ liệu tập trung, chính thống nào về tập quán trong nước. Trong khi đó, một số tập quán quốc tế được công bố công khai và cập nhật thường xuyên, làm cơ sở cho việc giao kết một số loại hợp đồng quốc tế thông dụng.
Các tập quán quốc tế thông dụng trong quan hệ hợp đồng tại Việt Nam bao gồm:
(i) các quy tắc và thực hành chung về tín dụng chứng từ (viết tắt tên tiếng Anh là UCP),
(ii) các điều khoản thương mại quốc tế (viết tắt tên tiếng Anh là INCOTERMS) do Phòng thương mại quốc tế (ICC) ban hành và
(iii) các điều khoản liên quan đến hợp đồng xây dựng do Liên đoàn kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC) ban hành.
Tập quán áp dụng khi nào?
Tập quán trong nước được áp dụng đối với các quan hệ dân sự trong nước, trên cơ sở các bên không có thoả thuận và pháp luật Việt Nam không có quy định về vấn đề có liên quan. Cụ thể, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, tập quán trong nước được áp dụng với hợp đồng khi đáp ứng đủ ba điều kiện là (i) pháp luật Việt Nam và hợp đồng của các bên không có quy định về vấn đề có liên quan, (ii) không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên (chỉ áp dụng cho hợp đồng thương mại), và (iii) tập quán được áp dụng không trái Bộ luật Dân sự 2015 với những nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005.
Nói cách khác, tập quán trong nước được áp dụng như một nguồn pháp luật dự phòng trong trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật Việt Nam không có quy định.
Khác với tập quán trong nước, tập quán quốc tế dường như được áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trên cơ sở các bên có thoả thuận. Về lý thuyết việc áp dụng tập quán quốc tế phải được quy định trong hợp đồng mặc dù trên thực tế cơ quan xét xử có thể vẫn áp dụng tập quán quốc tế ngay cả khi các bên không có thỏa thuận.
Khoản 2 Điều 664, Điều 666 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 5 Luật Thương mại 2005 quy định các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có quyền thỏa thuận lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế khi đáp ứng đủ hai điều kiện là (i) điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn, và (ii) hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Do pháp luật Việt Nam có thể không quy định hết các vấn đề liên quan đến hợp đồng, tập quán quốc tế có thể cần áp dụng cùng với pháp luật của một nước cụ thể.
Trên đây là một số chia sẻ của AV Counsel liên quan đến chủ đề Điều ước quốc tế và Tập quán gửi đến quý bạn đọc.
________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm