NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG THƯƠNG MẠI (KỲ 2)

Trên thực tế, vấn đề xung đột pháp luật chủ yếu phát sinh liên đến các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là quan quan hệ giữa Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 và luật chuyên ngành điều chỉnh hợp đồng đặc thù (như Luật Xây dựng 2014).

Nếu áp dụng đồng thời cả nguyên tắc 3 (ưu tiên áp dụng luật riêng so với luật chung) và nguyên tắc 5 (ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật được ban hành sau) (Xem thêm: Các nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật (kỳ 1)) vào quan hệ giữa các văn bản trên thì vấn đề trở nên phức tạp. Bản thân các luật chuyên ngành cũng có thể có quy định riêng về nguyên tắc xung đột pháp luật đã làm phức tạp thêm khi phân tích về nguyên tắc xung đột pháp luật.

Trong bài viết này, AV Counsel sẽ trao đổi về những nguyên tắc áp dụng pháp luật khi giải quyết tranh chấp Hợp đồng thương mại dựa trên nguyên tắc 3 (ưu tiên áp dụng luật riêng so với luật chung) và nguyên tắc 5 (ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật được ban hành sau) nêu trên, cụ thể:

- Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Luật thương mại 2005.

- Nội dung:

Dựa trên phân tích nguyên tắc 3 và nguyên tắc 5 ở trên, có thể rút ra 4 nguyên tắc cụ thể sau áp dụng cho hợp đồng thương mại:

(1) Trong trường hợp Luật Thương mại 2005 và các luật chuyên ngành có quy định nhưng trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc không có quy định, Bộ luật Dân sự 2015 được ưu tiên áp dụng so với Luật Thương mại 2005 và các luật chuyên ngành;

(2) Trong trường hợp Luật Thương mại 2005 và các luật chuyên ngành có quy định khác với Bộ luật Dân sự 2015 về vấn đề pháp lý có liên quan và quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 và các luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với Bộ luật Dân sự 2015;

(3) Trong trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác với Luật Thương mại 2005 về vấn đề pháp lý có liên quan và quy định đó không trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015, luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 (ngay cả khi Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định điều chỉnh vấn đề đó); và

(4) Trong trường hợp luật chuyên ngành không có quy định về vấn đề pháp lý có liên quan nhưng Luật Thương mại 2005 có quy định về vấn đề đó và quy định của Luật Thương mại 2005 không trái với nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 được ưu tiên áp dụng so với Bộ luật Dân sự 2015 (ngay cả khi Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định điều chỉnh vấn đề đó).

1. Luật Thương mại 2005 và luật chuyên ngành có quy định trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015 hoặc không có quy định

Trong trường hợp quy định của Luật Thương mại 2005 và luật chuyên ngành trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định của Bộ luật Dân sự 2015 sẽ áp dụng. Ví dụ, Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 có quy định khác nhau về nguyên tắc tự do thỏa thuận. Cụ thể, khoản 1 Điều 11 Luật Thương mại 2005 quy định các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với “quy định của pháp luật” trong khi khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định mọi thỏa thuận không vi phạm “điều cấm của luật.”  “Quy định của pháp luật” và “điều cấm của luật” có phạm vi khác nhau và do vậy, quy định của Luật Thương mại 2005 có thể được xem là trái với nguyên tắc cơ bản trên của pháp luật dân sự. Ngoài ra, quy định của Luật Thương mại 2005 cũng trái với nguyên tắc không hạn chế quyền bằng văn bản dưới luật được quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013. Bộ luật Dân sự 2015 về logic sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp này. Nói cách khác, ngay cả đối với hợp đồng thương mại, nguyên tắc tự do thỏa thuận (và liên quan đến đó là các trường hợp hợp đồng vô hiệu) chỉ bị hạn chế ở việc vi phạm điều cấm của luật (theo Bộ luật Dân sự 2015) chứ không phải là vi phạm mọi quy định của pháp luật (bao gồm cả quy định của luật và văn bản dưới luật) (theo Luật Thương mại 2005).

Một trường hợp phức tạp liên quan đến là chủ thể của hợp đồng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, có thể suy luận là chủ thể của hợp đồng dân sự là cá nhân và pháp nhân. Trong khi đó, chủ thể của Hợp đồng thương mại theo Luật Thương mại 2005 có thể là cá nhân và tổ chức (bao gồm cả pháp nhân và tổ chức không phải là pháp nhân).

Mặc dù chủ thể của hợp đồng không được quy định là một nguyên tắc cơ bản cụ thể trong Bộ luật Dân sự 2015, các nguyên tắc cơ bản quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 đều chỉ dẫn chiếu đến cá nhân và pháp nhân và không dẫn chiếu đến tổ chức không có tư cách pháp nhân trong nội dung của các nguyên tắc. Nếu xét từ góc độ này, các nguyên tắc cơ bản quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định gián tiếp việc chủ thể của hợp đồng dân sự là cá nhân và pháp nhân và không bao gồm tổ chức không có tư cách pháp nhân. Với quy định mới tại Bộ luật Dân sự 2015 và áp dụng nguyên tắc xung đột phân tích tại phần này, có thể kết luận là chủ thể của hợp đồng thương mại phải tuân thủ quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Nói cách khác, chủ thể của hợp đồng thương mại tại thời điểm sau khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân.

Trong trường hợp Luật Thương mại 2005 và luật chuyên ngành không có quy định thì Bộ luật Dân sự 2015 cũng sẽ áp dụng. Ví dụ, Luật Thương mại 2005 không quy định về nguyên tắc thiện chí, trung thực và nguyên tắc tự chịu trách nhiệm. Nguyên tắc thiện chí, trung thực và nguyên tắc tự chịu trách nhiệm quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 sẽ áp dụng cho hợp đồng thương mại được điều chỉnh theo Luật Thương mại 2005. Ngoài ra, các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về (i) giao kết hợp đồng, (ii) giải thích hợp đồng, (ii) hoàn cảnh thay đổi cơ bản, (iv) các trường hợp hợp đồng bị vô hiệu, không có hiệu lực hoặc không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ, (v) đại diện, và (vi) bảo đảm thực hiện nghĩa vụ sẽ áp dụng vì Luật Thương mại 2005 không có quy định về các vấn đề trên. Đặc biệt là liên quan đến các biện pháp khắc phục, quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có thể áp dụng để bổ sung cho quy định của Luật Thương mại 2005. Ví dụ, Bộ luật Dân sự 2015 quy định hai chế định có tính chất như biện pháp khắc phục thường được sử dụng trên thực tế là quyền bù trừ nghĩa vụ và xử lý tiền đặt cọc. Đây là hai chế định không được quy định trong Luật Thương mại 2005. Do vậy, hai chế định này của Bộ luật Dân sự 2015 có thể áp dụng cho hợp đồng thương mại được điều chỉnh theo Luật Thương mại 2005.

2. Luật Thương mại 2005 và luật chuyên ngành có quy định không trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015

Trong trường hợp quy định của Luật Thương mại 2005 và luật chuyên ngành không trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định của Luật Thương mại 2005 và luật chuyên ngành sẽ áp dụng. Ví dụ điển hình của trường hợp này là Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 có quy định khác nhau về mức phạt cao nhất áp dụng đối với biện pháp phạt vi phạm. Cụ thể, Điều 301 Luật Thương mại 2005 về cơ bản quy định mức phạt vi phạm cao nhất không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trong khi đó khoản 2 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 cho phép các bên tự do thỏa thuận và không có hạn chế mức phạt vi phạm cao nhất. Mặc dù có sự khác nhau như vậy, quy định của Luật Thương mại 2005 không vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của Bộ luật Dân sự 2015. Do vậy, về logic mức trần 8% đối với phạt vi phạm vẫn áp dụng.

Một ví dụ khác là lãi chậm trả và có sự khác biệt về việc áp dụng lãi chậm trả theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005. Theo khoản 2 Điều 357, khoản 5 Điều 466, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, đối với khoản chậm trả là nợ gốc, mức lãi chậm trả bằng 150% lãi suất thỏa thuận trong hợp đông nhưng tối đa là 20%/năm; đối với khoản chậm trả là nợ lãi, mức lãi chậm trả bằng 50% lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng nhưng tối đa là 10%/năm.

Mức lãi chậm trả đối với nghĩa vụ thanh toán nói chung theo Điều 306 Luật Thương mại 2005 là “lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả” trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Mức lãi suất chậm trả theo quy định của Luật Thương mại 2005 không vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của Bộ luật Dân sự 2015 và vẫn áp dụng đối với hợp đồng thương mại.

Một trong các khác biệt quan trọng tiềm tàng giữa Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 liên quan đến các biện pháp khắc phục theo thỏa thuận. Bộ luật Dân sự 2015 công nhận quyền tự do thỏa thuận nói chung nhưng khi quy định về các biện pháp khắc phục không có quy định cụ thể về việc cho phép các bên có quyền thỏa thuận về các biện pháp khắc phục theo thỏa thuận. Khoản 7 Điều 292 Luật Thương mại 2005 cho phép các biện pháp khắc phục theo thỏa thuận nếu không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế của Việt Nam. Quy định tại Luật Thương mại 2005 không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015 và có thể áp dụng đối với hợp đồng thương mại để cho phép các bên thỏa thuận về các biện pháp khắc phục theo thỏa thuận, đặc biệt là bồi hoàn và các khoản thanh toán khác trong hợp đồng thương mại.

