QUY PHẠM PHÁP LUẬT XUNG ĐỘT VÀ CÁC HỆ THUỘC LUẬT CƠ BẢN
Trong Tư pháp quốc tế, việc áp dụng pháp luật và vấn đề xung đột pháp luật trong các giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài là một khía cạnh thường trực. Nhất là đối với xung đột pháp luật trong việc áp dụng pháp luật về hợp đồng quốc tế. Hiện nay, có nhiều cách giải quyết xung đột pháp luật khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm của mỗi quốc gia cũng như của chính các bên khi tham gia giao dịch dân sự có yếu tố nước ngoài.
1. Quy phạm pháp luật xung đột:
1.1. Khái niệm quy phạm pháp luật xung đột:
Quy phạm xung đột là quy phạm pháp luật xác định hệ thống pháp luật cụ thể nào có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
1.2. Đặc điểm quy phạm pháp luật xung đột:
Đặc điểm quan trọng nhất của quy phạm pháp luật xung đột là có chức năng dẫn chiếu, nghĩa là quy phạm pháp luật xung đột không điều chỉnh trực tiếp quan hệ tư pháp quốc tế mà chỉ chỉ ra hệ thống pháp luật được áp dụng.
1.3. Cấu trúc của quy phạm pháp luật xung đột:
Một quy phạm pháp luật xung đột gồm 2 phần:
- Phần phạm vi: giúp chỉ ra quan hệ xã hội mà quy phạm hướng tới điều chỉnh.
- Phần hệ thuộc: đưa ra quy tắc để xác định pháp luật áp dụng.
2. Các hệ thuộc luật cơ bản:
2.1. Khái niệm hệ thuộc luật:
Hệ thuộc luật là một phần của quy phạm pháp luật xung đột, đưa ra quy tắc để xác định pháp luật áp dụng đối với một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
Có thể hiểu, hệ thuộc luật là quy tắc chung được đặt ra và thừa nhận rộng rãi giữa các nước trong việc chọn luật áp dụng cho quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
2.2. Các hệ thuộc luật cơ bản:
(1) Hệ thuộc luật nhân thân (Lex personalis):
- Nội dung hệ thuộc: quy định hệ thống pháp luật của nước đương sự mang quốc tịch hoặc nơi đương sự cư trú sẽ được áp dụng.
Do đó, hệ thuộc luật nhân thân gồm:
+ Hệ thuộc luật quốc tịch (Lex patriae): luật của nước mà đương sự mang quốc tịch sẽ được áp dụng.
+ Hệ thuộc luật nơi cư trú (Lex domicilii): luật của nước mà đương sự có nơi cư trú sẽ được áp dụng.
- Phạm vi áp dụng: thường áp dụng cho các quan hệ về nhân thân, xác dịnh một người chết hoặc mất tích, hôn nhân gia đình, thừa kế với di sản là động sản…
- Thực tế áp dụng tại Việt Nam: hệ thuộc luật quốc tịch sẽ được áp dụng chủ yếu.
Ví dụ Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 673. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân
1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch…”
“Điều 674. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
1. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này…”
“Điều 675. Xác định cá nhân mất tích hoặc chết
1. Việc xác định một cá nhân mất tích hoặc chết tuân theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch vào thời điểm trước khi có tin tức cuối cùng về người đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này…”
Pháp luật Việt Nam cũng áp dụng kết hợp cả hệ thuộc luật nơi cư trú và hệ thuộc luật quốc tịch. Đơn cử:
“Điều 672. Căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người có nhiều quốc tịch
1. Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người không quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất.
2. Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất.
Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam.”
(2) Hệ thuộc luật nơi có tài sản (Lex rei sitae):
- Nội dung hệ thuộc: quy định áp dụng pháp luật của nước nơi có tài sản.
- Phạm vi áp dụng: quyền sở hữu tài sản, thừa kế đối với bất động sản, hợp đồng liên quan đến bất động sản,…
- Thực tế áp dụng tại Việt Nam:
Tại Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 678. Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản
1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này….”
Tại các Hiệp định tương trợ tư pháp, ví dụ:
+ Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Nga:
"Điều 35 Bất động sản
Quan hệ pháp lý về bất động sản được xác định theo pháp luật và thuộc thẩm quyền giải quyết của Bên ký kết nơi có bất động sản đó."
+ Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Mông Cổ:
“Điều 34: Quyền thừa kế.
2. Quyền thừa kế bất động sản được điều chỉnh theo pháp luật của Bên ký kết nơi có bất động sản”.
- Các trường hợp ngoại lệ không áp dụng hệ thuộc luật nơi có tài sản:
+ Tài sản thuộc quyền sở hữu của quốc gia đang ở nước ngoài.
+ Tài sản của pháp nhân trong trường hợp tổ chức lại hoạt động hay chấm dứt hoạt động ở nước ngoài.
+ Quyền sở hữu trí tuệ.
+ Tài sản là máy bay, tàu biển, tài sản có trên máy bay, tàu biển.
+ Tài sản đang trên đường vận chuyển.
(3) Hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi (Lex loci actus):
- Nội dung hệ thuộc: quy định áp dụng pháp luật nơi hành vi được thực hiện.
Bao gồm:
- Hệ thuộc luật nơi thực hiện hợp đồng (Lex forman regis actum):
+ Nội dung hệ thuộc: nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng được được điều chỉnh bởi luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có sự thỏa thuận khác của các bên.
+ Phạm vi áp dụng: quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
+ Thực tế áp dụng tại Việt Nam:
Tại Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 683. Hợp đồng
2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;”
- Hệ thuộc luật nơi giao kết hợp đồng (Lex loci contractus): quy định áp dụng pháp luật tại nơi giao kết hợp đồng.
- Hệ thuộc luật nơi thực hiện nghĩa vụ (Lex regit solutionis): quy định áp dụng pháp luật nơi thực hiện nghĩa vụ.
- Hệ thuộc luật nơi thực hiện kết hôn (Lex loci celebrationis): quy định áp dụng pháp luật nơi tiến hành kết hôn.
- Hệ thuộc luật nơi thực hiện công việc (Lex loci laboris): quy định áp dụng pháp luật tại nơi công việc được thực hiện.
(4) Hệ thuộc luật lựa chọn (Lex voluntatis):
- Nội dung hệ thuộc: quy định áp dụng pháp luật do các bên có thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp.
- Phạm vi áp dụng: quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng; chế độ tài sản trong hôn nhân, trách nhiệm phát sinh từ hành vi đơn phương, thừa kế,…
- Thực tế áp dụng tại Việt Nam:
Tại Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 664. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.”
Tại Luật Thương mại năm 2005:
“Điều 5. Áp dụng điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán thương mại quốc tế
2. Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”
Tại Bộ luật Hàng hải năm 2015:
“Điều 5. Quyền thỏa thuận trong hợp đồng
1. Các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải có quyền thỏa thuận riêng, nếu Bộ luật này không hạn chế.
2. Các bên tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc tập quán hàng hải quốc tế trong quan hệ hợp đồng và chọn Trọng tài, Tòa án ở một trong hai nước hoặc ở một nước thứ ba để giải quyết tranh chấp.
3. Trong trường hợp Bộ luật này có quy định hoặc các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, luật nước ngoài có thể được áp dụng tại Việt Nam đối với quan hệ hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải, nếu luật đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.”
(5) Hệ thuộc luật Tòa án (Lex fori):
- Nội dung hệ thuộc: quy định áp dụng pháp luật của nước có tòa án để giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
- Đặc điểm:
+ Áp dụng triệt để về luật tố tụng hay luật hình thức. Có nghĩa là hệ thuộc luật này sẽ dùng để xác định luật tố tụng áp dụng trong giải quyết tranh chấp.
+ Là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền sử dụng các quy phạm xung đột của nước mình nhằm chọn luật áp dụng.
+ Dẫn chiếu nhằm tìm ra hệ thống pháp luật được áp dụng về mặt nội dung.
+ Hệ thuộc luật Tòa án còn được sử dụng như một hệ thuộc luật bổ trợ khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
(6) Luật có mối liên hệ chặt chẽ nhất:
- Nội dung hệ thuộc: pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất sẽ được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
- Phạm vi áp dụng: quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, sở hữu trí tuệ,…
- Thực tế áp dụng tại Việt Nam:
Tại Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 664. Xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.”
“Điều 672. Căn cứ xác định pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch, người có nhiều quốc tịch
1. Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người không quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất.
2. Trường hợp pháp luật được dẫn chiếu đến là pháp luật của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất.”
“Điều 683. Hợp đồng
1. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.”
Ngoài ra còn một số hệ thuộc luật như:
- Hệ thuộc luật nơi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật (Lex loci delicti commissi): quy định áp dụng pháp luật nơi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Hệ thuộc luật quốc kỳ (Lex banerae): quy định áp dụng pháp luật nước mà phương tiện vận tải mang quốc kỳ.
- Hệ thuộc luật nơi đăng ký phương tiện (Lex libri sitae): quy định áp dụng pháp luật của nước mà phương tiện vận tải đăng ký.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./
Xem thêm