NGUYÊN TẮC ƯU TIÊN TRONG SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực pháp luật quan trọng, bao gồm quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả, nhằm bảo vệ các sáng tạo của con người. Nguyên tắc ưu tiên là một trong những nguyên tắc cơ bản trong Sở hữu trí tuệ, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu Sở hữu trí tuệ.

- Cơ sở pháp lý:

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022;
  • Nghị định 65/2023/NĐCP ngày quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ.

- Nội dung:

1. Quy định về nguyên tắc ưu tiên trong sở hữu trí tuệ:

Nguyên tắc ưu tiên là một nguyên tắc bảo hộ đối với quyền sở hữu công nghiệp nhằm giúp chủ thể được hưởng quyền ưu tiên so với các chủ thể khác trong quá trình đăng ký bảo hộ đối với cùng một đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp.

Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ 2005:

“Điều 91. Nguyên tắc ưu tiên

1. Người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;

b) Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản này cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại điểm a khoản này;

c) Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;

d) Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Trong một đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hoặc nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.

3. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên.”

Dựa trên quy định trên, có thể thấy ngày ưu tiên là căn cứ quan trọng nhất để xác định thứ tự ưu tiên trong việc đăng ký bảo hộ đối với cùng một đối tượng.

2. Điều kiện hưởng quyền ưu tiên:

2.1. Hưởng quyền ưu tiên theo quy định của Công ước Paris:

Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của người nộp đơn sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước thành viên Công ước Paris hoặc công dân của nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên Công ước Paris;

  • Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước thành viên của Công ước Paris và đơn đó có chứa phần tương ứng với yêu cầu hưởng quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu;

Lưu ý: Đơn này là đơn đủ điều kiện để xác nhận ngày đơn đó được nộp tại nước thành viên liên quan, không phụ thuộc vào kết quả xử lý đơn đó.

  • Đơn đăng ký được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: 06 tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, 12 tháng đối với đơn đăng ký sáng chế;
  • Trong đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, người nộp đơn có nêu rõ yêu cầu hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên trong trường hợp nộp tại nước ngoài, trong đó có xác nhận của Cơ quan nhận đơn đầu tiên. Bản sao đơn đầu tiên có thể được nộp trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày nộp đơn;
  • Nộp đủ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

2.2. Hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác:

Trong trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế khác, yêu cầu hưởng quyền ưu tiên sẽ được chấp nhận nếu đáp ứng các điều kiện về quyền ưu tiên quy định trong điều ước quốc tế đó.

3. Cách xác định ngày ưu tiên:

Ngày ưu tiên là ngày nộp đơn sớm nhất so với các đơn còn lại.

Ví dụ 1: Ông A, ông B, ông C đều nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp X, ông A nộp ngày 01/01/2023, ông B nộp ngày 02/02/2023, ông C nộp ngày 03/03/2023 và đều xin hưởng quyền ưu tiên. Trường hợp này, đơn đăng ký bảo hộ của ông B và ông C sẽ không được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận bảo hộ.

Ví dụ 2: Ông A nộp đơn bảo hộ nhãn hiệu X vào ngày 01/01/2022 tại Nhật Bản, ông B cũng nộp đơn bảo hộ nhãn hiệu X này tại Việt Nam ngày 01/01/2023 và xin hưởng quyền ưu tiên thì ngày nộp đơn được xác định là ngày 01/01/2022.

Ví dụ 3: Ông A nộp đơn bảo hộ sáng chế Z vào ngày 01/01/2022 tại Nhật Bản, Bà D nộp đơn bảo hộ sáng chế đó vào ngày 01/01/2023 ở Việt Nam. Sau đó, ngày 01/01/2024 Ông B nộp yêu cầu bảo hộ sáng chế đó ở Việt Nam và yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Lúc này, đơn yêu cầu bảo hộ của Bà D sẽ không được chấp nhận bảo hộ.

Trên đây là quy định về Nguyên tắc ưu tiên trong Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage:  https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Tin tức liên quan

NHÃN HIỆU TẬP THỂ VÀ NHÃN HIỆU THÔNG THƯỜNG
NHÃN HIỆU TẬP THỂ VÀ NHÃN HIỆU THÔNG THƯỜNG

130 Lượt xem

SÁNG CHẾ LÀ GÌ? ĐĂNG KÝ BẢO HỘ SÁNG CHẾ?
SÁNG CHẾ LÀ GÌ? ĐĂNG KÝ BẢO HỘ SÁNG CHẾ?

73 Lượt xem

CÁC YẾU TỐ XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ
CÁC YẾU TỐ XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ

130 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng