TRUY ĐUỔI CƯỚP MÀ DẪN ĐẾN TỬ VONG, AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?
Anh trai tôi bị 2 thanh niên dùng dao uy hiếp để cướp xe máy. Sau khi cướp được xe máy 2 thanh niên đã bỏ chạy, anh trai tôi đuổi theo trên đường và bị xe container tông trúng tử vong. Cho tôi hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của anh tôi? Được biết hai thanh niên này đang học lớp 12 tại một trường THPT trên địa bàn.
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trả lời:
1. Đối với hành vi cướp tài sản:
1.1. Cướp tài sản là gì?
Theo quy định tại Điều 168 BLHS năm 2015: "Cướp tài sản là hành vi dùng dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”.
1.2. Cấu thành của tội Cướp tài sản:
(1) Về chủ thể:
Theo quy định tại Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản; đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản nếu là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo Điều 168 BLHS năm 2015 thì tội cướp tài sản là tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, người từ đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.
(2) Về khách thể:
Khách thể của tội cướp tài sản bao gồm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.
- Quan hệ nhân thân: quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người.
- Quan hệ tài sản: là quyền sở hữu tài sản của Nhà Nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Quan hệ nhân thân phải bị xâm phạm trước, qua đó người phạm tội mới xâm phạm đến quan hệ tài sản.
(3) Mặt chủ quan:
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý và có mục đích chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, ý thức chiếm đoạt của người phạm tội phải có trước hành vi dùng dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự.
(4) Mặt khách quan:
Tội cướp tài sản có cấu thành về mặt hình thức, chỉ cần có các hành vi hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản thì đã hoàn thành tội phạm mà không cần hậu quả xảy ra (là có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Đối với trường hợp của bạn: 02 thanh niên trên đã đủ cấu thành tội cướp tài sản nêu trên, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (17 tuổi trở lên) và có hành vi dùng dao đe dọa, uy hiếp để nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe máy.
Đồng thời, do anh trai bạn truy đuổi 02 thanh niên trên dẫn đến anh trai bạn bị xe container gây tai nạn chết người thì có thể xem xét đây là hành vi vô ý gây tai nạn nhằm mục đích trốn chạy chứ không cố ý gây chết người thì có thể bị truy cứu theo tình tiết tăng nặng sau:
“Điều 168. Tội cướp tài sản
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
c) Làm chết người;”
Tuy nhiên, thông tin bạn chia sẻ không đầy đủ nên chúng tôi không thể kết luận được 02 thanh niên có hành vi vô ý dẫn đến tai nạn của anh trai bạn hay không.
2. Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Người có hành vi cướp tài sản mà xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị hại mà gây thiệt hại phải bồi thường.
Đối với phương tiện cơ giới, đây còn được xem là nguồn nguy hiểm cao độ theo Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 và phải bồi thường như sau
“Điều 601. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.”
Đối với trường hợp của bạn, xe container là nguồn nguy hiểm cao độ nên phải phát sinh trách nhiệm bồi thường kể cả khi không có lỗi. Việc anh trai bạn bị xe container tông không hoàn toàn là lỗi cố ý và cũng không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết.
Tuy nhiên, một phần lỗi là do 02 thanh niên cướp tài sản dẫn đến anh bạn bị truy đuổi thì 02 thanh niên này phải liên đới với chủ xe, người chiếm hữu, sử dụng xe container để chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho anh trai bạn.
Bên cạnh đó, còn phải xem xét về yếu tố lỗi của anh trai bạn có hay không việc vi phạm giao thông khi truy đuổi 02 thanh niên cướp giật tài sản trên để xác định mức bồi thường thiệt hại.
Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2017 và Điều 8 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP quy định các khoản bồi thường như sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết.
- Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Về chi tiết các khoản bồi thường, có thể tham khảo bài viết sau BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG KHI GÂY TAI NẠN GIAO THÔNG
Trên đây là nội dung TRUY ĐUỔI CƯỚP MÀ DẪN ĐẾN TỬ VONG, AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./
Xem thêm