MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐÁNG CHÚ Ý TRONG THỦ TỤC TUYÊN BỐ PHÁ SẢN
Các chủ nợ dân sự có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản, khi đó người quản lý có nghĩa vụ phải yêu cầu mở thủ tục phá sản mà không thực hiện nghĩa vụ đến khi chủ nợ dân sự yêu cầu thì có thể bị xem xét hành vi vi phạm cố ý không thực hiện nghĩa vụ yêu cầu tuyên bố phá sản cả về xử phạt hành chính và không được quyền thành lập doanh nghiệp, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm. Trong bài viết này, AV Counsel xin chia sẻ một số vấn đề đáng lưu ý liên quan đến phá sản:
- Căn cứ pháp lý:
- Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2020, được sửa đổi bổ sung bởi Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự (Gọi tắt là Luật Doanh nghiệp);
- Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019;
- Luật phá sản 2014;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 Về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã;
- Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
- Nội dung:
1. Tuyên bố phá sản
1.1. Nghĩa vụ yêu cầu tuyên bố phá sản
Căn cứ khoản 3, 4 Điều 5 Luật phá sản người có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, gồm:
(1) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
(2) Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
1.2. Chế tài khi không thực hiện nghĩa vụ yêu cầu tuyên bố phá sản:
Xử phạt vi phạm hành chính (Điều 67 Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020): “Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng quản trị của công ty cổ phần, chủ tịch hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.”
Cấm đảm nhiệm chức vụ đối với người có nghĩa vụ tuyên bố phá sản nhưng không thực hiện và không thuộc trường hợp bất khả kháng khi doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản (Khoản 3 Điêu 130 Luật phá sản): “Không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.”
2. Thủ tục phá sản
Căn cứ Luật Phá sản 2014, quy trình tuyên bố phá sản của doanh nghiệp như sau:
Bước 1: Nộp đơn và nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
Bước 2: Thương lượng rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
Bước 3: Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do thương lượng không thành;
Bước 4: Quyết định mở thủ tục phá sản khi có căn cứ để mở;
Bước 5: Tổ chức Hội nghị chủ nợ;
Bước 6: Tòa án tuyên bố công ty phá sản;
Bước 7: Thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.
* Lệ phí, Chi phí phá sản: Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật. Lệ phí phá sản theo Danh mục án phí, lệ phí Tòa án quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 23 Luật Phá sản 2014, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật Phá sản 2014 sau đây:
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thuộc một trong các trường hợp dưới đây mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản:
+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Không thuộc trường hợp được miễn thì Lệ phí phá sản Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 là: 1.500.000.000 đồng; Tạm ứng chi phí phá sản do Tòa quyết định.
3. Hậu quả pháp lý khi tuyên bố phá sản
3.1. Doanh nghiệp
Chấm dứt hoạt động, xóa thông tin doanh nghiệp. Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo Điều 85 Luật quản lý thuế.
Khi có quyết định tuyên bố phá sản mà doanh nghiệp còn tài sản thì thứ tự phân chia tài sản:
+ Chi phí phá sản;
+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Lưu ý: Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định nêu trên, thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
- Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản nêu trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:
+ Chủ doanh nghiệp tư nhân;
+ Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên;
+ Thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;
+ Thành viên của công ty hợp danh.
3.2. Người quản lý
Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật Phá sản thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án có quyết định tuyên bố phá sản, cụ thể các vi phạm sau:
+ Vi phạm thực hiện yêu cầu của Thẩm phán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về phá sản;
+ Không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán;
+ Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sau: cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 49 của Luật Phá sản 2014; từ bỏ quyền đòi nợ; chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp.
Lưu ý: Hạn chế trên không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phá sản với lý do bất khả kháng.
3.3. Các giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu
Giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường;
- Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn;
- Tặng cho tài sản;
- Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán quy định tại nêu trên được thực hiện với những người liên quan trong thời gian 18 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản thì bị coi là vô hiệu.
Những người liên quan bao gồm:
- Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đối với công ty con;
- Công ty con đối với công ty mẹ; doanh nghiệp do hợp tác xã thành lập đối với hợp tác xã;
- Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định của cơ quan quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đối với hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
- Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đối với doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;
- Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này;
- Doanh nghiệp trong đó những người quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản này có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó;
- Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.
Tóm lại: Các chủ nợ dân sự có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản, khi đó người quản lý có nghĩa vụ phải yêu cầu mở thủ tục phá sản mà không thực hiện nghĩa vụ đến khi chủ nợ dân sự yêu cầu thì có thể bị xem xét hành vi vi phạm cố ý không thực hiện nghĩa vụ yêu cầu tuyên bố phá sản cả về xử phạt hành chính và không được quyền thành lập doanh nghiệp, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm.
Khi yêu cầu mở thủ tục phá sản: Có hai vấn đề cần lưu ý: (1) Hành vi tẩu tán tài sản và (2) Các giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu trong mục 3.3 của Bài viết này.
________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm