TỘI CẢN TRỞ GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY
Với mạng lưới sông ngòi dày đặc, giao thông đường thủy đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, giao thông đường thủy cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với nhiều yếu tố gây ra như: tác động từ môi trường, hạ tầng không hiệu quả, phương tiện không đảm bảo, ý thức chấp hành pháp luật kém,…Trong đó, yếu tố con người luôn mang lại hậu quả khôn lường, gây ra vô vàn thiệt hại về tính mạng và tài sản. Vậy, pháp luật về hình sự quy định như thế nào về hành vi này của con người?
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
- Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2014.
Nội dung:
1. Quy định về Tội cản trở giao thông đường thủy
- Cản trở giao thông đường thủy là hành vi khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của công trình giao thông đường thủy, tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thiệt hại cho tinh mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.
Điều 273 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“Điều 273. Tội cản trở giao thông đường thủy
1. Người nào khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của công trình giao thông đường thủy; tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu; di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu; tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy; lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường thủy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Cản trở giao thông đường thủy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm”.
2. Cấu thành của Tội cản trở giao thông đường thủy
2.1. Chủ thể của tội phạm
- Là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 16 tuổi trở lên.
2.2. Khách thể của tội phạm
- An toàn giao thông đường thủy. Các quy định về an toàn giao thông đường thủy được quy định trong Luật Giao thông đường thủy nội địa.
- Đối tượng tác động của tội này là công trình giao thông đường thủy bao gồm: luồng, âu tàu, các công trình phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, đường ra đảo, đường nối liền các đảo thuộc nội thủy nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.3. Mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan
Người phạm tội này có thể thực hiện một hoặc một số hành vi sau:
- Khoan, đào trái phép làm hư hại kết cấu của các công trình giao thông đường thủy
- Tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu
- Di chuyển làm giảm hiệu lực, tác dụng của báo hiệu
- Tháo dỡ báo hiệu hoặc phá hoại công trình giao thông đường thủy
- Lấn chiếm luồng hoặc hành lang bảo vệ luồng giao thông đường thủy
- Hành vi khác cản trở giao thông đường thủy
Các hành vi trên đều đã được quy định chi tiết tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 8 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, sửa đổi bổ sung 2014:
“Điều 8. Các hành vi bị cấm
1. Phá hoại công trình giao thông đường thủy nội địa; tạo vật chướng ngại gây cản trở giao thông đường thủy nội địa.
2. Mở cảng, bến thủy nội địa trái phép; đón, trả người hoặc xếp, dỡ hàng hóa không đúng nơi quy định.
3. Xây dựng trái phép nhà, lều quán hoặc các công trình khác trên đường thủy nội địa và phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.
4. Đổ đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác, khai thác trái phép khoáng sản trong phạm vi luồng và hành lang bảo vệ luồng; đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản trên luồng.
5. Đưa phương tiện không đủ điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 24 của Luật này tham gia giao thông đường thủy nội địa; sử dụng phương tiện không đúng công dụng hoặc không đúng vùng hoạt động theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan đăng kiểm.
5a. Giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường thủy nội địa.
6. Bố trí thuyền viên không đủ định biên theo quy định khi đưa phương tiện vào hoạt động; thuyền viên, người lái phương tiện làm việc trên phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn không phù hợp.
7. Chở hàng hóa độc hại, dễ cháy, dễ nổ, động vật lớn chung với hành khách; chở quá sức chở người của phương tiện hoặc quá vạch dấu mớn nước an toàn.
8. Thuyền viên, người lái phương tiện đang làm việc trên phương tiện mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn hoặc có các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng.
9. Bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm; xâm phạm tính mạng, tài sản khi phương tiện bị nạn; lợi dụng việc xảy ra tai nạn làm mất trật tự, cản trở việc xử lý tai nạn.
10. Vi phạm báo hiệu hạn chế tạo sóng hoặc các báo hiệu cấm khác.
11. Tổ chức đua hoặc tham gia đua trái phép phương tiện trên đường thủy nội địa; lạng lách gây nguy hiểm cho phương tiện khác.
12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, gây phiền hà khi thực hiện nhiệm vụ; thực hiện hoặc cho phép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
13. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa”.
Tuy nhiên, khi xác định hành vi cản trở giao thông đường thủy, còn phải căn cứ vào hành vi cụ thể đã được liệt kê tại khoản 1 Điều 273 Bộ luật Hình sự. Nếu hành vi chưa được liệt ke tại khoản 1 của điều luật mà cản trở giao thông đường thủy thì phải căn cứ vào các quy định tại Luật Giao thông đường thủy nội địa hoặc hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
b. Hậu quả
- Nếu hành vi cản trở giao thông đường thủy mà chưa gây ra thiệt hại cho tính mạng hoặc chưa gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản dưới mức quy định hoặc mức quy định tại khoản 1 của điều 273 Bộ luật Hình sự thì phải thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều 273 Bộ luật Hình sự mới cấu thành tội phạm này.
- Do đặc điểm của giao thông đường thủy còn có yếu tố dòng chảy, sóng, độ sâu của nước nên khi xác định hậu quả do hành vi cản trở giao thông đường thủy gây ra cần phân biệt giữa nguyên nhân và điều kiện thúc đẩy cho hậu quả xảy ra. Ví dụ: Do hành vi tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy mà không đặt và duy trì báo hiệu nên đã để cho tàu khách đâm vào chướng ngại vật làm cho 03 người rơi xuống sông, trong số đó có 01 người biết bơi nên không bị chết đuối, còn 02 người khác không biết bơi nên bị dòng nước cuốn trôi dẫn đến tử vong. Có ý kiến cho rằng, cần phải tính hậu quả là 03 người chết để áp dụng khoản 3 Điều 273 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, 01 người không bị chết mặc dù cũng do hành vi tạo ra chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường thủy, nhưng tội phạm này là tội phạm do lỗi vô ý nên hậu quả chưa xảy ra và cũng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 273 Bộ luật Hình sự nên không thể quy trách nhiệm cho người phạm tội được.
- Đối với người bị thương tích hay tổn hại sức khỏe, nhất thiết phải do hội đồng giám định pháp y kết luận về tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân.
- Đối với thiệt hại về tài sản phải tính giá theo giá thị trường, nếu xét thấy cần thiết thì phải trưng cầu giám định (định giá) theo nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự và Nghị định 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
c. Các dấu hiệu khách quan khác
- Đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thủy của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
- Người thực hiện hành vi phạm tội cản trở giao thông đường thủy là do vô ý (vô ý vì quá tự tin hoặc vô ý vì cẩu thả, nhưng chủ yếu là vô ý vì quá tự tin), mặc dù khi thực hiện hành vi cản trở giao thông đường thủy, người phạm tội có thể cố ý thực hiện hành vi nhưng vì tin rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
- Người phạm tội tuy vô ý gây ra hậu quả nhưng trong nhiều trường hợp lại có động cơ rõ ràng. Ví dụ: Vũ Văn M có hành vi làm lồng bè nuôi cá trên sông Dinh, thành phố Vũng Tàu đã lấn chiếm luồng giao thông đường thủy nên đã làm cho tàu đánh cá của ông Trần Quốc T đâm phải phao bằng thùng phuy làm lồng bè, tàu bị lật, tai nạn xảy ra làm con gái ông T bị chết vì không biết bơi. Trong trường hợp này, Vũ Văn M với động cơ vụ lợi, chỉ vì lợi ích cá nhân nên đã cố ý làm lồng bè nuôi cá lấn chiếm luồng thông đường thủy nên làm cho tàu đánh cá đâm vào “thùng phuy” mà M dùng làm phao để làm lồng bè nuôi cá.
Nguồn: Đinh Văn Quế. (2020). Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015 – Phần thứ hai CÁC TỘI PHẠM. Hà Nội. Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./
Xem thêm