HỢP ĐỒNG VI PHẠM ĐIỀU CẤM
Về nguyên tắc các bên được tự do định đoạt về nội dung, hình thức cũng như chủ thể tham gia vào hợp đồng. Tuy nhiên, không một xã hội nào là không đưa ra những hạn chế đối với tự do hợp đồng.
Trong Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” (khoản 2 Điều 3).
Qua quy định trên, chúng ta thấy điều cấm là một giới hạn cho tự do hợp đồng, là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
1. Nguồn gốc của điều cấm
Quy định tại Bộ luật Dân sự năm 1995:
Một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực theo quy định tại Điều 113 là: “Mục đích và nội dung của giao dịch không trái pháp luật, đạo đức xã hội”.
Khoản 1 Điều 137 quy định “Giao dịch dân sự có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, thì vô hiệu…”
Như vậy, Bộ luật dân sự 1995 quy giao dịch dân sự không chỉ không được vi phạm điều cấm của pháp luật mà còn không được trái pháp luật.
Quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005:
Tại Điều 4: “Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.”
Điểm b khoản 1 Điều 122 Bộ luật Dân sự 2005 quy định một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là “Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội”.
Giao dịch dân sự vi phạm điều cầm của pháp luật sẽ vô hiệu theo Điều 128:
“Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định...”
Đối với Hợp đồng, Điều 389 Bộ luật Dân sự 2005 quy định việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo nguyên tắc “Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật”. Có nghĩa là hợp đồng không những không được “vi phạm điều cấm” mà còn “không được trái pháp luật” và nếu hợp đồng “vi phạm điều cấm”, “trái pháp luật” thì vô hiệu.
Quy định tại Bộ luật Dân sự 2015:
Điểm c khoản 1 Điều 117 quy định “Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật...” và Điều 122 quy định “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 177 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”.
Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có sự thay đổi liên quan đến nguồn gốc của “điều cấm” theo hướng thu hẹp nguồn chứa đựng điều cấm: Trước đây điều cấm “của pháp luật” còn ngày nay là điều cấm “của luật”, hai phạm trù rất khác nhau.
Trong thực tế, ở thời điểm Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực, có những quy định nói rõ là cấm các chủ thể giao dịch như các quy định liên quan đến vàng, ngoại tệ nhưng không phải là quy định của luật mà là của văn bản dưới luật. Trong trường hợp này, chúng ta không thể coi đây là điều cấm theo nghĩa của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Bộ luật Dân sự năm 1995 khi xác định tính hợp pháp của giao dịch. Đối với trường hợp vừa nêu, nếu chúng ta vẫn muốn coi đây là điều cấm giới hạn giao dịch như trên thì cần có luật về chủ đề này.
Đồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 đã có sự thay đổi lớn là quy định về Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự đã bị hủy bỏ.
2. Nội hàm của điều cấm
Điều 137 Bộ luật Dân sự 1995 khẳng định “Giao dịch dân sự có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật … thì vô hiệu” nhưng không cho biết điều cấm là gì.
Bộ luật Dân sự 2005 đã cụ thể hơn tại Điều 128 với nội dung “Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.
Bộ luật Dân sự 2015 vẫn duy trì quy định về khái niệm điều cấm tại Điều 123 với nội dung “Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.
Về nội hàm, điều cấm là “không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.
3. Thời điểm tồn tại điều cấm
- Nếu điều cấm tồn tại ở thời điểm giao kết thì các bên phải tôn trọng và nếu các bên không tuân thủ thì hợp đồng được coi là vi phạm điều cấm tại thời điểm giao kết nên vô hiệu.
- Nếu điều cấm chỉ xuất hiện sau thời điểm hợp đồng được giao kết thì hợp đồng không thể bị vô hiệu nhưng việc thực hiện hợp đồng bị ảnh hưởng. Nếu điều cấm dẫn tới hợp đồng không thể thực hiện được thì chúng ta xử lý như hợp đồng không thể thực hiện đúng trong trường hợp có sự kiện bất khả kháng hay cản trở khách quan. Nếu điều cấm vẫn cho phép hợp đồng thực hiện với một cách thức khác thì chúng ta nên duy trì hợp đồng với sự thay đổi về phương thức thực hiện.
4. Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm
Điều 137 Bộ luật Dân sự 1995 khẳng định “Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm”.
Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005 “Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”.
Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 khẳng định “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”.
5. Thời hiệu yêu cầu tuyên bố vô hiệu giao dịch vi phạm điều cấm
Các Bộ luật Dân sự đều thống nhất về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch (hợp đồng) vô hiệu.
Khoản 2 Điều 145 Bộ luật Dân sự năm 1995: “Đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 137, Điều 138, và Điều 139 của Bộ luật này, thì thời gian yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn chế”.
Quy định này được duy trì trong Bộ luật Dân sự 2005 tại Điều 136 và Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 132.
6. Cấm đối với một bên
Trong pháp luật hiện hành, có nhiều quy định theo hướng một bên trong hợp đồng phải thỏa mãn một số điều kiện khi giao kết. Nếu chủ thể không thỏa mãn điều kiện luật định nhưng vẫn xác lập hợp đồng thì hợp đồng đã được xác lập có bị coi là vi phạm điều cấm không?
Cần có sự phân biệt đối với các trường hợp cụ thể.
- Nếu một bên của hợp đồng không biết đối tác của mình không đáp ứng điều kiện luật định và yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không có cơ sở để khẳng định đối tác này có lừa dối thì chúng ta nên theo hướng hợp đồng vô hiệu do có nhầm lẫn (nếu vô hiệu do vi phạm điều cấm thì quá nặng cho bên không biết đối tác không đáp ứng điều kiện luật định).
- Nếu một bên của hợp đồng không biết đối tác của mình không đáp ứng điều kiện luật định và yêu cầu tuyên bố vô hiệu và có cơ sở để khẳng định đối tác này có lừa dối thì chúng ta nên theo hướng hợp đồng vô hiệu do lừa dôi với hệ quả là đối tác có lỗi (cố ý). Nếu không thuộc hai trường hợp trên, nhất là khi các bên đều biết việc không đáp ứng điều kiện luật định mà vẫn xác lập giao dịch thì chúng ta mới theo hướng xác định có vi phạm điều cấm của pháp luật.
Nguồn: PGS.TS Đỗ Văn Đại. (2017). Tập 1 Luật Hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án. Tp. Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam.
Trên đây là nội dung HỢP ĐỒNG VI PHẠM ĐIỀU CẤM.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./
Xem thêm