3. Luật chuyên ngành có quy định khác với Luật Thương mại 2005

Trong trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác với Luật Thương mại 2005 về vấn đề pháp lý có liên quan và quy định này không trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015, luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 (ngay cả khi Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 cũng có quy định điều chỉnh vấn đề đó). Ví dụ, mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng có thể chịu sự điều chỉnh của cả Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 và Luật Xây dựng 2014. Bộ luật Dân sự 2015 cho phép các bên thỏa thuận về mức phạt vi phạm mà không chịu bất kỳ giới hạn nào, trừ khi luật chuyên ngành có quy định khác.

Điều 301 Luật Thương mại 2005 quy định mức phạt vi phạm không vượt quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm. Khoản 2 Điều 146 Luật Xây dựng 2014 quy định mức phạt vi phạm không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Trong trường hợp trên đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt vi phạm không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm quy định tại Luật Xây dựng 2014 sẽ áp dụng. Mức phạt vi phạm không vượt quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm quy định tại Luật Thương mại 2005 sẽ không áp dụng và các bên cũng không được phép thỏa thuận mức phạt vi phạm mà không chịu bất kỳ giới hạn nào theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

4. Luật chuyên ngành không quy định và Luật Thương mại 2005

Trong trường hợp các luật chuyên ngành không có quy định về vấn đề pháp lý có liên quan nhưng Luật Thương mại 2005 có quy định về vấn đề đó và quy định của Luật Thương mại 2005 không trái với các nguyên tắc Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 được ưu tiên áp dụng so với Bộ luật Dân sự 2015 (ngay cả khi Bộ luật Dân 2015 cũng có quy định điều chỉnh vấn đề đó).

Đối với hợp đồng thương mại, Luật Thương mại 2005 đóng vai trò là luật chung trong quan hệ với luật riêng là các luật chuyên ngành. Quay trở lại ví dụ về mức phạt vi phạm áp dụng đối với hợp đồng xây dựng, Luật Xây dựng 2014 chỉ quy định mức phạt vi phạm không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước nhưng không quy định về mức phạt vi phạm đối với công trình xây dựng không sử dụng vốn nhà nước. Trong trường hợp này, mức phạt vi phạm không vượt quá 8% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm quy định tại Luật Thương mại 2005 sẽ áp dụng và các bên không có quyền thỏa thuận mức phạt vi phạm mà không phải chịu bất kỳ giới hạn nào theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Trên thực tế, đây là một vấn đề phức tạp vì Luật Xây dựng 2014 có quy định về tính chất của hợp đồng xây dựng. Khoản 1 Điều 138 của Luật Xây dựng 2014 quy định: “1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thoả thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.”

Quy định trên của Luật Xây dựng 2014 khẳng định hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng dân sự. Luật Xây dựng 2014 không quy định bất kỳ nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật nào đối với quan hệ giữa Luật Xây dựng 2014, Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, dựa trên Khoản 1 Điều 138 của Luật Xây dựng 2014, một số cơ quan xét xử và cơ quan quản lý Nhà nước dường như có cách hiểu là việc khẳng định tính chất của hợp đồng xây dựng cũng đồng nghĩa với việc quy định nguyên tắc xử lý xung đột. Dựa trên cách hiểu này, các cơ quan xét xử và cơ quan quản lý Nhà nước có quan điểm cho rằng khi Luật Xây dựng 2014 không quy định về một vấn đề gì thì Bộ luật Dân sự 2015 (chứ không phải Luật Thương mại 2005) sẽ được ưu tiên áp dụng kể cả khi hợp đồng xây dựng là hợp đồng thương mại (theo Công văn số 48/BXD-KTXD nngay2 3/9/2019). Theo quan điểm trên, một số cơ quan xét xử và cơ quan quản lý Nhà nước bỏ qua quy định của Luật Thương mại 2005.

Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân, nếu Luật Xây dựng 2014 không quy định về một vấn đề liên quan đến hợp đồng xây dựng thì vấn đề đó cần được điều chỉnh bởi Luật Thương mại 2005 trong trường hợp hợp đồng trên là hợp đồng thương mại (ví dụ hợp đồng xây dựng được giao kết giữa hai pháp nhân và nhằm mục đích sinh lợi). Đối với quy định hợp đồng xây dựng là một loại hợp đồng dân sự tại Khoản 1 Điều 138 của Luật Xây dựng 2014, đây là quy định luôn đúng vì hợp đồng xây dựng luôn là một loại hợp đồng dân sự và quy định này không có ý nghĩa khẳng định nguyên tắc giải quyết xung đột áp dụng cho hợp đồng xây dựng. Nếu hợp đồng xây dựng là hợp đồng thương mại, Luật Thương mại 2005 cũng cần được xem xét áp dụng. Việc không áp dụng Luật Thương mại 2005 mà áp dụng trực tiếp Bộ luật Dân sự 2015 trong trường hợp luật chuyên ngành áp dụng cho hoạt động thương mại đặc thù không có quy định cũng đặt lại câu hỏi về vai trò và vị trí của Luật Thương mại 2005 trong hệ thống pháp luật về hợp đồng. Theo đó, việc áp dụng trực tiếp Bộ luật Dân sự 2015 có nghĩa là luật chuyên ngành áp dụng cho các hoạt động thương mại đặc thù được đặt ngang hàng với Luật Thương mại 2005 và thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại 2005 bằng cách loại bỏ vai trò của Luật Thương mại 2005 với tư cách là luật chung áp dụng cho các hợp đồng thương mại và có thể áp dụng khi luật chuyên ngành áp dụng cho hoạt động thương mại đặc thù không có quy định. Tại thời điểm hiện nay, Luật Thương mại 2005 có phạm vi điều chỉnh mọi hợp đồng thương mại và cho đến khi Luật Thương mại 2005 được điều chỉnh để thu hẹp phạm vi điều chỉnh, việc áp dụng trực tiếp Bộ luật Dân sự 2015 và bỏ qua Luật Thương mại 2005 đối với hoạt động thương mại đặc thù có lẽ không phù hợp.

>>> Xem thêm bài kỳ trước: các nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật (kỳ 1)

Trên đây là một số chia sẻ của AV Counsel liên quan đến chủ đề Nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với hợp đồng thương mại gửi đến quý bạn đọc.

________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Tin tức liên quan

XÁC ĐỊNH THU NHẬP CHỊU THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
XÁC ĐỊNH THU NHẬP CHỊU THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

190 Lượt xem

TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI LÀ GÌ? CÁCH GIẢI QUYẾT THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH
TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI LÀ GÌ? CÁCH GIẢI QUYẾT THEO PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

87 Lượt xem

HƯỚNG DẪN KÊ KHAI MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
HƯỚNG DẪN KÊ KHAI MỘT SỐ NỘI DUNG TRONG GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

171 Lượt xem

TÌM HIỂU VỀ CHẾ ĐỊNH FORCE MAJERE VÀ HỌC THUYẾT FRUSTRATION TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ
TÌM HIỂU VỀ CHẾ ĐỊNH FORCE MAJERE VÀ HỌC THUYẾT FRUSTRATION TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ

135 Lượt xem

SƠ BỘ VỀ QUY HOẠCH CHI TIẾT 1/500
SƠ BỘ VỀ QUY HOẠCH CHI TIẾT 1/500

122 Lượt xem

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY SAU KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
NHỮNG VIỆC CẦN LÀM NGAY SAU KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

134 Lượt xem

CÁ NHÂN GÓP VỐN CÓ BẮT BUỘC THỰC HIỆN BẰNG HÌNH THỨC CHUYỂN KHOẢN HAY KHÔNG?
CÁ NHÂN GÓP VỐN CÓ BẮT BUỘC THỰC HIỆN BẰNG HÌNH THỨC CHUYỂN KHOẢN HAY KHÔNG?

359 Lượt xem

THƯƠNG PHIẾU LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM VÀ PHÂN LOẠI THƯƠNG PHIẾU
THƯƠNG PHIẾU LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM VÀ PHÂN LOẠI THƯƠNG PHIẾU

69 Lượt xem

THỦ TỤC HIỆU ĐÍNH THÔNG TIN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP
THỦ TỤC HIỆU ĐÍNH THÔNG TIN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP

159 Lượt xem

TỒN KHO ẢO VÀ QUY ĐỊNH VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KẾ TOÁN GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG
TỒN KHO ẢO VÀ QUY ĐỊNH VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ KẾ TOÁN GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

168 Lượt xem

ỦY QUYỀN QUYẾT TOÁN  THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
ỦY QUYỀN QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

60 Lượt xem

CHUYỂN GIAO CÔNG NỢ CHO BÊN THỨ BA
CHUYỂN GIAO CÔNG NỢ CHO BÊN THỨ BA

184 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng