QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TỪ CHỐI NHẬN DI SẢN

Trước đây, tại Điều 316 và Điều 379 Bộ dân luật Bắc Kỳ, con cháu hay vợ, chồng của người quá cố không có quyền khước từ di sản. Có thể thấy rằng, nhận thừa kế từng là trách nhiệm của những người thừa kế. Bắt đầu từ sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 cho đến các Bộ luật dân sự 1995, Bộ luật dân sự 2005 và Bộ luật dân sự hiện hành 2015 đã cho phép người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản. Sau đây, AV Counsel chia sẻ cho Quý bạn đọc những quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến hành vi từ chối nhận di sản, điều kiện để từ chối nhận di sản thông qua bài viết sau.

- Cơ sở pháp lý: Bộ luật dân sự 2015.

- Nội dung:

1. Từ chối nhận di sản là gì?

Pháp luật không quy định thế nào là từ chối nhận di sản, chỉ thừa nhận “Quyền từ chối nhận di sản” của người thừa kế. Có thể hiểu rằng, Từ chối nhận di sản là không chịu nhận cái được dành cho hoặc được yêu cầu, đối tượng ở đây là người thừa kế. Họ có thể từ chối nhận di sản trong trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Hệ quả của việc từ chối nhận di sản có thể là:

- Không được hưởng di sản đáng lẽ ra họ sẽ nhận được;

- Trách nhiệm của người thừa kế đối với nghĩa vụ của người quá cố;

- Liên quan đến hàng thừa kế, ví dụ như trong trường hợp thừa kế di sản theo di chúc thì sẽ phát sinh hệ quả liên quan đến thừa kế theo pháp luật;

- Tư cách tham gia tố tụng trong trường hợp xảy ra tranh chấp liên quan đến thừa kế, di sản thừa kế..

Xét về bản chất pháp lý, hành vi từ chối nhận di sản là một hành vi pháp lý đơn phương của người thừa kế.

2. Điều kiện từ chối nhận di sản

Theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự về Từ chối nhận di sản:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.”

Như vậy, được từ chối nhận di sản nếu đáp ứng điều kiện:

Thứ nhất, không được từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Thứ hai, Phải được lập thành văn bản. Việc người thừa kế tuyên bố từ chối nhận di sản thông qua lời nói thì hành vi này “không hợp pháp” và việc lập thành văn bản không bắt buộc phải công chứng, chứng thực.

Thứ ba, Văn bản từ chối nhận di sản phải gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Cuối cùng, Phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

3. Phân biệt “từ chối nhận di sản” và “nhượng quyền hưởng di sản”

Trên thực tế, một số người từ chối nhận di sản thừa kế nhưng lại để phần thừa kế của mình cho người khác với nội dung như “xin khước từ không nhận di sản thừa kế và để phần thừa kế này cho ....”. Như vậy, hành vi này là nhượng quyền hưởng di sản.

Xét về bản chất, từ chối nhận di sản là người không muốn nhận di sản và không quan tâm đến phần di sản mà đáng lẽ mình được nhận sẽ phân chia như thế nào. Do đó, nếu người thừa kế từ chối nhận di sản và nhượng phần thừa kế đó cho một người thừa kế khác hoặc người ngoài thì hành vi này sẽ không là “từ chối nhận di sản” theo quy định tại Điều 620 Bộ luật dân sự.

Ví dụ: Trong một quyết định giám đốc thẩm số 524/2009/DS-GĐT ngày 23/10/2009 của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa giám đốc thẩm đã xét rằng “Tòa án cấp sơ thẩm có sai lầm khi bà Đó và bà Hương thỏa thuận cho ông Tài kỷ phần thừa kế của mình được hưởng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại chia đều cho các thừa kế là trái với ý chí tự nguyện của bà Đó, bà Hương”. Tòa sơ thẩm đã theo hướng bà Đó, bà Hương từ chối nhận di sản (nên phần di sản bị từ chối lại chia đều cho những người thừa kế khác) trong đó bà Đó và bà Hương không từ chối nhận di sản mà chuyển nhượng quyền hưởng di sản cho ông Tài.

Như vậy, cần phải phân định rõ việc từ chối nhận di sản và việc khước từ nhận di sản và chuyển nhượng phần di sản này cho một người khác.

Trên đây là bài phân tích về Từ chối nhận di sản của AV Counsel.

_____________________________________

Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL

? Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel

                  https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/

? Website: https://avcounsel.com/

? Email: info.avcounsel@gmail.com

☎️ Hotline: 094.333.4040

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Trân trọng./.


Tin tức liên quan

ĐIỀU KIỆN HƯỞNG THỪA KẾ THẾ VỊ LÀ GÌ?
ĐIỀU KIỆN HƯỞNG THỪA KẾ THẾ VỊ LÀ GÌ?

130 Lượt xem

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC NGƯỜI LẬP DI CHÚC MINH MẪN, SÁNG SUỐT
QUY ĐỊNH VỀ VIỆC NGƯỜI LẬP DI CHÚC MINH MẪN, SÁNG SUỐT

108 Lượt xem

DI CHÚC ĐỊNH ĐOẠT TÀI SẢN CỦA NGƯỜI KHÁC
DI CHÚC ĐỊNH ĐOẠT TÀI SẢN CỦA NGƯỜI KHÁC

108 Lượt xem

GIẢI THÍCH NỘI DUNG CỦA DI CHÚC
GIẢI THÍCH NỘI DUNG CỦA DI CHÚC

133 Lượt xem

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ
THỜI HIỆU KHỞI KIỆN YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ

9 Lượt xem

THỜI HIỆU YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ
THỜI HIỆU YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ

124 Lượt xem


Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng