TỘI GIẾT NGƯỜI ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

Giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật Hành vi giết người là một hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm trực tiếp đến tính mạng người khác bị xã hội kịch liệt lên án. Sau đây hãy cùng AV Counsel tìm hiểu về loại tội phạm này trong bài phân tích dưới đây nhé.

- Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015);

- Nội dung:

Căn cứ Điều 123 BLHS 2015 quy định:

"Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm."

1. Các yếu tố cấu thành tội giết người

1.1. Khách thể:

Khách thể của tội giết người là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Con người sống trong xã hội có quyền tự nhiên là quyền sống đòi hỏi các chủ thể khác phải tôn trọng.

Đối tượng của tội giết người là thân thể con người đang sống mà hành vi phạm tội tác động vào để xâm phạm đến quyền sống của họ. Thời điểm được coi là sống của một người tính từ khi người đó được sinh ra, độc lập với cơ thể mẹ và chấm dứt khi có cái chết về mặt sinh học (Lưu ý: Chết khi bị tuyên bố chết theo quy định của Luật dân sự không có nghĩa là họ chết sinh học theo dấu hiệu của tội giết người).

Như vậy thai nhi còn trong cơ thể người mẹ và tử thi đã chết không phải là đối tượng của tội giết người cũng như các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm nói chung. Tác động vào đối tượng thai nhi như phá thai, hay tử thi như đâm chém tử thi không phải là giết người trừ trường hợp người phạm tội sai lầm về đối tượng thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (tưởng nạn nhân chưa chết nên bắn nhưng thực ra người đó đã chết).

1.2. Mặt khách quan:

Mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau đây:

Có hành vi làm chết người khác. Được thể hiện qua hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm làm cho người khác chấm dứt cuộc sống.

Tuy nhiên cần phân biệt:

- Nếu làm chết chính bản thân mình thì bị coi là tự tử hoặc tự sát chứ không cấu thành tội này.

- Nếu vì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà làm chết người khác thì cấu thành tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

- Hành vi làm chết người được thực hiện thông qua các hình thức sau:

+ Hành động: Thể hiện qua việc người phạm tội đã chủ động thực hiện các hành vi mà pháp luật không cho phép như: dùng dao đâm, dùng súng bắn, dùng cây đánh... tác động vào thân thể nạn nhân nhằm tước bỏ tính mạng người đó.

+ Không hành động: Thể hiện qua việc người phạm tội đã không thực hiện nghĩa vụ phải làm (phải hành động) để đảm bảo sự an toàn tính mạng của người khác... nhằm giết người khác. Thông thường tội phạm được thực hiện trong trường hợp (bằng cách) lợi dụng nghề nghiệp.

- Có hoặc không sử dụng vũ khí, hung khí khác, cụ thể là:

+ Không sử dụng vũ khí hoặc hung khí: Trường hợp này người phạm tội chủ yếu sử dụng sức mạnh cơ thể của mình tác động lên cơ thể của nạn nhân hoặc đây nạn nhân vào điều kiện không thể sống được như đâm, đá, bóp cổ... hoặc dùng các thủ đoạn khác như đẩy xuống sông ..

+ Có sử dụng vũ khí, hung khí hoặc các tác nhân gây chết người khác. Trường hợp này người phạm tội có sử dụng các công cụ phạm tội như: Súng, lựu đạn, bom, mìn, dao, búa, gậy gộc,... hoặc các tác nhân gây chết khác như thuốc độc, điện ...

- Hành vi giết người được thể hiện dưới hình thức dùng vũ lực hoặc không dùng vũ lực, cụ thể là:

+ Dùng vũ lực: Được hiểu là trường hợp người phạm tội đã sử dụng sức mạnh vật chất (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội) tác động lên thân thể nạn nhân.

Việc dùng vũ lực có thể được thể hiện bằng các hình thức sau: Thực hiện trực tiếp như dùng tay, chân để đánh đá, bóp cổ, ... Thực hiện gián tiếp thông qua phương tiện vật chất (có công cụ, phương tiện phạm tội) như: Dùng dao để đâm, chém, dùng súng bắn...

+ Không dùng vũ lực: Nghĩa là dùng các thủ đoạn khác mà không sử dụng sức mạnh vật chất để tác động lên cơ thể nạn nhân như: Dùng thuốc độc để đầu độc nạn nhân, gài bẫy điện để nhân vướng vào...

- Về hậu quả: Các hành vi nêu trên thông thường gây hậu quả trực tiếp là làm người khác chết (tức là chấm dứt sự sống của người khác). Tuy nhiên chỉ cần hành vi mà người phạm tội đã thực hiện có mục đích làm chấm dứt sự sống của người khác (hay làm cho người khác chết) thì được coi là cấu thành tội giết người cho dù hậu quả chết người có xảy ra hay không. Tuy nhiên một số trường hợp việc dùng vũ lực không gây ra hậu quả trực tiếp làm nạn nhân chết mà chỉ có tác dụng đẩy nạn nhân vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và tử vong (như xô nạn nhân xuống sông và bỏ mặc cho đến chết hoặc đạp nạn nhân ra ngoài đường đang có nhiều xe ô tô chạy dẫn đến bị xe cán chết...) vẫn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người nếu chứng minh được người thực hiện hành vi đó có mục đích giết người. Đây có thể xem là hậu quả gián tiếp.

Thông thường đối với trường hợp giết người với lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả đến đâu xử lý đến đó (nếu có hậu quả chết người thì xử ý tội giết người, nếu nạn nhân không chết thì xử lý tội cố ý gây thương tích).

Mặt khách quan của tội giết người còn đòi hỏi mối quan hệ nhân quả giữa hành vi giết người và hậu quả xảy ra. Thể hiện: hành vi giết người luôn có trước hậu quả chết người (không có trường hợp ngược lại hậu quả chết người rồi mới thực hiện hành vi. Ví dụ: đâm, chém tử thi mà biết rõ người đó đã chết). Hành vi phải chứa đựng khả năng gây ra hậu quả chết người. Ví dụ: A dí súng vào đầu B bóp cò. Hành vi đó chứa đựng khả năng gây chết người và như vậy hành vi bắn của A và cái chết của B có quan hệ nhân quả. Ngược lại A đấm B một cái vào mặt, mọi người chở B đi trạm y tế , trên đường đi xe chở B bị xe ô tô tải đâm vào B tử vong. Pháp y kết luận nạn nhân tử vong giao thông. Mặc dù A có hành vi đấm và hậu quả chết người đã xảy ra nhưng A không phạm giết người vì hành vi của A không có quan hệ nhân quả với cái chết của B, B chết do bị xe tải đâm. Nói cách khác hành vi đấm của A không chứa đựng khả năng gây ra chết người. Hậu quả chết người phải là kết quả của hành vi giết người chứ không phải kết quả của của những nguyên khác. Ví dụ: A chém B vào ngón tay, B đi làm đồng để nhiễm trùng uốn ván, B chết. Như vậy hậu quả chết người ở đây là do vi trùng uốn ván chứ không phải do phát chém của A.

1.1.3. Mặt chủ quan:

Người phạm tội đã thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý (được thể hiện bằng lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp).

Giết người với lỗi cố ý trực tiếp là trường hợp một người nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức hậu quả chết người sẽ xảy ra và mong muốn cho hậu quả chết người xảy ra, tuy không mong muốn nhưng bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: Trong khi xảy ra xô xát tại quán bia, A dùng dao đâm bừa về phía B và đồng bọn, nhát dao nhằm ngực bên trái của B mà đâm hậu quả làm B chết. A đã nhận thức hành vi dùng dao đâm vào ngực trái B là nguy hiểm đến tính mạng của B, nhận thức được hậu quả B chết sẽ xảy ra vì hành vi đó thể hiện ý thức mong muốn cho B chết.

Giết người với lỗi cố ý gián tiếp là trường hợp một người nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, nhận thức được hậu quả chết người có thể xảy ra, tuy không mong cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: trong khi xảy ra xô xát tại quán bia, A dùng dao đâm bừa về phía B đồng bọn, nhát dao trúng tim B chết. Đây là trường hợp bỏ mặc cho hậu quả xảy ra khác với trường hợp A nhằm ngực B để đâm (lỗi cố ý trực tiếp).

Mặc dù lỗi không phải là dấu hiệu cấu thành bắt buộc nhưng trong một số trường hợp vẫn được xem xét như một dấu hiệu bắt buộc của mặt chủ quan để làm căn cứ phân biệt với một trường hợp sau: - Gây thương tích dẫn đến giết người. Trong trường hợp này người phạm tội không có mục đích giết người.

- Nạn nhân bị tấn công bằng các hóa chất có độc tính mạnh (như axit, thuốc chuột) hoặc bằng các hung khí nguy hiểm (như dao nhọn, lưỡi lê...) vào các vị trí hiểm yếu trên cơ thể nhưng thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe (không chết) hoặc không bị thương tích, trường hợp này xác định mục đích tấn công là gì, nếu có mục đích nhằm giết người khác thì phải bị truy cứu nhiệm hình sự về tội giết người nhưng thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Tuy nhiên nếu khi có mục đích giết người thì họ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích (nếu có).

- Nạn nhân bị vướng bẫy điện dẫn đến tử vong. Trường hợp này cần phân biệt là nếu bẫy điện với mục đích để chống trộm (tức đối tượng bị tác động được nhắm tới là con nguời) thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người với lỗi cố ý trực tiếp; nếu dùng bẫy điện với mục đích là để diệt chuột (không có biển báo nguy hiểm) vẫn phải chịu trách nhiệm về tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp nếu nạn nhân chết. Nếu nạn nhân không chết chỉ bị thương tích thì xử lý tội Cố ý gây thương tích. Nếu nạn nhân không bị thiệt hại gì thì không phạm tội.

Lưu ý: Lỗi là trạng thái tâm lý thể hiện thái độ đánh giá của người phạm tội đối với hành vi của mình và hậu quả do mình gây ra diễn ra trong đầu người phạm tội. Do đó, để xác định lỗi nói chung và lỗi cố ý trong tội giết người cần dựa vào tổng hợp các yếu tố đặc biệt là sự thể hiện của dấu hiệu khách quan như sức mãnh liệt của hành vi tấn công, hung khí, công cụ phạm tội, vị trí tấn công... Ví dụ: ông A có vườn cây ăn quả, các em học sinh đục một cái lỗ lớn ở tường bao chui vào để lấy trộm quả. Ông A rình thấy nhiều lần như vậy nên đã đặt dây điện trần sau đó đấu điện vào để chống trộm. Hậu quả là 1 em học sinh tử vong khi chạm vào dây điện khi chui vào vườn. Phân tích toàn diện các tình tiết của vụ án và dựa vào lý thuyết về lỗi xác định đây là trường hợp giết người với lỗi cố ý trực tiếp (mong muốn cho hậu quả xảy ra).

1.1.4. Chủ thể:

Chủ thể này bất kỳ là người nào từ 14 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội giết người là chủ thể thường, nghĩa là những người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của tội giết người.

Theo quy định của Bộ luật hình sự, thì người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

Từ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Phân biệt tội giết người và Tội cố ý gây thương tích

- Phân biệt giữa tội giết người ở giai đoạn phạm tội chưa đạt (hậu quả chết người chưa xảy ra nằm ngoài ý muốn của người phạm tội) với tội cố ý gây thương tích cho người khác nhưng dẫn đến hậu quả chết người. Hai trường hợp phạm tội này có điểm giống nhau là cùng gây thương tích cho người khác. Điểm khác nhau cơ bản là trong trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác là người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả gây thương tích xảy ra. Còn trường hợp phạm tội giết người chưa đạt là người phạm tội mong muốn hậu quả chết người xảy ra, hậu quả chết người không xảy ra là ngoài ý muốn của họ.

Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 có phân biệt trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà vẫn có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra muốn sao cũng được, nếu hậu quả là gây thương tích thì định tội cố ý gây thương tích, nếu hậu quả là chết người thì người phạm tội phạm vào tội giết người.

- Phân biệt giữa tội giết người đã hoàn thành (hậu quả chết người đã xảy ra) với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại của người khác dẫn đến chết người. Hai trường hợp trên có điểm giống nhau là cùng gây ra hậu quả chết người. Điểm khác nhau giữa chúng là đối với hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, người phạm tội chỉ mong muốn hậu quả thương tích xảy ra chứ không mong muốn làm chết người và cũng không có ý thức bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra. Còn đối với tội giết người, người phạm tội biết rõ hành vi của mình là tước đoạt mạng sống của người khác một cách trái pháp luật và hậu quả chết người xảy ra. Điểm khác nhau về ý thức chủ quan nêu trên được xác định qua các tình tiết biểu hiện ra bên ngoài như phương pháp, phương tiện thực hiện tội phạm, vị trí tác động, trình độ nhận thức, tính cách, mối quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại..

Thực tiễn, phải định tội giết người nếu trong khi hành động, người phạm tội có những hành động cố ý, và hành động có khả năng làm chết người như dùng vật nhọn, sắc, cứng, chém đâm, đánh mạnh vào những chỗ hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân như đâu, ngực, bụng, … hoặc cố ý hoặc đánh cho nạn nhân thương tích nặng để rồi sau đó bệnh chết.

- Hành vi phá thai không gọi là giết người. Nếu giết phụ nữ biết là có thai thì không phải là giết nhiều người mà là tình tiết định khung tăng nặng.

- Người bị giết trước khi đó không phải là con người tự nhiên, sinh học, còn sống. Nếu giết người đã chết hoặc người máy thì hành vi đó không phải là hành vi phạm tội giết người, vì tội giết người là tội xâm phạm đến tính mạng của con người. Tuy nhiên, nếu tưởng nhầm xác chết là người đang còn sống (người phạm tội sai lầm về đối tượng mà có hành vi phạm tội giết người thì vẫn coi là phạm tội, trong trường hợp nạn nhân dù sắp chết mà có hành vi giết họ thì cũng coi là phạm tội giết người).

3. Các trường hợp giết người bị xử lý theo Khoản 1 Điều 123

Khoản 1 Điều 123 quy định: Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, từ chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên: Tình tiết giết từ hai người trở lên trong áp dụng trong các trường hợp sau đây: hai người trở lên đều chết; giết hai người trở lên nhưng có người chết có người không chết hoặc chỉ có một người chết; giết từ hai người trở lên nhưng không ai chết (trường hợp này xử lý tội giết người ở giai đoạn chưa đạt nhưng vẫn áp dụng tình tiết giết hai người trở lên);

b) Giết người dưới 16 tuổi: Nạn nhân là người chưa đủ 16 tuổi. Tình tiết tăng nặng này áp dụng cả với trường hợp người phạm tội biết và không biết đó là trẻ em;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai: Tình tiết này áp dụng với trường hợp nạn nhân là phụ nữ có thai bất kể thai nhi ở tháng thứ mấy. Điều quan trọng là tình tiết này chỉ áp dụng khi người phạm tội biết rõ nạn nhân là phụ nữ có thai mà vẫn giết. Nếu người phạm tội không biết là phụ nữ có thai thì không áp dụng tình tiết này. Ngoài ra, tính chất nguy hiểm của tình tiết giết phụ nữ có thai còn bao gồm cả trường hợp người phạm tội tưởng là phụ nữ có thai nhưng thực ra nạn nhân không có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân: Tình tiết này giống dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ. Do đó, nếu người phạm tội giết người đang công vụ thì không xử lý thêm tội chống người thi hành công vụ mà xử lý tội giết người với tình tiết giết người đang thi hành công vụ. Người thi hành công vụ được hiểu theo nghĩa rộng là những người thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích công cộng bao gồm cán bộ công chức, viên chức và những người khác đang thực hiện nhiệm vụ vì lợi ích công cộng như bảo vệ hợp đồng của các cơ quan, tổ chức, nhà báo, bác sĩ bệnh viện, bảo vệ dân phố... kể cả người dân đuổi bắt tội phạm. Nạn nhân thuộc tình tiết tăng nặng này phải đang thi hành công vụ chứ không phải là người có công vụ nhưng không phải trong thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, Điểm d Khoản 1 Điều 12 còn quy định tình tiết tăng nặng thứ hai là vì lý do công vụ của nạn nhân. Đây là trường hợp nạn nhân thi hành công vụ có liên quan đến nhu cầu, lợi ích của người phạm tội và vì không được giải quyết thỏa mãn nhu cầu lợi ích đó mà người phạm tội giết nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; Ông bà bao gồm: ông bà nội, ông bà ngoại, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, thầy cô giáo đã dạy và đang dạy người phạm tội (không phải người làm nghề giáo viên nói chung);

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đây là trường hợp tội giết người thu hút một số tội khác vào để làm tình tiết tăng nặng cho mình. Trường hợp này là dạng của phạm nhiều tội trong đó có tội là tội giết người;

Thứ nhất, ngay trước khi giết người, người phạm tội đã phạm một tội (bất kỳ) nhưng phải thuộc loại tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trong theo cách phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Người phạm tội hiếp dâm trẻ em sau đó giết nạn nhân. Thứ hai, ngay sau khi giết người, người phạm tội lại thực hiện một tội khác (bất kỳ) nhưng phải thuộc loại tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trong theo cách phân loại tội phạm tại Điều 9 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Giết người xong cướp tài sản.

Lưu ý trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về 2 tội: tội giết người theo Điểm e Khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự và tội phạm khác sau tội giết người được thực hiện liền trước hay liền sau tội giết người.

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác: Đây là trường hợp người phạm tội đã phạm 1 tội bất kỳ tội gì và loại tội gì không phân biệt ít nghiêm trọng, nghiêm trọng rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng và tội giết người. Trong đó tội giết người là để che giấu tội phạm khác đã thực hiện.

Ví dụ: Hiếp dâm nạn nhân sau đó giết nạn nhân vì lo sợ bị tố cáo. Lưu ý trong trường hợp vì vừa thỏa mãn tình tiết tăng nặng tại Điểm e Khoản và Điểm g Khoản Điều 123 thì ưu tiên áp dụng điểm g không áp dụng điểm e vì điểm g đã thu hút tính nguy hiểm của tình tiết quy định điểm e;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân: Giết người để bộ phận cơ thể của nạn nhân (như tim, gan, thận...) là trường hợp giết người nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân với bất kỳ mục đích nào. Cần phân biệt với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người quy định tại Điều 154 Bộ luật hình sự. Tội phạm quy định tại Điều 154 khác cơ bản với tội giết người là người phạm tội không có ý tước bỏ tính mạng người khác mà chỉ ý thức chiếm đoạt bộ phân cơ thể người. Theo chúng tôi, tội giết người nếu vừa thỏa mãn tội giết người theo Điểm h Khoản 1 Điều 123 vừa thỏa mãn tội phạm quy định tại Điều 154 thì xử lý hai tội bởi lẽ, hai tội này độc lập với nhau về khách thể xâm phạm (tính mạng, sức khỏe và danh dự, nhân phẩm).

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ là trường hợp người phạm tội giết người bằng cách hành hạ, gây đau đớn, khiếp sợ cho nạn nhân như móc mắt, mổ bụng. chặt chân, chặt tay, xẻo thịt, lột da, nạn nhân...;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp: Người phạm tội có nghề nghiệp nào đó và sử dụng nghề nghiệp đó để tạo thuận lợi cho việc giết người;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người: Người phạm tội sử dụng phương pháp có tính nguy hiểm rất cao cho nhiều người như dùng thuốc nổ, dùng điện, hơi độc, chất cháy. Ví dụ: vì mâu thuẫn tranh giành chỗ bán hàng, bà A đã lén bỏ thuốc chuột vào nồi nước phở của người láng giềng;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê: Thuê giết người là dùng tiền, vật chất hoặc tinh thần để trả công cho người khác để người này giết người hoặc nhận tiền, vật chất, lợi ích tinh thần để giết người khác theo yêu cầu của người đưa tiền, vật chất hoặc giá trị tinh thần. Tình tiết này áp dụng cho cả người thuê và người được thuê;

n) Có tính chất côn đồ: Trường hợp giết người thể hiện ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác, giết người không cần lý do gì hoặc vì lý do rất nhỏ nhặt mà tước bỏ tính mạng nạn nhân. Ví dụ: A cho rằng B “nhìn đểu” mình lập tức rút dao giết B;

o) Có tổ chức: Đây là hình thức đồng phạm của tội giết người ở mức độ cao. Trong đó những người đồng phạm giết người có sự liên kết chặt chẽ về ý thức cũng như hành động. Thể hiện có sự phân công vị trí, vai trò, có quan hệ chỉ huy, phục tùng giữa những người đồng phạm, có kế hoạch giết người rất chi tiết, cụ thể từ trước...;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn: Điều thúc đẩy nạn nhân giết người mang tính chất ích kỷ, bội bạc, phản trắc bị lên án gay gắt cả về mặt đạo đức như: Giết người yêu đang mang thai để trốn tránh nhiệm; giết vợ (chồng) người khác để tự do quan hệ với vợ (chồng) người khác; giết chủ nợ, giết đồng nghiệp để tranh chức vụ quyền hạn....

Bình luận khoa học BLHS 2015 (Sđbs 2017)

_____________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage:  https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Tin tức liên quan

TỘI GIẾT HOẶC VỨT CON MỚI ĐẺ ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015
TỘI GIẾT HOẶC VỨT CON MỚI ĐẺ ĐƯỢC QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015

239 Lượt xem

TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?
TỰ Ý NỬA CHỪNG CHẤM DỨT VIỆC PHẠM TỘI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?

255 Lượt xem

CẤU THÀNH TỘI ĐÁNH BẠC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ
CẤU THÀNH TỘI ĐÁNH BẠC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ

372 Lượt xem

PHÂN BIỆT TỐ CÁO VÀ TỐ GIÁC
PHÂN BIỆT TỐ CÁO VÀ TỐ GIÁC

149 Lượt xem

ĐỒNG PHẠM VÀ CÁC LOẠI ĐỒNG PHẠM TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ
ĐỒNG PHẠM VÀ CÁC LOẠI ĐỒNG PHẠM TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

450 Lượt xem

SAU KHI NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VÀO VIỆT NAM, KHÔNG TIẾN HÀNH SẢN XUẤT MÀ CHUYỂN SANG TIÊU DÙNG NÔI ĐỊA THÌ PHẠM TỘI GÌ?
SAU KHI NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VÀO VIỆT NAM, KHÔNG TIẾN HÀNH SẢN XUẤT MÀ CHUYỂN SANG TIÊU DÙNG NÔI ĐỊA THÌ PHẠM TỘI GÌ?

132 Lượt xem

TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HÓA, TIỀN TỆ QUA BIÊN GIỚI THEO QUY ĐỊNH CỦA BLHS HIỆN HÀNH
TỘI VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP HÀNG HÓA, TIỀN TỆ QUA BIÊN GIỚI THEO QUY ĐỊNH CỦA BLHS HIỆN HÀNH

126 Lượt xem

VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?
VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI CÓ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ KHÔNG?

119 Lượt xem

TỘI ĐE DỌA GIẾT NGƯỜI THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 VÀ MỨC HÌNH PHẠT
TỘI ĐE DỌA GIẾT NGƯỜI THEO QUY ĐỊNH BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 VÀ MỨC HÌNH PHẠT

170 Lượt xem

TÌNH THẾ CẤP THIẾT THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG 2017
TÌNH THẾ CẤP THIẾT THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG 2017

123 Lượt xem

TÌNH TRẠNG KHÔNG CÓ NĂNG LỰC TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
TÌNH TRẠNG KHÔNG CÓ NĂNG LỰC TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐƯỢC HIỂU NHƯ THẾ NÀO?

145 Lượt xem

QUY ĐỊNH VỀ TỘI RỬA TIỀN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ HIỆN HÀNH
QUY ĐỊNH VỀ TỘI RỬA TIỀN THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ HIỆN HÀNH

198 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng