ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN VỤ ÁN DÂN SỰ
Khởi kiện vụ án dân sự là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Sau đây AV Counsel chia sẻ cho quý bạn đọc về Điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
- Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/052017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 192 bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/qh13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.
- Nội dung:
Các điều kiện khởi kiện bao gồm:
1. Điều kiện về chủ thể khởi kiện
Một là, hủ thể khởi kiện vụ án phải là chủ thể có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự, Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như thế, chủ thể có quyền khởi kiện được hiểu như sau: Là người có quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. Cụ thể là quyền, lợi ích này tham gia trực tiếp vào quan hệ pháp luật nội dung. Trường hợp người khởi kiện có quyền, lợi ích bi xâm phạm nhưng quyền, lợi ích đó không hoặc chưa bị xâm phạm thì cũng chưa đủ điều kiện khởi kiện.
Ngoài ra tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước trong một số trường hợp:
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
- Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
- Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Hai là, người khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, đó là khả năng tự mình thực hiện nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự (Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự).
2. Đủ điều kiện khởi kiện
Căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự, Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.
Quy định trên được hướng dẫn cụ thể tại Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, chưa có đủ điều kiện là:
- Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.
- Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.
3. Sự việc chưa được Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng một bản án hoặc quyết định bằng một bản án/quyết định có hiệu lực hoặc đã được giải quyết bằng bản án/quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng người khởi kiện có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.
- Là điều kiện được pháp luật quy định nhằm đảm bảo hiệu lực của bản án, quyết định, sự ổn định của của các quan hệ xã hội. Trong các trường hợp sau Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ.
- Đối với tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, nếu vụ việc đã được giải quyết bằng bản án/quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài thì người khởi kiện không có quyền khởi kiện lại, trừ trường hợp bản án/quyết định của Tòa án nước ngoài hoặc phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được Tòa án Việt Nam công nhận thì người khởi kiện vẫn có quyền khởi kiện lại tại Tòa án Việt Nam (Điều 472 Bộ luật Tố tụng Dân sự).
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật, là các trường hợp được quy định trong các văn bản quy pham pháp luật khác hoặc trong các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên.
4. Yêu cầu khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
- Điều kiện này liên quan đến việc xác định thẩm quyền giải quyết của tòa án.Theo giải thích của Tòa án nhân dân tối cao, vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là trường hợp theo quy định của pháp luật, tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức khác.
- Pháp luật tố tụng dân sự quy định tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tại điều 26, 28, 30, 32 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Ngoài ra, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vi lý do chưa có điều luật để áp dụng (khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự).
- Đối với giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài, cần chú ý đến các quy định chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp dân sự có yếu tố nước ngoài (Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự); thẩm quyền riêng biêt của Tòa án Việt Nam (Điều 470 Bộ luật Tố tụng dân sự); thỏa thuận của các đương sự về việc lựa chọn Trọng tài, Tòa án nước ngoài (Điều 472 Bộ luật Tố tụng dân sự).
5. Điều kiện về đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ
a. Đơn khởi kiện
Pháp luật tố tụng dân sự thừa nhận hình thức của đơn khởi kiện là đơn khởi kiện phải viết bằng tiếng việt, không thừa nhận khởi kiện bằng lời nói hoặc hinh thức khác không phải là văn bản, hoặc thể hiện bằng các ký hiệu, ngôn ngữ khác không là tiếng Việt. Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện như sau:
- Hình thức:
+ Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
i. Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
ii. Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;
iii. Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.
+ Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
- Nội dung: Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
+ Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
+ Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
+ Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
+ Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
b. Tài liệu, chứng cứ
Các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện phải đảm bảo tính đầy đủ, hợp pháp.
- Về tính đầy đủ: các tài liệu, chứng cứ này phải phù hợp với hình thức, nội dung đơn khởi kiện, yêu cầu khởi kiện; phù hợp tùy thuộc từng loại tranh chấp.
- Tính hợp pháp: Căn cứ quy định tại Điều 95 và các quy định khác của Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định tính hợp pháp của tài liệu, chứng cứ.
Trên đây là nội dung chia sẻ của AV Counsel liên quan đến "Điều kiện khởi kiện vụ án dân sự" kính mời quý bạn đọc tham khảo, góp ý.
_________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm