QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ DI TẶNG
Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nội dung:
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di tặng như sau:
“Điều 646. Di tặng
1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
2. Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
3. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.
Có thể hiểu “di tặng” là sự kết hợp của di chúc và tặng cho, nhưng khác biệt với người thừa kế theo di chúc thông thường. “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại” (khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự), còn người được di tặng “không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng” (khoản 3 Điều 646 Bộ luật Dân sự). Như vậy người được di tặng không phải dùng di tặng để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người chết nếu di sản khác của người để lại di sản vẫn còn đủ để thanh toán. Tuy nhiên, có trường hợp người được di tặng cũng phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản, đó là khi “hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này” (khoản 3 Điều 646 Bộ luật Dân sự).
Có những khác biệt đáng kể của di tặng so với tặng cho. Di tặng không cần có sự thống nhất ý chí của người di tặng và người được di tặng. Di tặng là hành vi pháp lý đơn phương của người để lại di sản như di chúc thông thường của người để lại di sản. Việc chuyển quyền sở hữu sang cho người được di tặng chỉ có thể được tiến hành sau khi người để lại di sản chết giống như việc chuyển dịch tài sản trong di chúc thông thường, di tặng chỉ có hiệu lực ở thời điểm mở thừa kế. Nếu ai cũng có thể là người thừa kế theo di chúc thì di tặng cũng vậy, ai cũng có thể là người thừa hưởng di tặng. Cần lưu ý là nếu người được di tặng chết trước hay chết cùng người di tặng thì cũng không có thừa kế thế vị đối với di tặng.
Đối với các vấn đề liên quan đến di tặng chưa được quy định rõ hơn ở văn bản nào. Vậy nên nếu có tranh chấp về di tặng, sẽ áp dụng theo quy định của tặng cho hay quy định của di chúc? Trong Bộ luật dân sự, di tặng không được quy định trong phần “tặng cho” mà được quy định trong phần “di chúc” nên bản chất di chúc của di tặng cần được ưu tiên. Có thể suy luận là các yếu tố của tặng cho chỉ được áp dụng cho di tặng khi có quy định cụ thể. Ngược lại, các yếu tố của di chúc đương nhiên được áp dụng cho di tặng khi không có quy định cụ thể. Chẳng hạn, thời điểm chuyển quyền sở hữu trong di tặng không được quy định cụ thể nên chúng ta không áp dụng các quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu của tặng cho mà áp dụng các quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu trong pháp luật thừa kế. Ví dụ, A di tặng cho B một căn hộ và cần xác định thời điểm chuyển quyền sở hữu căn nhà. Hiện nay không có quy định cụ thể trong phần di tặng về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà nên chúng ta ưu tiên áp dụng quy định về thừa kế theo di chúc. Do đó, kể từ thời điểm mở thừa kế B là chủ sở hữu căn nhà nếu áp dụng điều luật “Trường hợp thừa kế nhà ở thì thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự” (khoản 5 Điều 12 Luật Nhà ở 2023). “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết” (khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015). Như vậy, ngay tại thời điểm người để lại di chúc qua đời, những người thừa kế hợp pháp đã phát sinh quyền đối với di sản thừa kế.
Quyền di tặng là một phần của quyền định đoạt của chủ sở hữu nên chủ sở hữu hoàn toàn có thể định đoạt tài sản của mình mà không cần lập di chúc phần tài sản của mình cho người khác; người để lại di sản có thể chỉ di tặng một phần tài sản và phần còn lại để thừa kế theo pháp luật (di tặng tồn tại mà không cần có di chúc phần tài sản khác).
Theo Bộ luật dân sự, người để lại di sản chỉ “dành một phần di sản để tặng cho người khác”. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự lại không cho biết “một phần di sản” cần được hiểu như thế nào, cũng không quy định rõ trong trường hợp vượt qua “một phần di sản” thì cần phải xử lý như thế nào.
Di tặng là một dạng di chúc đặc biệt nên chịu sự điều chỉnh chung của di chúc. Vì vậy, các quy định về thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc cũng được áp dụng cho di tặng.
Nguồn: PSG.TS Đỗ Văn Đại (2016). Tập 2 – Luật Thừa kế Việt Nam: Bản án và bình luận bản án. Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./
Xem thêm