CÁC TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ QUY ĐỊNH TẠI BỘ LUẬT HÌNH SỰ (PHẦN 1)
Tình tiết giảm nhẹ là một trong những tình tiết ảnh hưởng đến mức độ trách nhiệm hình sự. Trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự cần xác định đúng đắn các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự làm cơ sở cho Tòa án cá thể hóa hình phạt, tuyên bản án tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, phù hợp với nhân thân cũng như hoàn cảnh phạm tội của người phạm tội. Sau đây, AV Counsel chia sẻ cho Quý bạn đọc về các tình tiết giảm nhẹ (phần 1) được quy định trong pháp luật hình sự.
- Cơ sở pháp lý: Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
- Nội dung:
Điều 51 Bộ luật hình sự quy định hai điều khoản về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, theo đó các tình tiết được quy định tại khoản 1 có mức độ giảm nhẹ nhiều hơn so với khoản 2. Căn cứ Điều 54 Bộ luật hình sự về Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
“1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
...
3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.”
Bài viết này AV Counsel chia sẻ về các tình tiết giảm nhẹ tại Khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.
a. Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm (Điểm a)
Ngăn chặn tác hại của tội phạm là khi tội phạm đã được thực hiện và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động của khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để ngăn chặn không cho tác hại của tội phạm xảy ra.Làm giảm bớt tác hại của tội phạm là khi tội phạm đã được thực hiện, tác hại của tội phạm đang xảy ra và người phạm tội tự mình hoặc có sự tác động khách quan nên đã bằng những khả năng có thể để không cho tác hại của tội phạm xảy ra lớn hơn.
b. Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả (Điểm b)
Đây là trường hợp tội phạm đã gây ra thiệt hại, gây ra hậu quả. Để được hưởng tình tiết này, người phạm tội phải tự nguyện (không do ép buộc, cưỡng chế) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Cũng được coi là tự nguyện nếu do người khác tác động (khuyên bảo) hay theo yêu cầu của người bị thiệt hại mà người phạm tội sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
“Sửa chữa” là chữa lại những cái bị hư hỏng, ‘Bồi thường” là đền bù lại những thiệt hại mà mình gây nên cho người khác, “Khắc phục hậu quả” là khắc phục những thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp do hành vi phạm tội gây nên mà những thiệt hại này không thể bồi thường hay sửa chữa được.
c. Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điểm c)
Căn cứ Điều 22 Bộ luật hình sự quy định:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Theo hướng dẫn tại mục II Nghị quyết 02-HĐTP-TANDTC/QĐ ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ Luật Hình sự (BLHS 1986) (Mặc dù Nghị quyết 02-HĐTP-TANDTC/QĐ nêu trên là văn bản hướng dẫn Bộ Luật Hình sự năm 1985 nhưng cho đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào khác có nội dung hướng dẫn mới về quy định này. Về mặt lý luận, các hướng dẫn nêu trên vẫn phù hợp, do đó, chúng ta có thể vận dụng hướng dẫn này để nghiên cứu, giải quyết cho đến khi có hướng dẫn mới của Tòa án nhân dân tối cao) thì hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau:
- Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
- Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
- Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại
d. Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết (Điểm d)
Theo khoản 1 Điều 23 Bộ luật hình sự về Tình thế cấp thiết quy định:
“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.
2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Tình thế cấp thiết đòi hỏi phải có các dấu hiệu sau:
- Phải có sự nguy hiểm thực tế đang gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nhất định cho những lợi ích được pháp luật bảo vệ. Sự nguy hiểm đó có thể bắt nguồn từ người, con vật, từ sức mạnh tự nhiên, từ những sự cố kỹ thuật…
- Việc gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm vì trong tình thế đó không còn cách nào khác.
- Thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
đ. Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội (Điểm đ)
Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được hiểu là người có quyền bắt giữ người phạm tội đã thực hiện hành vi vượt quá giới hạn (theo quy định của pháp luật hoặc theo tình huống bắt tội phạm thực tế) đủ để có thể bắt giữ người phạm tội.
Để đánh giá hành vi bắt giữ người có vượt quá mức cần thiết hay không cần căn cứ vào các yếu tố sau đây:
- Tính chất, mức độ nguy hiểm của người phạm tội tại thời điểm bị bắt giữ.
- Biện pháp bắt giữ, việc sử dụng vũ lực, vũ khí và phương tiện để bắt giữ, cũng như thiệt hại, hậu quả đã xảy ra.
e. Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra (Điểm e)
Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ cả các điều kiện sau:
- Phải có hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
- Hành vi trái pháp luật đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người phạm tội hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thân của người phạm tội;
- Hành vi trái pháp luật của nạn nhân phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần.
g. Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra (Điểm g)
Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra được hiểu là trường hợp bản thân người phạm tội đang gặp phải khó khăn đặc biệt về vật chất hoặc tinh thần và những khó khăn này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc người đó thực hiện hành vi phạm tội để khắc phục hoàn cảnh khó khăn. Chỉ áp dụng tình tiết này khi có đầy đủ hai điều kiện:
- Phải do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà phạm tội; và
- Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không phải do người phạm tội tự gây ra.
h. Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn (Điểm h)
“Chưa gây thiệt hại” là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội.
“Gây thiệt hại không lớn” là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại xảy ra nhỏ hơn thiệt hại mà người phạm tội mong muốn và ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội.
i. Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (Điểm i)
Phạm tội lần đầu là từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Phạm tội gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù;
- Phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng người phạm tội có vị trí, vai trò thứ yếu, không đáng kể trong vụ án có đồng phạm.
k. Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức (Điểm k)
“Bị người khác đe doạ” là bị người khác dọa trừng phạt nếu làm trái ý họ, tạo cho người phạm tội nỗi lo sợ về một tai hoạ có thể xảy ra và để tránh tai hoạ đó người phạm tội đã phải thực hiện tội phạm.
“Bị người khác cưỡng bức” là bị người khác dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác buộc người phạm tội đã phải thực hiện tội phạm.
l. Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra (Điểm l)
“Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra” là trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội không đủ tỉnh táo để nhận biết một cách đầy đủ mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Sự hạn chế khả năng nhận thức của người phạm tội là do yếu tố khách quan tác động, chứ không phải do bản thân người phạm tội gây ra.
Cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này nếu người phạm tội bị cưỡng ép hoặc lừa gạt sử
dụng rượu hoặc các chất kích thích mạnh khác dẫn đến hạn chế khả năng nhận thức.
m. Phạm tội do lạc hậu (Điểm m)
“Phạm tội do lạc hậu” là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội thiếu hiểu biết pháp luật hoặc hành động theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng, thói quen cổ hủ, lạc hậu mà không biết là mình phạm tội (mặc dù pháp luật quy định buộc phải biết). Nguyên nhân dẫn đến trình độ lạc hậu có thể do không có điều kiện để học tập, tiếp cận, cập nhật thông tin hoặc do tín ngưỡng, tôn giáo, môi trường sống lạc hậu.
n. Người phạm tội là phụ nữ có thai (Điểm n)
Cần nhận định rõ rằng không phân biệt người phạm tội là phụ nữcó thai tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định này cũng thể hiện tính nhân văn của pháp luật Việt Nam, nhằm hướng đến bảo vệ bào thai, đứa bé trong bụng người phụ nữ. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thời kỳ mang thai, ảnh hưởng của tình trạng thai nhi đến việc thực hiện tội phạm của bị cáo.
o. Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên (Điểm o)
“Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” là trường hợp khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội đã đủ 70 tuổi trở lên. Người từ đủ 70 tuổi trở lên là người cao tuổi theo pháp luật Việt Nam. Trường hợp tại thời điểm phạm tội, người phạm tội chưa đủ 70 tuổi, nhưng trong quá trình điều tra hoặc truy tố hoặc xét xử, nếu người phạm tội đủ 70 tuổi thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này.
p. Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng (Điểm p)
Chỉ những người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.
“Người khuyết tật” là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.
“Người khuyết tật nặng” là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày. Người khuyết tật nặng là những người do khuyết
“Người khuyết tật đặc biệt nặng” là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày.
Bộ luật hình sự không quy định người phạm tội phải bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này nên người phạm tội được xem xét, áp dụng tình tiết này trong suốt quá trình tố tụng: Điều tra, truy tố, xét xử. Quy định này thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Nhà nước đối với người yếu thế là người bị khuyết tật. Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào mức độ khuyết tật của người phạm tội.
q. Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (Điểm q)
Phải là người có bệnh, tức là có bệnh lý nào đó theo quy định trong y sinh học. Bệnh đó là nguyên nhân làm hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của người phạm tội (trong trường hợp chưa có đủ căn cứ để kết luận thì phải có kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định).
r. Người phạm tội tự thú (Điểm r)
“Tự thú” là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.
s. Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải (Điểm s)
Tình tiết “Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được hiểu là trường hợp người phạm tội thành khẩn khai nhận về hành vi phạm tội, ăn năn hối lỗi về việc mình đã gây ra; tình tiết “thành khẩn khai báo”, “ăn năn hối cải” không phải là hai tình tiết độc lập. Do đó, nếu người phạm tội vừa thành khẩn khai báo, vừa ăn nắn hối cải thì chỉ được coi là một tình tiết giảm nhẹ
t. Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án (Điểm t)
“Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án” được hiểu là trường hợp người phạm tội có những hành vi, lời khai thể hiện sự hợp tác tích cực với cơ quan có trách nhiệm trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ vụ án, giúp các cơ quan này phát hiện thêm tội phạm mới hoặc đồng phạm mới. Tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện và điều tra tội phạm thường được thể hiện bằng việc cung cấp những thông tin, tài liệu, bằng chứng có ý nghĩa thiết thực cho việc phát hiện và điều tra tội phạm; chỉ nơi cất giấu tang vật, nơi người phạm tội khác đang trốn tránh; cung cấp thông tin về tội phạm khác, người phạm tội khác không liên quan đến mình…
u. Người phạm tội đã lập công chuộc tội (Điểm u)
“Đã lập công chuộc tội” là trường hợp sau khi thực hiện tội phạm cho đến khi bị xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm), người phạm tội không những ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm do họ thực hiện, mà họ còn có những hành động giúp đỡ các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, ngăn chặn các tội phạm khác, tham gia phát hiện tội phạm, bắt kẻ phạm tội, có hành động thể hiện sự quên mình vì lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích chính đáng của người khác… được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.
v. Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác (điểm v)
“Người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác” là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế, phát minh có giá trị hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…. Cơ sở giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của trường hợp này xuất phát từ đòi hỏi công bằng thông qua việc cân nhắc hợp lý giữa công và tội, đồng thời tính tới khả năng cải hóa người phạm tội.
Mức độ giảm nhẹ phụ thuộc vào thành tích; hình thức khen thưởng; giá trị của sáng chế, phát minh; danh hiệu thi đua được công nhận; số lần được khen thưởng...
x. Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ (điểm x)
Người có công với cách mạng gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.
Trên đây là một số nội dung chia sẻ của AV Counsel liên quan đến các tình tiết giảm nhẹ quy định tại Bộ luật hình sự (Phần 1).
_____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm