THẾ NÀO LÀ SỰ KIỆN BẤT NGỜ TRONG PHÁP LUẬT HÌNH SỰ?
Sự kiện bất ngờ được xem là một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự. Vậy Sự kiện bất ngờ là gì? Mời quý đọc giả cùng tìm hiểu với AV Counsel trong bài viết này.
- Căn cứ pháp lý: Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015).
- Nội dung:
Căn cứ Điều 20 BLHS quy định:
“Điều 20. Sự kiện bất ngờ
Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Trong Bộ luận hình sự năm 1999, quy định về sự kiện bất ngờ được xếp chung với nhóm quy định về lỗi. Bởi lẽ, đây là trường hợp được coi là không có lỗi. Còn trong Bộ luật hình sự năm 2015, thiết kế một Chương riêng về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, quy định về sự kiện bất ngờ được xếp vào Chương này cũng với các trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự khác.
1. Sự kiện bất ngờ là gì?
Sự kiện bất ngờ (nói đầy đủ phải là gây thiệt hại trong trường hợp có sự kiện bất ngờ) là: Một người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó.
Gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ có những đặc điểm rất giống với một tội phạm cụ thể về mặt khách quan như có hành vi và có gây thiệt hại cho nhà nước, cá nhân, tổ chức nào đó. Cũng có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.
Điểm khác biệt quan trọng nhất và cũng là do đặc điểm này mà một người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự đó là người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong sự bất ngờ không có lỗi (không cố ý và cũng không vô ý). Bởi lẽ họ không có tự do để lựa chọn cách xử sự (hành vi) của mình.
Để được coi là gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ và sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự phải thỏa mãn các điều kiện rất chặt chẽ. Theo khả năng và hoàn cảnh cụ thể người đó không thấy trước vì họ không thể thấy trước được hậu quả xảy ra; người đó không có nghĩa vụ (không buộc) phải thấy trước: Ví dụ: A đang lái xe trên đường cao tốc, bất ngờ từ trong bụi cây có người lao đầu vào xe của A chết, Trường hợp này A có hành vi gây ra thiệt hại (cái chết của nạn nhân) nhưng rõ ràng A không thể thấy trước được sẽ có một người lao đầu vào xe của mình và do đó, A không buộc phải thấy trước điều đó. A không có lỗi (không cố ý và cũng không vô ý). A không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gây thiệt hại này.
Như vậy, không thấy trước vì không thể thấy trước quan hệ biện chứng với không buộc phải biết. Không thể thấy trước nên không buộc phải thấy trước và không buộc phải thấy trước vì họ không thể thấy trước.
2. Xác định sự kiện bất ngờ
Để xác định không thể thấy trước cần đặt vụ việc trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể, nhân thân của từng người cụ thể. Ví dụ: Trong đêm tối người bị cận thị nặng thì họ lại không thể thấy trước.
Để xác định không buộc phải thấy trước phải dựa vào nghĩa vụ buộc phải thấy trước của những người cụ thể và trong điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Nghĩa vụ phải thấy trước, có thể là nghĩa vụ của bất kỳ công dân nào. Ví dụ: khi ném vật cứng từ tầng cao của một ngôi nhà thì bất kỳ ai cũng phải quan sát. Nghĩa vụ buộc phải thấy trước còn thể hiện trong các quy tắc hành chính, quy tắc nghề nghiệp ở dưới dạng văn bản như điều lệ, nội quy, quy chế, văn bản pháp luật.
Luật hình sự Việt Nam thừa nhận nguyên tắc trách nhiệm hình sự trên cơ sở lỗi. Người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ được cho là không có lỗi nên họ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ, lỗi xuất phát từ tự do lựa chọn cách xử sự của con người. Nhưng người gây thiệt hại trong trường hợp sự kiện bất ngờ do có sự kiện bất ngờ nên họ không có tự do khi lựa chọn hành vi hay nói cách khác họ không được lựa chọn hành vi nên họ không có lỗi.
Sự kiện bất ngờ rất giống với lỗi vô ý do cầu thả ở chỗ, khi thực hiện hành vi cả hai trường hợp đều không thấy trước hậu quả. Nhưng trong lỗi vô ý do cẩu thả, người phạm tội có thể biết và buộc phải biết hậu quả xảy ra, còn trong trường hợp gây thiệt hại trong sự kiện bất ngờ, người này không thể biết và không buộc phải biết hậu quả xảy ra.
_____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm