ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH
Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Còn Tòa án chỉ thụ lý vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Tuy nhiên không phải cứ có đơn khởi kiện của người khởi kiện là Tòa án sẽ thụ lý vụ án hành chính mà việc khởi kiện phải đáp ứng đủ các điều kiện khởi kiện thì Tòa án mới tiến hành thụ lý vụ án hành chính. Sau đây AV Counsel chia sẻ cho Quý bạn đọc về các điều kiện khởi kiện vụ án hành chính:
- Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật Tố tụng hành chính 2015;
- Luật Cạnh tranh 2018;
- Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 quy định những người là công chức.
- Nội dung:
1. Điều kiện về người khởi kiện
Điều 5 Luật Tố tụng hành chính: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân (sau đây gọi chung là danh sách cử tri)."
Nhưng cá nhân, cơ quan, tổ chức này khi khởi kiện vụ án hành chính phải thỏa mãn 2 điều kiện, đó là:
- Phải có năng lực chủ thể tham gia quan hệ pháp luật tố tụng hành chính:
- Cá nhân là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác có quyền khởi kiện vụ án hành chính độc lập. Cá nhân là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) hoặc người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật. Trường hợp người khởi kiện là cá nhân đã chết thì người thừa kế của họ sẽ thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính.
Đối với tổ chức, phải là pháp nhân. Căn cứ Điều 74 Bộ luật dân sự, "Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập."
Ngoài ra, một số tổ chức mặc dù không phải là pháp nhân nhưng do pháp luật quy định có quyền tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập nên cũng có quyền khởi kiện vụ án hành chính, như: Hộ gia đình, Tổ hợp tác, Hộ kinh doanh... Cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính thông qua người đại diện theo pháp luật. Nếu cơ quan, tổ chức bị hợp nhất, sát nhập, chia, tách, giải thể thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân kế thừa quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức cũ thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính.
2. Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính
Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính thì đối tượng khởi kiện vụ án hành chính phải là quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội và danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; đồng thời nó phải liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện.
a. Quyết định hành chính
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Tố tụng hành chính, Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.
Ngoài ra, căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính thì còn khái niệm về quyết định hành chính bị kiện. Cụ thể thì quyết định hành chính bị kiện là quyết định đã được phân tích nêu trên, mà quyết định đó làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
b. Hành vi hành chính
Hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính, Hành vi hành chính bị kiện là hành vi quy định tại khoản 3 Điều này mà hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
c. Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là quyết định của Hội đồng cạnh tranh, của Bộ trưởng Bộ Công thương khi giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định tại mục 5 Chương VIII của Luật cạnh tranh, bao gồm:
- Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng cạnh tranh đối với quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh khi xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh;
- Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Công thương đối với quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh khi xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 103 của Luật Cạnh tranh quy định: “Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh tại Toà án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.”.
d. Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức
Quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là văn bản thể hiện dưới hình thức quyết định của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức thuộc quyền quản lý của mình. Việc xác định đối tượng là công chức phải căn cứ vào Luật cán bộ, công chức và Nghị định số 06/2010/NĐ-CP..
e. Danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
Danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là danh sách do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Chỉ huy đơn vị quân đội nơi có khu vực bầu cử lập.
3. Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là thời hạn mà cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì cá nhân, cơ quan, tổ chức đó mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính được quy định khác nhau đối với từng đối tượng khởi kiện.
Căn cứ Khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính quy định thời hiệu khởi kiện như sau:
a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc;
b) 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh;
c) Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
4. Điều kiện về tố tụng
Sự việc mà người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết phải là sự việc chưa được Toà án giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Có nghĩa, nếu Toà án đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật giải quyết việc khởi kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính đó rồi thì các bên liên quan không có quyền khởi kiện lại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính này nữa. Trừ các trường hợp Tòa án có quyết định đình chỉ vụ án theo quy định tại các điểm b, c và e khoản 1 Điều 123, điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính thì người khởi kiện vẫn có quyền khởi kiện lại (khoản 1 Điều 144 Luật Tố tụng hành chính).
Trên đây là chia sẻ của AV Counsel liên quan đến điều kiện khởi kiện vụ án hành chính.
________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm