CÓ CẦN THIẾT PHẢI YÊU CẦU ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI “CẤM CHUYỂN DỊCH QUYỀN VỀ TÀI SẢN ĐỐI VỚI TÀI SẢN ĐANG TRANH CHẤP” ĐỐI VỚI QSDĐ TRANH CHẤP HAY KHÔNG?
Trong trường hợp, phát sinh tranh chấp quyền sử dụng đất một trong các bên gửi thông báo đến UBND cấp xã, phường, Văn phòng đăng ký đất đai rằng quyền sử dụng đất đang có tranh chấp, sau đó bổ sung thông báo thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất của tòa án thì có cần phải làm thêm thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?
- Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
- Luật đất đai 2013;
- Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/09/2020 hướng dẫn áp dụng một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của bộ luật tố tụng dân sự.
- Nội dung:
1. Biện pháp khẩn cấp tạm thời là gì?
Biện pháp khẩn cấp tạm thời được hiểu là biện pháp được toà án ra quyết định áp dụng trong quá trịnh thụ lý và giải quyết vụ án dân sự, hành chính hoặc vụ án hình sự có giải quyết tranh chấp dân sự nếu thuộc một trong các trường hợp:
- Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự;
- Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;
- Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết;
- Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.
2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể yêu cầu áp dụng trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất
- Kê biên tài sản đang tranh chấp theo Điều 120 BLTTDS 2015: Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản.
Tài sản bị kê biên có thể được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án dân sự hoặc lập biên bản giao cho một bên đương sự hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp theo Điều 121 BLTTDS 2015: Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác.
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp Điều 122 BLTTDS 2015: Được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.
- Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác theo Điều 123 BLTTDS 2015: Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có tài sản đang tranh chấp hoặc liên quan đến tranh chấp mà có hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác ở thời kỳ thu hoạch hoặc không thể bảo quản được lâu dài.
3. Có cần thiết phải yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” đối với QSDĐ tranh chấp hay không?
Theo khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật đất đai;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Như vậy, đối với đất tranh chấp đã là đối tượng không đủ điều kiện để chuyển nhượng cho chủ sử dụng khác. Vì vậy bên có quyền lợi ích bị xâm phạm không cần thiết phải yêu cầu Tòa án áp dụng cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án một bên có dấu hiệu thay đổi hiện trang đất tranh chấp hoặc có những sản phẩm trên đất cần phải thu hoạch tránh gây thiệt hai về sau thì bên còn lại có thể yêu cầu áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp hoặc Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác.
Trên đây là nội dung giải đáp của AV Counsel liên quan đến chủ đề: Có cần thiết phải yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” đối với QSDĐ tranh chấp hay không?
_____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm