BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VẬT NUÔI GÂY RA
Bạn Nguyễn Xuân S. gửi tới AV Counsel câu hỏi như sau:
Nhân lúc gia đình tôi đi vắng, tên trộm đã lẻn vào nhà tôi thì nhìn thấy con chó mà tôi đã xích lại và có gắn bảng “đề phòng chó dữ” kế bên. Nhưng tên trộm này vẫn lại gần và chọc chó, vô tình bị chó cắn vào tay phải đi chích ngừa. Chó nhà tôi đã tiêm phòng đầy đủ. Hỏi gia đình tôi có phải đền tiền chích ngừa cho tên trộm kia không?
AV Counsel trả lời thắc mắc của bạn như sau:
Cơ sở pháp lý:
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Thứ nhất, đối với trách nhiệm của chủ chó.
Theo quy định tại Điều 66 Luật Chăn nuôi 2018, thì bạn phải có trách nhiệm như sau:
“Điều 66. Quản lý nuôi chó, mèo
Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
1. Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y;
2. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y;
3. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y;
4. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.”
Thứ hai, về trách nhiệm bồi thường của chủ súc vật.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác…”
“Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác…”
Theo quy định thì chủ súc vật phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP là:
- Súc vật có hành vi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;
- Có thiệt hại trên thực tế.
- Hành vi của súc vật gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại trên thực tế.
Tuy nhiên, xét về khía cạnh lỗi Bộ luật Dân sự quy định như sau:
“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác…
Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra…”
Do đó, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường tương ứng với phần lỗi do mình gây ra. Điều này cũng được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP:
“Điều 2. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 584 của Bộ luật Dân sự
3. Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
b) Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi…”
Điều 3. Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 585 của Bộ luật Dân sự
4. Về khoản 4 Điều 585 của Bộ luật Dân sự
Bên bị thiệt hại có một phần lỗi đối với thiệt hại xảy ra thì không được bồi thường thiệt hại tương ứng với phần lỗi đó."
Từ những quy định trên, xét đối với trường hợp của bạn:
Bạn đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ chó gồm tiêm phòng dại, có biện pháp bảo đảm an toàn như xích chó, có biển báo cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời, do tên trộm tự ý vào nhà bạn và tự ý chọc khiến chó của bạn khiến cho chó của bạn cắn tên trộm. Do đó, có thể khẳng định việc bị chó cắn hoàn toàn do lỗi của tên trộm.
Trong trường hợp này, bạn không phải bồi thường cho tên trộm số tiền 15.000.000 đồng.
Đồng thời, bạn có thể tố giác tên trộm tới cơ quan điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.
Trên đây là nội dung tư vấn về Bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./
Xem thêm