CÁC NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT KHI CÓ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT (KỲ 1)
Xung đột pháp luật có nhiều mức độ khác nhau từ phủ định lẫn nhau đến khác nhau nhưng không hoàn toàn phủ định lẫn nhau, hoặc quy định về các vấn đề khác nhau nhưng các vấn đề đó có liên quan đến nhau.
(i) Phủ định lẫn nhau. Trường hợp đầu tiên là các văn bản pháp luật có sự xung đột trực tiếp, quy định các nghĩa vụ hoặc yêu cầu phủ định lẫn nhau về cùng một vấn đề.
(ii) Khác nhau nhưng không hoàn toàn phủ định lẫn nhau. Đây là trường hợp thường gặp hơn trên thực tế khi áp dụng pháp luật. Các văn bản pháp luật quy định phạm vi hoặc yêu cầu khác nhau về cùng một vấn đề nhưng không hoàn toàn phủ định lẫn nhau.
(iii) Quy định về các vấn đề khác nhau. Đây cũng là trường hợp thường gặp trên thực tế khi áp dụng pháp luật. Văn bản pháp luật này quy định một số nghĩa vụ hoặc yêu cầu cụ thể về một vấn đề nhưng văn bản pháp luật khác lại không quy định gì hoặc không phủ định về cùng vấn đề đó hoặc lại quy định về một vấn đề khác.
Vậy khi có sự xung đột pháp luật thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào để áp dụng các quy định cho đúng? Mời các bạn cùng AV Counsel tìm hiểu trong bài viết sau nhé.
- Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật điều ước quốc tế 2016;
- Luật thương mại 2005;
- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;
- Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
- Nội dung:
Đối với hai trường hợp đầu tiên thì rõ ràng là có xung đột và các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật sẽ áp dụng. Đối với trường hợp thứ ba, việc có tồn tại xung đột hay không thì hoàn toàn không rõ ràng. Nếu xung đột được coi là không tồn tại, nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật sẽ không áp dụng và về logic tất cả các văn bản pháp luật liên quan sẽ cùng đồng thời được áp dụng. DướI đây là một số nguyên tắc vận dụng khi có xung đột pháp luật.
Hiện tại có bảy nhóm nguyên tắc cơ bản về giải quyết xung đột giữa các nguồn pháp luật hợp đồng, theo đó:
(i) điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được ưu tiên áp dụng so với tất các văn bản pháp luật trong nước (trừ Hiến pháp 2013);
(ii) tập quán quốc tế được ưu tiên áp dụng so với văn bản pháp luật trong nước trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và luật Việt Nam có quy định;
(iii) luật riêng được ưu tiên áp dụng so với luật chung;
(iv) văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn được ưu tiên áp dụng so với văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý thấp hơn;
(v) đối với các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành về cùng một vấn đề, văn bản pháp luật được ban hành sau được ưu tiên áp dụng so với văn bản pháp luật được ban hành trước;
(vi) văn bản quy phạm pháp luật được ưu tiên áp dụng so với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật và
(vii) văn bản pháp luật được ưu tiên áp dụng so với án lệ.
Ngoài các nguyên tắc cơ bản trên, chính bản thân các văn bản pháp luật có thể quy định các nguyên tắc giải quyết xung đột khác để xử lý các tình huống cụ thể. Các nguyên tắc này cũng cần được xem xét khi áp dụng luật trong các tình huống cụ thể.
1. Nguyên tắc 1 - Ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế so với văn bản pháp luật trong nước
Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên được ưu tiên áp dụng so với văn bản pháp luật trong nước (trừ Hiến pháp) mà không cần thiết phải sửa đổi văn bản pháp luật trong nước. Nguyên tắc trên được quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Điều ước quốc tế 2016 “1. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.”.
Quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Điều ước quốc tế 2016 cũng được quy định tương tự tại Khoản 5 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Khoản 4 Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015. Mặc dù các quy định này chỉ áp dụng với văn bản quy phạm pháp luật, có thể suy luận là các quy định trên cũng áp dụng đối với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật. Nói một cách rộng hơn, nguyên tắc ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế áp dụng đối với cả (i) văn bản quy phạm pháp luật và (ii) văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật.
Như đã trình bày ở trên, Việt Nam hiện nay đã chính thức trở thành thành viên của một số điều ước quốc tế liên quan đến hợp đồng là Công ước Vienna 1980, Hiệp định TRIPS 1994 cũng như nhiều điều ước quốc tế song phương. Nhìn chung, các quy định về hợp đồng trong các điều ước quốc tế nêu trên chủ yếu điều chỉnh về các vấn đề như giao kết hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng và cơ quan giải quyết tranh chấp.
2. Nguyên tắc 2 - Ưu tiên áp dụng tập quán quốc tế so với văn bản pháp luật trong nước
Về nguyên tắc, trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, các bên có quyền lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế khi đáp ứng đủ hai điều kiện là (i) điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn, và (ii) hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó không trái với các nguyên của pháp luật Việt Nam (Khoản 2 Điều 664 và Điều 666 Bộ luật dân sự 2015).
Như vậy, có thể suy luận rằng tập quán quốc tế có thể được ưu tiên áp dụng so với pháp luật Việt Nam (bao gồm văn bản quy phạm pháp luật và có lẽ cả văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật) trong trường hợp các bên thoả thuận áp dụng tập quán quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc văn bản pháp luật Việt Nam. Theo đó, việc áp dụng tập quán quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên phải đảm bảo không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Ví dụ, theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành có thể được áp dụng trong hoạt động ngân hàng nếu có thoả thuận của các bên (điểm a khoản 4 Điều 3 Luật các tổ chức tín dụng 2010).
Như vậy, có thể hiểu rằng tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế ban hành có liên quan đến hoạt động ngân hàng (ví dụ như UCP) được coi là tập quán quốc tế theo pháp luật về hợp đồng và sẽ được áp dụng đối với hợp đồng trong lĩnh vực ngân hàng nếu các bên có thoả thuận.
Việc áp dụng tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế ban hành trong hoạt động ngân hàng còn được khẳng định thông qua nội dung Án lệ số 13.
3. Nguyên tắc 3 - Ưu tiên áp dụng luật riêng so với luật chung
Nguyên tắc pháp lý thường được dẫn chiếu khi nói về quan hệ giữa Bộ luật Dân sự 2015 và luật chuyên ngành là quan hệ giữa “luật chung” và “luật riêng” trong đó Bộ luật Dân sự 2015 là “luật chung” và luật chuyên ngành được coi là “luật riêng.” Trong quan hệ giữa “luật chung” và “luật riêng”, luật chuyên ngành với tư cách là “luật riêng” được ưu tiên áp dụng với điều kiện là không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, nếu trái thì các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 sẽ được áp dụng.
Nguyên tắc pháp lý này được luật hoá tại khoản 2, 3 Điều 4 của Bộ luật Dân sự 2015:
“2. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.
3. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.”
Năm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự 2015 là (i) tự do thỏa thuận, (ii) bảo vệ lợi ích công cộng, (iii) thiện chí, trung thực, (iv) tự chịu trách nhiệm và (v) bình đẳng trước pháp luật.
Điều 4 của Luật Thương mại 2005 cũng quy định quan hệ giữa Luật Thương mại 2005 với Bộ luật Dân sự 2015 và các luật chuyên ngành khác:
“1. Hoạt động thương mại phải tuân theo Luật thương mại và pháp luật có liên quan.
2. Hoạt động thương mại đặc thù được quy định trong luật khác thì áp dụng quy định của luật đó.
3. Hoạt động thương mại không được quy định trong Luật thương mại và trong các luật khác thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự.”
Tinh thần quy định tại Điều 4 của Luật Thương mại 2005 cũng phù hợp với khoản 2, 3 Điều 4 của Bộ luật Dân sự 2015. Theo các quy định này, trong quan hệ giữa Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005 đối với hợp đồng thương mại, Bộ luật Dân sự 2015 đóng vai trò là luật chung và Luật Thương mại 2005 đóng vai trò là luật riêng.
Ngoài ra, nếu Luật Thương mại 2005 không quy định về một vấn đề mà vấn đề đó được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 thì Bộ luật Dân sự 2015 sẽ áp dụng. Bản thân Điều 4 của Luật Thương mại 2005 cũng quy định vai trò của Luật Thương mại 2005 với tư cách là “luật chung" trong quan hệ với “luật riêng” là ngành áp dụng riêng cho hoạt động thương mại đặc thù. Trong mối quan hệ này, luật chuyên ngành áp dụng riêng cho hoạt động thương mại đặc thù (ví dụ, Luật Xây dựng 2014 áp dụng cho hợp đồng xây dựng) được ưu tiên áp dụng. Nếu luật chuyên ngành đặc thù không quy định thì áp dụng Luật Thương mại 2005. Nếu Luật Thương mại 2005 không quy định thì áp dụng Bộ luật Dân sự 2015. Trong các trường hợp trên, quy định của luật áp dụng riêng cho hoạt động thương mại đặc thù và Luật Thương mại 2005 đều không được trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015
4. Nguyên tắc 4 - Ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn
Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật giữa các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau được quy định tại khoản 2 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015:
“2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”
Theo quy định trên tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, trong trường hợp các văn bản pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng “văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.” Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và trật tự hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp được quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Các văn bản quy phạm pháp luật gồm mười lăm loại, cao nhất là Hiến pháp, sau đó đến bộ luật, luật và nghị quyết của Quốc hội và dưới đó là các loại văn bản dưới luật. Ngoài ra còn các văn bản khác như nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, thông tư của NHNN, TANDTC và các bộ, và nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là văn bản dưới luật. Các văn bản pháp luật được ưu tiên áp dụng theo trình tự hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp như trên.
Một điểm cần lưu ý là bộ luật (như Bộ luật Dân sự 2015) và luật (như Luật Thương mại 2005) được xếp ngang hàng và việc xử lý xung đột giữa các bộ luật và luật cần được xem xét thêm trên cơ sở nguyên tắc 3 về việc ưu tiên áp dụng luật riêng so với luật chung và nguyên tắc 5 về việc ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật được ban hành sau.
Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 không quy định nguyên tắc áp dụng trong trường hợp hai văn bản dưới luật có hiệu lực pháp lý cao như nhau do hai cơ quan ngang cấp ban hành thì áp dụng văn bản nào. Trong trường hợp một thông tư do Bộ Công thương ban hành hướng dẫn quy định của Luật Thương mại 2005 có quy định trái với quy định của một thông tư do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành hướng dẫn Luật Quảng cáo 2012 thì sẽ không rõ thông tư nào được áp dụng.
Về logic, có thể suy luận theo nguyên tắc 3 là nếu chuyên ngành được ưu tiên áp dụng, văn bản hướng dẫn luật chuyên ngành (trong trường hợp này là Luật Quảng cáo 2012) cũng có thể được ưu tiên áp dụng so với một văn bản cùng cấp hướng dẫn luật chung (trong trường hợp này là Luật Thương mại 2005).
5. Nguyên tắc 5 . Ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật được ban hành sau
Khoản 3, Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định nguyên tắc xử lý xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.”
Theo nguyên tắc này, nếu không có một nguyên tắc xung đột nào khác áp dụng (ví dụ luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với Bộ luật Dân sự 2015), Bộ luật Dân sự 2015 sẽ được ưu tiên áp dụng so với các luật ban hành trước thời điểm ban hành Bộ luật Dân sự 2015 và không được ưu tiên áp dụng so với các luật ban hành sau thời điểm ban hành Bộ luật Dân sự 2015 trong trường hợp có xung đột. Đây là nguyên tắc đặc biệt quan trọng và thường được xem xét cùng nguyên tắc 3 (ưu tiên áp dụng luật riêng so với luật chung). Nếu áp dụng hai nguyên tắc này cùng với nhau thì cần lưu ý là trong trường hợp bản thân luật ban hành sau có quy định nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật riêng so với luật chung thì cần ưu tiên áp dụng luật riêng đó. Ví dụ, Bộ luật Dân sự 2015 ban hành sau Luật Thương mại 2005 nhưng bản thân Bộ luật Dân sự 2015 cho phép ưu tiên áp dụng luật khác điều chỉnh quan hệ dân sự cụ thể (như quan hệ thương mại) nếu không trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015. Do vậy, mặc dù Luật Thương mại 2005 được ban hành trước Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005 sẽ được ưu tiên áp dụng so với Bộ luật Dân sự 2015 liên quan đến các vấn đề phát sinh từ hợp đồng thương mại nếu quy định của Luật Thương mại 2005 không trái với các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự 2015.
6. Nguyên tắc 6 – Ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật so với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật
Như trình bày ở trên, hiện nay chưa có văn bản cụ thể quy định hệ thống văn bản pháp luật bao gồm những loại văn bản nào. Hai loại văn bản thường được đề cập là (i) văn bản quy phạm pháp luật và (ii) văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật.
Tại thời điểm hiện nay, do vai trò và vị trí của văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật chưa rõ ràng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, nguyên tắc để xử lý xung đột giữa văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật cũng chưa rõ ràng. Nguyên tắc để giải quyết xung đột trên có thể được suy luận dựa trên giá trị hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 155 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định hiệu lực không gian của văn bản quy phạm pháp luật:
“1. Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực trong phạm vi cả nước và được áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở đơn vị hành chính nào thì có hiệu lực trong phạm vi đơn vị hành chính đó và phải được quy định cụ thể ngay trong văn bản đó. [...].”
Theo quy định của Điều 155 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, văn bản quy phạm luật của cơ quan nhà nước ở trung ương có hiệu lực không gian trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và văn bản quy phạm pháp pháp luật của cơ quan nhà nước ở địa phương có hiệu lực không gian trên phạm vi đơn vị hành chính. Trong cả hai trường hợp, văn bản quy phạm pháp luật áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi địa lý có liên quan.
Văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao hơn văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật và nếu có xung đột, văn bản quy phạm pháp luật được ưu tiên áp dụng.
Nguyên tắc này có lẽ rõ ràng đối với các loại văn bản do cùng một cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền ban hành. Ví dụ, nghị quyết của TANDTC có giá trị cao hơn công văn của TANDTC. Vấn đề phức tạp hơn nếu văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật của một cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền cao hơn xung đột với một văn bản quy phạm pháp luật của một cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền thấp hơn. Vi dụ, văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật của Chính phủ xung đột với một văn bản quy phạm pháp luật của một bộ hoặc cơ quan ngang bộ. Trong trường hợp trên, khó có thể đi đến kết luận là văn bản quy phạm pháp luật của một bộ hoặc cơ quan ngang bộ được ưu tiên áp dụng đối với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật của Chính phủ. Mặc dù điều này khó xảy ra trên thực tế, có lẽ văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật của Chính phủ vẫn được ưu tiên áp dụng. Đây là vấn đề không hoàn toàn rõ ràng trong pháp luật Việt Nam tại thời điểm hiện nay và cần được tiếp tục kiểm chứng trong thực tiễn áp dụng pháp luật.
7. Nguyên tắc 7 - Ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật so với án lệ
Án lệ đã trở thành một nguồn mới của pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật về hợp đồng. Do đây là nguồn mới của pháp luật, dường như chưa có quy định để giải quyết xung đột giữa án lệ và văn bản pháp luật. Khi quy định về việc áp dụng án lệ, Nghị quyết 04/2019 có các quy định ám chỉ vị trí của án lệ trong hệ thống pháp luật.
Khoản 1, Điều 9 của Nghị quyết 04/2019 quy định: “1. Án lệ đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật.” Quy định cho phép không áp dụng án lệ và án lệ đương nhiên bị hủy bỏ nếu do có sự thay đổi của pháp luật mà án lệ không còn phù hợp. Có thể suy luận là văn bản pháp luật có giá trị cao hơn và được ưu tiên áp dụng so với án lệ.
Theo nguyên tắc trên, văn bản quy phạm pháp luật được ưu tiên áp dụng so với án lệ. Điều ít rõ ràng hơn là liệu văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật có được ưu tiên áp dụng so với án lệ không và khi có thay đổi văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật làm án lệ không còn phù hợp thì án lệ có mặc nhiên bị hủy bỏ không. Do việc áp dụng án lệ còn mới trên thực tiễn, khó có thể khái quát hóa là án lệ hay và văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật được ưu tiên áp dụng (ví dụ trong trường hợp có xung đột giữa nội dung án lệ và công văn hướng dẫn của TANDTC).
Trên đây là một số chia sẻ của AV Counsel liên quan đến chủ đề Nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột gửi đến quý bạn đọc.
________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm