ĐĂNG KÝ CƯ TRÚ CHO TRẺ EM TRONG TRƯỜNG HỢP CHA MẸ KHÔNG LÀ CHỦ SỞ HỮU CHỖ Ở HỢP PHÁP

Hiện nay, việc đăng ký cư trú cho trẻ em gặp nhiều vướng mắc. Đặc biệt là khi cha, mẹ không là chủ sở hữu hợp pháp của quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nhưng đã đăng ký cư trú ổn định, lâu dài nhưng khi trẻ sinh ra lại không đủ điều kiện về chỗ ở hợp pháp.

Ngày 26/11/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú để giải quyết vướng mắc trên.

Theo quy định của Luật Cư trú năm 2020, trường hợp đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình thì phải đáp ứng điều kiện:

- Được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý;

- Và phải thuộc các trường hợp:

+ Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

+ Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

+ Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

Hồ sơ đăng ký tạm trú đối với trường hợp trên bao gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác.

Tuy nhiên, trên thực tiễn phát sinh nhiều trường hợp cha mẹ không là chủ sở hữu hợp pháp nên không đủ điều kiện để đăng ký thường trú cho con. Ví dụ trong một số trường hợp sau:

Trường hợp 1:

Chỗ ở hợp pháp là nhà của ông bà tổ tiên để lại, đã có kê khai năm 1979, các thành viên trong gia đình đều có đăng ký thường trú và cư ngụ tại căn nhà nhiều năm nay, nhưng đến nay vì một số lý do khác nhau mà chưa thực hiện thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở.

Trong gia đình, có sinh một hay nhiều thành viên mới, ông, bà, cha, mẹ của cháu đăng ký thường trú cho cháu tại chỗ ở hợp pháp cùng với gia đình nhưng cơ quan đăng ký cư trú không đồng ý đăng ký thường trú cho cháu cùng ở chung hộ với ông bà, cha mẹ với lý do ông bà, cha mẹ chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nên không chứng minh được chỗ ở hợp pháp là chủ sở hữu nhà. Như vậy, cháu không thể đăng ký thường trú được cùng ở với ông bà cha mẹ, ảnh hưởng đến quyền lợi của cháu vì không được hưởng chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với trẻ em như: bảo hiểm y tế, đi học trong giai đoạn hiện nay.

Trường hợp 2:

Chỗ ở hợp pháp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở nhưng chủ quyền sở hữu là ông, bà (người quá cố), thành viên trong gia đình chưa làm thủ tục đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo thủ tục thừa kế di sản. Trường hợp này cơ quan đăng ký thường trú không đồng ý cho cháu nhỏ đăng ký thường trú hoặc thành viên lớn tuổi trong gia đình đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp trên, mà cơ quan đăng ký thường trú yêu cầu gia đình phải làm thủ tục để có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mang tên của người bảo lãnh đăng ký thường trú thì mới chứng minh chỗ ở hợp pháp là chủ sở hữu nhà, lúc đó mới có thể có ý kiến đồng ý khi làm thủ tục đăng ký thường trú cho thành viên mới.

Trường hợp 3:

Có hợp đồng thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước thời gian lâu dài (mỗi hợp đồng thuê thời hạn 60 tháng, đã nhiều lần gia hạn - hơn 12 năm trở lên). Trước đây, áp dụng theo Luật cư trú năm 2003, Luật Cư trú năm 2013 thì người thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước thì được đăng ký thường trú tại địa chỉ thuê nhà.

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, cơ quan giải quyết đăng ký cư trú không giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú cho cháu nhỏ được vì không có ý kiến của cơ quan quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước có đồng ý hay không đồng ý cho cháu nhỏ mới sinh đăng ký thường trú tại địa chỉ thuê nhà ở cùng với cha mẹ.

Ngày 26/11/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 154/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, quy định về việc đăng ký cư trú cho người chưa thành niên tại Điều 7 như sau:

“Điều 7. Đăng ký cư trú cho người chưa thành niên

1. Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú không phải là nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Trường hợp người chưa thành niên được Tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

2. Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên. Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.

3. Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

4. Trường hợp đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú lần đầu cho người chưa thành niên theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì cơ quan đăng ký cư trú không phải thực hiện kiểm tra, xác minh điều kiện về tính hợp pháp của chỗ ở và tình trạng cư trú.”

Theo đó nội dung Điều 7 Nghị định này đã giải quyết được việc đăng ký thường trú cho người chưa thành niên đăng ký thường trú lần đầu thì Cảnh sát khu vực không cần xác minh “chỗ ở hợp pháp” và có “thực tế cư trú hay không”; cha, mẹ của người chưa thành niên có hộ khẩu ở đâu thì người chưa thành niên được đăng ký hộ khẩu về đó (không yêu cầu là nhà có sổ đỏ chưa, có làm thừa kế chưa...).

Trên đây là nội dung ĐĂNG KÝ CƯ TRÚ CHO TRẺ EM TRONG TRƯỜNG HỢP CHA MẸ KHÔNG LÀ CHỦ SỞ HỮU CHỖ Ở HỢP PHÁP.

____________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./


Tin tức liên quan

QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ
QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ

97 Lượt xem

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM ĐỊNH KHÍ THẢI XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC KIỂM ĐỊNH KHÍ THẢI XE MÔ TÔ, XE GẮN MÁY

79 Lượt xem

THỦ TỤC CẤP LẠI CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ XE BỊ MẤT
THỦ TỤC CẤP LẠI CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ XE BỊ MẤT

83 Lượt xem

ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

159 Lượt xem

THỦ TỤC THỤ LÝ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
THỦ TỤC THỤ LÝ VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

190 Lượt xem

THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN ĐỐI VỚI CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TÒA ÁN ĐỐI VỚI CÁC VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

165 Lượt xem

CÓ ĐƯỢC GỬI ĐƠN TỐ CÁO NẶC DANH?
CÓ ĐƯỢC GỬI ĐƠN TỐ CÁO NẶC DANH?

164 Lượt xem

XE KHÔNG CHÍNH CHỦ VÀ MỨC PHẠT THEO QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH
XE KHÔNG CHÍNH CHỦ VÀ MỨC PHẠT THEO QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH

220 Lượt xem

TÌM HIỂU VỀ ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM
TÌM HIỂU VỀ ĐÀI TIẾNG NÓI VIỆT NAM

103 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng