PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG THEO BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2015 SỬA ĐỔI BỔ SUNG 2017
Phòng vệ chính đáng là một trong những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự (không phải chịu trách nhiệm hình sự). Vậy phòng vệ chính đáng là gì? Xin cùng AV Counsel tìm hiểu trong bài viết này.
- Căn cứ pháp lý: Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 (BLHS 2015).
- Nội dung:
Căn cứ Điều 22 BLHS quy định:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
1. Phòng vệ chính đáng là gì?
Phòng vệ chính đáng trong nhiều trường hợp cũng có thể gây thiệt hại cho một chủ thể nào đó, nhưng vì nó có những yếu tố làm cho tính nguy hiểm cho xã hội không còn, thậm chí phù hợp với lợi ích của xã hội được xã hội khuyến khích.
Để lý giải cơ sở tồn tại của quy định phòng vệ chính đáng, trong Luật hình sự có rất nhiều quan điểm khác nhau nhưng thống nhất ở một điểm là phòng vệ chính đáng không phải chịu nhiệm hình sự.
Quan điểm xuất phát từ quyền tự nhiên (natural rights) cho rằng con người có rất nhiều quyền tự nhiên mang tính chất bẩm sinh thuộc về con người và ai cũng có và bình đẳng với nhau. Quyền phòng vệ (chống trả lại) khi bị người khác tấn công là một trong những quyền tự nhiên đó. Nhưng trong xã hội có nhà nước khi mà các cá nhân tự nguyện trao toàn bộ quyền tự nhiên cho Nhà nước nắm giữ để bảo đảm trật tự xã hội, tránh tình trạng tự do của người này xâm phạm đến quyền tự do của người khác thì các cá nhân không được tự do hành xử quyền phòng vệ khi bị tấn công mà phải báo và chờ Nhà nước can thiệp, bảo vệ. Do vậy, Nhà nước không cho phép cá nhân có quyền tự xử. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, khi một người bị tấn công, nếu chờ nhà nước can thiệp và bảo vệ thì quá muộn và hậu quả xảy ra. Trong trường hợp này Nhà nước cho phép cá nhân bị tấn công có quyền hành xử ngay lập tức quyền tự nhiên là phòng vệ chống trả hành vi đang tấn mình để tự bảo vệ mình. Trường hợp này không bị coi là tội phạm và không phải chịu trách hình sự. Có thể nói đây là trường hợp hiếm hoi Nhà nước cho phép cá nhân được tự do hành xử quyền tự nhiên để tự bảo vệ mình nện kèm theo đó là những điều kiện, căn cứ rất chặt chẽ.
Quan điểm phổ biến trong các giáo trình Luật hình sự ở Việt nam hiện nay giải thích lý do phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm là vì Nhà nước khuyến khích cá nhân tự bảo vệ, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích của mình, của người khác khi các lợi ích này bị xâm phạm.
2. Điều kiện được coi là Phòng vệ chính đáng
Để được coi là phòng vệ chính đáng phải đảm bảo các điều kiện cần và đủ của nó liên đến hành vi tấn công, hành vi chống trả. Đó là điều kiện xác định cơ sở để phòng vệ và điêu kiện xác định tính chính đáng của hành vi phòng vệ đó. Các điều kiện đó là:
Trước hết, đó là điều kiện phát sinh quyên phòng vệ. Điều kiện này đòi hỏi phải có hành vi nguy hiểm đang xâm phạm đến các lợi ích khác nhau trong đó có lợi ích của người phòng vệ. Ví dụ họ bị người khác tấn công. Nếu không có hành vi này thì vấn đề phòng vệ không được đặt ra. Một người phòng vệ khi không có hành vi xâm phạm đến mình hay những người khác thì không được coi là phòng vệ và trong lý luận gọi là phòng vệ tưởng tượng. Đó là trường hợp không hề có hành vi tấn công, xâm phạm nhưng vì lý do nào đó, một người tưởng là có hành vi tấn công nên đã chống trả với người không có hành vi xâm phạm gây thiệt hại cho người đó. Phòng vệ tưởng tượng không được coi là phòng vệ chính đáng.
Hành vi xâm hại chỉ có thể là hành vi của con người, có thể là hành vi phạm tội, có thể là vi phạm pháp luật khác hoặc hành vi không phải là tội phạm hay vi phạm pháp luật (hành vi của người điên, người hoang tưởng). Không chỉ như vậy, hành vi xâm hại phải đảm bảo đang diễn ra và chưa kết thúc. Nếu hành vi xâm hại chưa diễn ra hoặc đã kết thúc rồi thì việc phòng vệ mục đích ngăn chặn hành vi xâm hại không còn ý nghĩa nữa. Trường hợp hành vi chống trả được thực hiện trước hoặc sau khi hành vi xâm hại diễn ra được gọi là phòng vệ sớm hoặc phòng vệ muộn cả hai trường hợp này đều không được coi là phòng vệ chính đáng.
Cần lưu ý tránh áp dụng máy móc khi hành vi tấn công chưa xảy ra nhưng có nguy cơ sẽ xảy ra ngay tức khắc mà có hành vi chống trả để ngăn chặn hành vi xâm hại thì vẫn có thể được coi là phòng vệ chính đáng. Tương tự như vậy, hành vi tấn công đã kết thúc nhưng nếu hành vi phòng vệ đi liền ngay sau hành vi tấn công và khắc phục được hậu quả của hành vi tấn công gây ra (trường hợp này chỉ có thể xảy ra đối với hành vi tấn công gây thiệt hại về tài sản). Ví dụ: A cướp tài sản của chị B sau đó bỏ đi, được vài bước chân chị B lấy khúc gỗ đập vào đầu A để lấy lại tài sản. Trường hợp này hành vi xâm phạm đã kết thúc nhưng chị B vì chống trả để lấy lại tài sản nên vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Điều kiện nữa đối với hành vi xâm phạm là hành vi xâm phạm phải nguy hiểm đáng kể mà chống trả mới được coi là phòng vệ chính đáng. Ngược lại tuy có hành vi xâm hại nhưng tính chất, mức độ không đáng kể như có dùng vũ lực nhưng không đáng kể, tài sản bị xâm phạm nhỏ nhặt nhưng lại có hành vi chống trả gây thiệt hại cho người có hành vi xâm hại không được coi là phòng vệ.
Thứ hai, điều kiện đối với hành vi phòng vệ. Đây còn gọi điều kiện đủ của phòng vệ chính đáng. Hành vi phòng vệ chỉ được coi là phòng vệ chính đáng khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người có hành vi tấn công hoặc công cụ phương tiện họ đang sử dụng và thiệt hại cũng gây ra cho chính người có hành vi tấn công chứ không được nhằm vào người khác và gây thiệt hại khác của họ. Ví dụ: A tấn công B, B chạy về đốt nhà của A thì không được coi là phòng vệ chính đáng. Hành vi phòng vệ chống trả nếu vô ý gây thiệt hại cho người khác không phải là người tấn công thì người phòng vệ vẫn phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
Mục đích của hành vi phòng vệ phải nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự tấn công từ phía người khác chứ không được nhằm mục đích khác. Ví dụ: M có thù tức với N, nhân việc thấy N vào vườn hàng xóm hái trộm hoa quả, M đã hô hoán và đuổi theo N đánh N gây thương tích. Thì trường hợp của M không được coi là phòng vệ chính đáng.
- Hành vi phòng vệ phải là “cần thiết”. Đây là điều để đánh giá tính chính đáng hay không chính đáng của hành vi phòng vệ. Hành vi phòng vệ như thế nào được coi là cần thiết hiện nay vẫn chưa có văn bản nào giải thích hướng dẫn.
Trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn áp dụng Nghị Quyết 02/86 của HĐTPTANDTC ban hành ngày 05/01/1985 giải thích tính chất tương xứng của hành vi phòng vệ với hành vi tấn công. Theo hướng dẫn của văn bản này thì, để đánh giá sự tương xứng giữa 2 loại hành vi phòng vệ và hành vi tấn công phải xem xét, đánh giá một cách khách quan toàn diện các tình tiết sau:
- Tương quan lực lượng giữa 2 bên tấn công và bên phòng vệ.
- Công cụ, phương tiện 2 bên sử dụng.
- Cường độ, thái độ của công, nhân thân người tấn công.
- Mức độ hậu quả của 2 loại hành vi gây ra hoặc đe dọa gây ra.
- Thời gian, địa điểm, hoàn cảnh nơi sự việc xảy ra...
3. Vượt quá phòng vệ chính đáng
Nếu phòng vệ chính đáng đã được Khoản 1 điều luật này khẳng định không phải là tội phạm và không phải chịu trách nhiệm hình sự thì Khoản 2 điều luật này quy định về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Như vậy vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là việc người phòng vệ vi phạm điều kiện chống trả “một cách cần thiết” của phòng vệ chính đáng. Để đánh giá một người có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng không cần xác định họ có đủ điều kiện của phòng vệ không? (các điều kiện về phát sinh quyền phòng vệ đã trình bày ở trên). Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được điều luật diễn đạt bằng cụm từ “rõ ràng là quá mức cần thiết”. Để đánh giá một hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng rõ ràng là quá mức cần thiết phải dựa vào các điều kiện đánh giá tính cần thiết của hành vi phòng vệ đã trình bày ở trên. Vi phạm các điều đó là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Để đánh giá tính chất “rõ ràng là quá mức cần thiết” của hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn phải dựa vào tình tiết cụ thể của vụ việc. Phòng vệ chính đáng với mục đích nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi xâm phạm đến các lợi ích khác nên nó không có tính nguy hiểm cho xã hội do đó phòng vệ chính đáng nếu có gây thiệt hại nào đó cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là những phân tích và bình luận liên quan đến phòng vệ chính đáng.
_____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm