THỦ TỤC NHẬN CON NUÔI TRONG NƯỚC HỢP PHÁP TỪ A-Z MỚI 2024
Nhận con nuôi là một hành động cao đẹp, thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Việc nhận con nuôi hợp pháp là vô cùng cần thiết để đảm bảo quyền lợi của trẻ em và gia đình nuôi dưỡng. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết Thủ tục nhận con nuôi trong nước hợp pháp từ A - Z theo quy định mới nhất, giúp bạn thực hiện nhanh chóng và chính xác.
- Căn cứ pháp lý:
- Luật Nuôi con nuôi;
- Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi;
- Thông tư số 12/2011/TT-BTP ngày 12/6/2011 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng biểu mẫu nuôi con nuôi.
- Nội dung:
1. Nuôi con nuôi trong nước là gì?
Khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010:
“Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi.”
Và khoản 4:
“Nuôi con nuôi trong nước là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau thường trú ở Việt Nam.”
Dựa theo quy định trên thì Nuôi con nuôi trong nước là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi mà họ đều là công dân Việt Nam có thường trú ở Việt Nam.
2. Điều kiện để nhận con nuôi:
2.1. Điều kiện để nhận con nuôi:
Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây:
-
Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
-
Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;
-
Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;
- Có tư cách đạo đức tốt.
Lưu ý: Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định “Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên” và “Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi”.
2.2. Trường hợp không được nhận con nuôi:
Những người sau đây không được nhận con nuôi:
-
Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;
- Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;
- Đang chấp hành hình phạt tù;
- Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
3. Điều kiện để được nhận làm con nuôi:
Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định người được nhận làm con nuôi phải phải là trẻ em dưới 16 tuổi. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì được nhận làm con nuôi:
- Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
- Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
Lưu ý: Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
4. Các hành vi bị cấm khi nhận con nuôi:
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
- Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
- Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
- Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
- Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
- Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
5. Quy định về sự đồng ý trong việc nhận con nuôi:
Điều 21 của Luật Nuôi Con Nuôi 2010 quy định về sự đồng ý như sau:
-
Việc tiếp nhận con nuôi phải dựa trên sự đồng ý của cha mẹ đẻ của người sẽ được nhận làm con nuôi. Nếu cha hoặc mẹ đẻ đã qua đời, mất tích, không còn khả năng hành vi dân sự hoặc không thể xác định, thì cần phải có sự đồng ý từ người còn sống sót. Trong trường hợp cả cha mẹ đẻ đều đã qua đời, mất tích, không còn khả năng hành vi dân sự hoặc không xác định, thì việc nhận con nuôi phải dựa trên sự đồng ý từ người giám hộ. Khi tiếp nhận trẻ em từ 09 tuổi trở lên làm con nuôi, cần phải có sự đồng ý của trẻ em đó.
- Sự đồng ý phải đến từ tâm nguyện của bản thân, không bị ép buộc, không chứa yếu tố đe dọa, không bị tham nhũng, không liên quan đến lợi ích cá nhân hoặc tiền bạc. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho việc nhận con nuôi sau khi con đã ra đời ít nhất 15 ngày.
Lưu ý: Người đồng ý cho làm con nuôi phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ tư vấn đầy đủ về mục đích nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con sau khi người đó được nhận làm con nuôi.
6. Thủ tục nhận con nuôi trong nước hợp pháp:
6.1. Hồ sơ của người nhận con nuôi:
Hồ sơ của người nhận con nuôi gồm có:
-
Đơn xin nhận con nuôi;
- Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.
6.2. Hồ sơ của người được nhận nuôi:
Theo Điều 18 Luật nuôi con nuôi 2010 thì hồ sơ của người được nhận làm con nuôi gồm:
- Giấy khai sinh;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi;
- Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;
- Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
6.3. Thủ tục nhận nuôi con nuôi trong nước hợp pháp:
Bao gồm các bước:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người muốn nhận con nuôi cần nộp hồ sơ đăng ký của mình cùng hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại UBND cấp xã nơi người được giới thiệu hoặc người nhận con nuôi thường trú.
Thời hạn giải quyết việc nhận con nuôi là 30 ngày, tính từ ngày đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
UBND cấp xã nơi nhận hồ sơ sẽ kiểm tra hồ sơ; Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, sẽ tiến hành thu thập ý kiến của những người liên quan theo mục 4 của bài viết này. Ý kiến thu thập phải được lập thành văn bản và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đóng góp ý kiến.
Bước 3: Cấp giấy chứng nhận nuôi con nuôi
UBND xét thấy rằng người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của UBND cấp xã để đăng ký nuôi con nuôi. UBND sẽ cấp Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ, hoặc đại diện của cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi; Ghi vào sổ hộ tịch trong vòng 20 ngày, tính từ ngày có ý kiến đồng ý của những người tại mục 4 của bài viết này.
Lưu ý: Trong trường hợp UBND cấp xã từ chối đăng ký, trong vòng 10 ngày kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại mục 4, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ, hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi sẽ được gửi đến UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi hoặc nơi người được nhận làm con nuôi thường trú.
Ngoài ra, theo Điều 23 của Luật nuôi con nuôi 2010, mỗi 6 tháng/lần trong khoảng thời gian 3 năm kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi phải thông báo cho UBND cấp xã nơi họ thường trú về tình hình sức khỏe, tình trạng thể chất, tinh thần và sự hòa nhập của con nuôi với gia đình và cộng đồng.
Trên đây là nội dung THỦ TỤC NHẬN CON NUÔI TRONG NƯỚC HỢP PHÁP TỪ A-Z MỚI 2024
_____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm