TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HÓA, TIỀN TỆ QUA BIÊN GIỚI THEO QUY ĐỊNH CỦA BLHS HIỆN HÀNH

Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới được hiểu là hành vi đưa (mang) hàng hoá, tiền tệ từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái với quy định của Nhà nước. Sau đây AV Counsel sẽ chia sẻ cho Quý bạn đọc hiểu rõ hơn về cấu thành của tội này theo quy định pháp luật.

- Cơ sở pháp lý:

  • Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
  • Luật Biên giới quốc gia 2003;
  • Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016.

- Nội dung:

1. Quy định về Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới

Căn cứ Điều 189 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:

Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5.[118] Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này với hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng; hàng hóa trị giá dưới 200.000.000 đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e và g khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

2. Các yếu tố cấu thành tội phạm

a. Khách thể

Là trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước, cụ thể là trật tự quản lý ngoại thương, xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tiền tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật.

Đối tượng tác động của tội này là hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật. Để xác định được đối tượng tác động của tội này, trong trường hợp cần thiết cơ quan tố tụng phải tiến hành trưng cầu giám định để có kết luận chính thức của các cơ quan chuyên môn.

- Hàng hóa: là vật phẩm được làm ra trong quá trình sản xuất, có giá trị và được đem ra trao đổi trong thị trường.

- Tiền tệ: là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm để thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận, đồng thời là một chuẩn mực chung để có thể so sánh giá trị của các hàng hóa và dịch vụ. Tiền bao gồm tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng, ngân phiếu, trái phiếu, các loại thẻ tín dụng và giấy tờ khác có giá trị thanh toán do Ngân hàng nhà nước Việt Nam ban hành...

- Kim khí quý: là các loại kim khí thuộc loại quý hiếm dạng tự nhiên hoặc các phế phẩm làm từ kim khí quý theo danh mục do nhà nước Việt Nam ban hành như bạc, vàng, bạch kim...

- Đá quý: là các loại đá tự nhiên và các thành phẩm từ đá quý theo danh mục do nhà nước Việt Nam ban hành như kim cương, rubi, saphie, emerald và những đá quý tự nhiên khác có giá trị.

- Di vật, cổ vật: là những vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa đã tồn tại lâu đời là cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa do nhà nước quy định.

Căn cứ Khoản 5, 6 Luật Di sản văn hóa có định nghĩa:

5. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học.

6. Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên.

b. Mặt khách quan

Được biểu hiện qua các dấu hiệu sau:

- Hành vi: là hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, vận chuyển trái phép là hành vi đưa hàng hóa từ địa điểm này đến địa điểm khác không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền mà không nhằm mục đích bán, thu lợi. Đực thể hiện bằng những thủ đoạn rất đa dạng:

+ Thông đồng với Hải quan cửa khẩu để vận chuyển hàng không đúng với giấy phép.

+ Lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý của Nhà nước cũng như sai sót của cán bộ các ngành đã móc ngoặc ngay trong việc xin cấp giấy phép để thuận lợi trong quá trình vận chuyển hàng hóa.

+ Nhập hàng hóa bằng hình thức lợi dụng hoạt động tạm nhập, tái xuất. Nhưng khi hàng đã nhập về rồi thì không xuất mà vận chuyển vào trong nước.

+ Lợi dụng hành lý xách tay để vận chuyển hàng hóa, tiền tệ với số lượng vượt quá mức cho phép mà không khai báo với cơ quan hải quan.

Thông thường đối tượng phạm tội là những người được thuê, nhờ vận chuyển do vậy có những trường hợp bản thân người thực hiện cũng không biết được hàng hóa mình vận chuyển là gì, song họ biết được việc họ vận chuyển qua biên giới là trái phép...

Tuy nhiên thủ đoạn phạm tội không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm, có thể là chứng cứ định khung hình phạt.

- Yếu tố bắt buộc là địa điểm thực hiện tội phạm. Địa điểm thực hiện tội phạm là biên giới hoặc khu vực phi thuế quan.

+ Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. (Điều 1 Luật Biên giới quốc gia)

+ Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu. (Khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu)

- Hậu quả: là những thiệt hại về vật chất. Tuy nhiên hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.

+ Đối với hàng hóa, tiền tệ Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý: Người phạm tội thực hiện hành vi mua bán tiền, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới hoặc một trong các hành vi quy định tại các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Đối với di vật, cổ vật: Chỉ cần người phạm tội thực hiện hành vi buôn bán một trong số bất kỳ di vật, cổ vật nào thuộc danh mục quy định của Nhà nước, không phụ thuộc vào giá trị vật phẩm bao nhiêu thì tội phạm hoàn thành.

Tội vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới là tội phạm có cấu thành hình thức, tội phạm hoàn thành từ thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi buôn lậu hàng hóa, tiền tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật qua biên giới hoặc khu vực phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại.

c. Chủ thể

Là cá nhân, người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.

Đối với pháp nhân thương mại phải thỏa mãn điều kiện chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 75 Bộ luật hình sự

"Điều 75. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại

1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;

b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;

c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;

d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.

2. Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.

d. Mặt chủ quan

Người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi vận chuyển trái phép qua biên giới và mong muốn hậu quả xảy ra. Không có hành vi vận chuyển nào thực hiện do cố ý gián tiếp.

Mục đích của người phạm tội là thu lợi từ hoạt động vận chuyển trái phép đó.

Trên đây là nội dung chia sẻ của AV Counsel liên quan đến "Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới" kính mời quý bạn đọc tham khảo, góp ý.

________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Tin tức liên quan

PHÂN BIỆT TỐ CÁO VÀ TỐ GIÁC
PHÂN BIỆT TỐ CÁO VÀ TỐ GIÁC

162 Lượt xem

CÓ ĐƯỢC CÁCH LY BỊ CÁO VỚI NHAU KHI TIẾN HÀNH HỎI TẠI PHIÊN TÒA TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ HAY KHÔNG?
CÓ ĐƯỢC CÁCH LY BỊ CÁO VỚI NHAU KHI TIẾN HÀNH HỎI TẠI PHIÊN TÒA TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ HAY KHÔNG?

147 Lượt xem

QUY ĐỊNH VỀ TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ HIỆN HÀNH
QUY ĐỊNH VỀ TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ HIỆN HÀNH

142 Lượt xem

SAU KHI NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VÀO VIỆT NAM, KHÔNG TIẾN HÀNH SẢN XUẤT MÀ CHUYỂN SANG TIÊU DÙNG NÔI ĐỊA THÌ PHẠM TỘI GÌ?
SAU KHI NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VÀO VIỆT NAM, KHÔNG TIẾN HÀNH SẢN XUẤT MÀ CHUYỂN SANG TIÊU DÙNG NÔI ĐỊA THÌ PHẠM TỘI GÌ?

147 Lượt xem

CẤU THÀNH TỘI PHẠM CỦA TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ
CẤU THÀNH TỘI PHẠM CỦA TỘI CHO VAY LÃI NẶNG TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ

89 Lượt xem

DI LÍ LÀ GÌ?
DI LÍ LÀ GÌ?

476 Lượt xem

TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?
TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?

269 Lượt xem

PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG 2017
PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG 2017

137 Lượt xem

TỘI KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM ĐẾN TÍNH MẠNG
TỘI KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI ĐANG Ở TRONG TÌNH TRẠNG NGUY HIỂM ĐẾN TÍNH MẠNG

16 Lượt xem

TỘI BUÔN LẬU THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG 2017
TỘI BUÔN LẬU THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG 2017

275 Lượt xem

TỘI LỪA DỐI KHÁCH HÀNG THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015
TỘI LỪA DỐI KHÁCH HÀNG THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

219 Lượt xem

PHÂN LOẠI TỘI PHẠM VÀ CÁCH PHÂN LOẠI TỘI PHẠM TRONG TỪNG TỘI PHẠM CỤ THỂ
PHÂN LOẠI TỘI PHẠM VÀ CÁCH PHÂN LOẠI TỘI PHẠM TRONG TỪNG TỘI PHẠM CỤ THỂ

209 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng