NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG TƯƠNG TỰ PHÁP LUẬT VÀ NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG VĂN BẢN PHÁP LUẬT TẠI THỜI ĐIỂM XẢY RA HÀNH VI (KỲ 3)

Ngoài 07 nguyên tắc xung đột pháp luật ((1) Ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế so với văn bản pháp luật trong nước; (2) Ưu tiên áp dụng tập quán quốc tế so với văn bản pháp luật trong nước; (3) Ưu tiên áp dụng luật riêng so với luật chung; (4) Ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn; (5) Ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật được ban hành sau; (6) Ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật so với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật; (7) Ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật so với án lệ. Xem thêm: Nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với hợp đồng thương mại), bên cạnh còn có hai nguyên tắc khác cũng quan trọng trong việc áp dụng pháp luật là (i) nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự và (ii) nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi trừ trường hợp văn bản pháp luật có hiệu lực hồi tố. Hãy cùng AV Counsel tiếp tục tìm hiểu về 2 nguyên tắc này trong phần bài viết các nguyên tắc áp dụng pháp luật kỳ 3 nhé.

- Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;
  • Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Nội dung:

1. Nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự

Việc áp dụng pháp luật tương tự là một nguyên tắc được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Khoản 2 Điều 45 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Tòa án áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật dân sự và khoản 1 Điều này. Khi áp dụng tương tự pháp luật, Tòa án phải xác định rõ tính chất pháp lý của vụ việc dân sự, xác định rõ ràng trong hệ thống pháp luật hiện hành không có quy phạm pháp luật nào điều chỉnh quan hệ đó và xác định quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.”

Áp dụng pháp luật tương tự dường như chỉ liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật và không liên quan đến văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật vì khoản 2 Điều 45 dẫn chiếu cụ thể đến “quy phạm pháp luật” khi áp dụng pháp luật tương tự. Khi một vấn đề pháp lý không được quy định trong pháp luật về hợp đồng, cơ quan xét xử được phép sử dụng quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật xử lý vấn đề pháp lý trong một quan hệ hợp đồng tương tự và áp dụng nguyên tắc pháp lý quy định trong văn bản pháp luật đó để xử lý vấn đề pháp lý không được quy định. Điều này cho phép xử lý các vấn đề pháp lý mà các văn bản quy phạm pháp luật không quy định trong một quan hệ hợp đồng cụ thể, thông qua đó mở rộng phạm vi xử lý các vấn đề pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng.

Về lý thuyết, việc áp dụng pháp luật tương tự chỉ áp dụng đối với các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp luật. Nếu một văn bản pháp luật đã hết hiệu lực pháp luật thì có lẽ không thể là cơ sở để áp dụng pháp luật tương tự. Có một thực tế là một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn một văn bản khác đã hết hiệu lực cũng hết hiệu lực theo Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nhưng do văn bản quy phạm pháp luật mới chưa có văn bản hướng dẫn nên văn bản hướng dân cũ vẫn tiếp tục được áp dụng.

Ví dụ: Các hướng dẫn của TANDTC thường dưới hình thức nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật) và công văn (là văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật). Một số nghị quyết và công văn của TANDTC được ban hành để hướng dẫn các Bộ luật Dân sự cũ và thậm chí là Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989 vẫn có giá trị hướng dẫn tại thời điểm hiện nay và được cơ quan xét xử áp dụng trên thực tế vì không có các hướng dẫn mới hơn để áp dụng cho quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Nghị quyết 01/2003, Nghị quyết 02/2004 và Nghị quyết 04/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn Bộ luật Dân sự 1995 vẫn được sử dụng tại thời điểm hiện nay trên thực tế. Dựa trên thực tế như trên, nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự cũng có thể áp dụng đối với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật, đặc biệt là các công văn hướng dẫn của TANDTC, cho dù các công văn này có thể không còn hiệu lực. Phần lớn các án lệ liên quan đến hợp đồng được ban hành tại thời điểm hiện nay dựa trên các bản án được tòa án đưa ra tại thời điểm Bộ luật Dân sự 2005 vẫn còn hiệu lực và có giá trị án lệ vì Bộ luật Dân sự 2015 có nhiều quy định tương tự như Bộ luật Dân sự 2005. Phần lớn các án lệ trên đều trích dẫn quy định của Bộ luật Dân sự 2005 làm cơ sở để đưa ra bản án được sử dụng làm án lệ và đồng thời trích dẫn các quy định tương ứng tại Bộ luật Dân sự 2015.

Do không có các nguồn bản án tốt hơn để sử dụng làm án lệ, các bản án được ban hành trước khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực được công nhận làm án lệ để áp dụng sau khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực và thể hiện cách tiếp cận thực tế của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

2. Nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi trừ trường hợp văn bản pháp luật có hiệu lực hồi tố

Ưu tiên áp dụng văn bản pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi là nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:

“1. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.

Khoản 1 Điều 156 đưa ra hai nguyên tắc pháp lý quan trọng. Thứ nhất, do văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực, nguyên tắc chung là văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với “hành vi” xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Thứ hai, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực hồi tố thì áp dụng theo quy định hồi tố.

Hồi tố là trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc chung về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi. Trong bối cảnh của hợp đồng, các bên có thể có nhiều hành vi như giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng, vi phạm hợp đồng và phát sinh tranh chấp. Xác định pháp luật áp dụng tại từng thời điểm phát sinh bất kỳ hành vi nào kể trên không đơn giản và dẫn đến việc áp dụng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau trong cùng một hợp đồng.

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hiệu lực hồi tố thì vấn đề còn phức tạp hơn. Về bản chất, đây cũng có thể coi là trường hợp các văn bản có xung đột dựa trên thời gian ban hành. Tại thời điểm hiện nay, quy định tại khoản 1 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 chưa được hướng dẫn cụ thể trên thực tế và thông thường các văn bản pháp luật mới ban hành thay thế văn bản pháp luật cũ thường có điều khoản chuyển tiếp để xử lý vấn đề này.

Trên thực tế, trường hợp phức tạp thường phát sinh là hợp đồng được giao kết tại thời điểm Bộ luật Dân sự 2005 có hiệu lực nhưng được thực hiện trước hoặc sau thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực và phát sinh tranh chấp sau thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực. Trong trường hợp này, nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và quy định về chuyển tiếp tại Bộ luật Dân sự 2015 sẽ áp dụng. Quy định chuyển tiếp của Bộ luật Dân sự 2015 tập trung vào (i) thời điểm giao kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng và (ii) nội dung và hình thức của hợp đồng để xác định trình tự áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015.

Điều 688 Bộ luật Bộ luật Dân sự 2015 quy định bốn trường hợp để xử lý trình tự áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 đối với hợp đồng được giao kết trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực:

- Hợp đồng chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện và “có nội dung và hình thức” khác với Bộ luật Dân sự 2015: Trong trường hợp này, Bộ luật Dân sự 2005 áp dụng.

- Hợp đồng đã được thực hiện xong trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực: Trong trường hợp này, Bộ luật Dân sự 2005 áp dụng.

- Hợp đồng chưa được thực hiện và “có nội dung và hình thức” khác với Bộ luật Dân sự 2015 và các bên có thỏa thuận sửa đổi phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015: Trong trường hợp này, Bộ luật Dân sự 2015 áp dụng.

- Hợp đồng chưa hoặc đang được thực hiện mà “có nội dung và hình thức” phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015: Trong trường hợp này, Bộ luật Dân sự 2015 áp dụng.

Trong cả bốn trường hợp trên, thời hiệu được áp dụng theo quy định điểm d khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự 2015 nếu tranh chấp được xét xử sau ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực.

Nếu Tranh chấp phát sinh trước ngày này áp dụng theo thời hiệu quy định tại Bộ luật Dân sự 2005 theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13.

Trong hai trường hợp cuối cùng, Bộ luật Dân sự 2015 áp dụng hồi tố đối với những hợp đồng được giao kết trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực và vẫn chưa được thực hiện hoặc nếu đang được thực hiện thì các bên có thỏa thuận sửa đổi hợp đồng phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Bộ luật Dân sự 2015 có nhiều điểm tiến bộ so với Bộ luật Dân sự 2005 và để có thể áp dụng hồi tố Bộ luật Dân sự 2015, điều quan trọng là ngoài việc hợp đồng vẫn đang hoặc chưa được thực hiện thì “nội dung và hình thức” của hợp đông phải phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015. Đây không phải là một điều kiện quá khó để đáp ứng trên thực tế. Ví dụ, đối với hợp đồng mua hàng hóa thì hợp đồng chỉ cần lập thành văn bản và nội dung của hợp đồng phù hợp với quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 98 và từ Điều 430 đến Điều 445 của Bộ luật Dân sự 2015) là phù hợp cả về nội dung và hình thức với Bộ luật Dân sự 2015.

Việc áp dụng hồi tố Bộ luật Dân sự 2015 đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hợp đồng vô hiệu vì Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 có quy định khác nhau về vấn đề này. Ví dụ, hợp đồng được giao kết trước thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực vi phạm quy định cấm về việc hợp đồng không được phép quy định về việc thanh toán bằng ngoại tệ theo quy định của Pháp lệnh Ngoại hối 2005. Theo Bộ luật Dân sự 2005, hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật có thể bị vô hiệu. Theo Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vi phạm điều cấm của luật có thể vô hiệu. Nếu nội dung và hình thức của hợp đồng phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015 thì cho dù được giao kết trước khi Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực vẫn không bị vô hiệu.

Trên đây là nội dung AV Counsel chia sẻ về nguyên tắc áp dụng pháp luật tương tự và nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi trừ trường hợp văn bản pháp luật có hiệu lực hồi tố.

>>> Xem thêm bài kỳ trước: Các nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật (kỳ 1)

>>> Xem thêm bài kỳ trước: Nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với hợp đồng thương mại (kỳ 2)

________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Tin tức liên quan

NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT TRONG TỪNG LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?
NGƯỜI ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT TRONG TỪNG LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO?

281 Lượt xem

TẠI SAO CÔNG TY CỔ PHẦN PHẢI XÂY DỰNG QUY CHẾ?
TẠI SAO CÔNG TY CỔ PHẦN PHẢI XÂY DỰNG QUY CHẾ?

245 Lượt xem

HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN/ PHẦN VỐN GÓP CÓ BẮT BUỘC CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC HAY KHÔNG???
HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG CỔ PHẦN/ PHẦN VỐN GÓP CÓ BẮT BUỘC CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC HAY KHÔNG???

287 Lượt xem

THƯƠNG PHIẾU LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM VÀ PHÂN LOẠI THƯƠNG PHIẾU
THƯƠNG PHIẾU LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM VÀ PHÂN LOẠI THƯƠNG PHIẾU

70 Lượt xem

ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN KHI GÓP VỐN VÀO DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH MỚI
ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN KHI GÓP VỐN VÀO DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH MỚI

232 Lượt xem

HƯỚNG DẪN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN DO CÁ NHÂN LÀM CHỦ SỞ HỮU THEO LUẬT DOANH NGHIỆP 2020
HƯỚNG DẪN HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THÀNH LẬP CÔNG TY TNHH MỘT THÀNH VIÊN DO CÁ NHÂN LÀM CHỦ SỞ HỮU THEO LUẬT DOANH NGHIỆP 2020

183 Lượt xem

CÁC NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT KHI CÓ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT (KỲ 1)
CÁC NGUYÊN TẮC ÁP DỤNG PHÁP LUẬT KHI CÓ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT (KỲ 1)

403 Lượt xem

NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN TẠM ỨNG CỔ TỨC
NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN TẠM ỨNG CỔ TỨC

238 Lượt xem

HƯỚNG DẪN HỒ SƠ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ THEO LUẬT PHÁ SẢN MỚI NHẤT
HƯỚNG DẪN HỒ SƠ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP, HỢP TÁC XÃ THEO LUẬT PHÁ SẢN MỚI NHẤT

185 Lượt xem

QUÁ CẢNH HÀNG HÓA THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM
QUÁ CẢNH HÀNG HÓA THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM

56 Lượt xem

THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
THỦ TỤC ĐĂNG KÝ VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN

157 Lượt xem

CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM
CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM

237 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng