ĐIỀU KIỆN HIẾN TẠNG KHI CHẾT NÃO
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam có tỉ lệ ghép tạng cao nhất Đông Nam Á (hơn 1.000 ca/năm) nhưng tỉ lệ hiến tạng từ người cho chết não lại thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Người chết não hiến tạng không chỉ là một hành động nhân đạo cao cả, mang đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh, mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành y học ghép tạng, giảm tải gánh nặng cho hệ thống y tế.
Vậy, tiêu chuẩn như thế nào để người chết não được hiến tạng?
Cơ sở pháp lý:
- Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.
- Quyết định số 32/2007/QĐ-BYT ngày 15/8/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành quy định tiêu chuẩn lâm sàng, tiêu chuẩn cận lâm sàng và các trường hợp không áp dụng các tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não.
Nội dung:
1. Khi nào người chết não được hiến mô, bộ phận cơ thể người?
Hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc cá nhân tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc sau khi chết (khoản 6 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006).
Chết não là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được (khoản 9 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006).
Theo quy định tại Điều 21 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006 thì người được xác định chết não và có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết.
Trường hợp không có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì người chết não hiến mô, bộ phận cơ thể người được hiến mô, bộ phận cơ thể người phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.
2. Tiêu chuẩn để xác định chết não
2.1. Tiêu chuẩn lâm sàng:
(1) Tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não bao gồm:
- Hôn mê sâu (thang điểm hôn mê Glasgow bằng 3 điểm);
- Đồng tử cố định (đồng tử hai bên giãn trên 4 mm);
- Đồng tử mất phản xạ với ánh sáng (ánh sáng đèn Pin);
- Mất phản xạ giác mạc;
- Mất phản xạ ho khi kích thích phế quản: Khi hút đờm, nghiệm pháp gây ho âm tính;
- Không có phản xạ đầu - mắt: Mất phản xạ mắt búp bê;
- Mắt không quay khi bơm 50 ml nước lạnh vào tai: Phản xạ mắt - tiền đình âm tính;
- Mất khả năng tự thở khi bỏ máy thở: Nghiệm pháp ngừng thở dương tính.
(2) Các nghiệm pháp thử nghiệm lâm sàng để xác định chết não:
- Nghiệm pháp gây ho khi hút đờm âm tính: Mất phản xạ ho khi kích thích bằng ống thông nơi phân chia phế quản gốc phải và trái qua ống nội khí quản;
- Phản xạ mắt búp bê: Bình thường khi nghiêng đầu bệnh nhân sang một bên, hai mắt sẽ đảo ngược sang bên đối diện, khi chết não nhãn cầu không cử động;
- Phản xạ mắt-tiền đình: Bình thường khi bơm 50 ml nước lạnh khoảng 5-6oC vào lần lượt hai tai, mắt quay về phía bơm (nhưng phải có màng nhĩ bình thường). Tìm phản xạ này thay cho phản xạ mắt búp bê khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ hoặc phản xạ đầu - mắt không rõ;
- Nghiệm pháp ngừng thở: Cho bệnh nhân thở máy với ô xy 100% trong 10 phút sau đó tháo máy thở khỏi bệnh nhân, đưa qua ống nội khí quản 6 lít/phút ô xy 100% trong 10 phút, nếu bệnh nhân không thở được thì nghiệm pháp dương tính.
2.2. Tiêu chuẩn cận lâm sàng:
Xác định tiêu chuẩn cận lâm sàng để xác định chết não, phải sử dụng một trong các kết quả kỹ thuật chuyên môn sau đây:
- Ghi điện não: Mất sóng điện não (đẳng điện).
- Chụp cắt lớp vi tính xuyên não: Chụp cắt lớp vi tính sọ não có bơm thuốc cản quang tĩnh mạch nhưng không thấy mạch máu não ngấm thuốc.
- Chụp siêu âm Doppler xuyên sọ: Không thấy sóng Doppler của hình ảnh siêu âm (trên giấy siêu âm) hoặc mất dòng tâm trương, chỉ còn các đỉnh sóng tâm thu nhỏ khởi đầu kỳ tâm thu.
- Chụp X quang động mạch não: Không thấy động mạch não ngấm thuốc cản quang.
- Chụp đồng vị phóng xạ: Bơm chất đồng vị phóng xạ vào máu nhưng không thấy hình ảnh chất phóng xạ trong não ở phút thứ 30, phút thứ 60 và phút thứ 120 sau khi bơm.
2.3. Tiêu chuẩn thời gian:
- Tiêu chuẩn thời gian để xác định chết não ít nhất là 12 giờ, kể từ khi người bệnh có đủ các tiêu chuẩn lâm sàng và không hồi phục mới được chẩn đoán chết não.
- Khi tiến hành xác định chết não phải có ba bác sỹ đủ điều kiện theo quy định tại Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cùng đánh giá, có ý kiến độc lập và ký biên bản riêng cho mỗi người vào ba thời điểm: Bắt đầu xác định chét não và hai thời điểm tiếp theo là 6 giờ và 12 giờ kể từ khi bắt đầu xác định chết não (Phụ lục Quy trình đánh giá chết não kèm theo).
2.4. Các trường hợp không áp dụng tiêu chuẩn lâm sàng để xác định chết não:
- Chưa có chẩn đoán nguyên nhân rõ ràng có thể giải thích tình trạng hôn mê và chết não lâm sàng.
- Thân nhiệt dưới 320C.
- Bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc thuốc hay đang dùng các thuốc ức chế thần kinh - cơ.
- Phong bế thần kinh - cơ.
- Rối loạn nội tiết và chuyển hóa.
- Gây mê sâu.
- Có tình trạng sốc hoặc tụt huyết áp.
- Trạng thái ức chế tâm thần: Không đáp ứng với mọi kích thích mặc dù bệnh nhân vẫn còn đang sống.
- Hội chứng Guillain - Barré nặng.
- Rắn độc cắn phải thở máy.
3. Thủ tục và thẩm quyền xác định chết não:
3.1. Thẩm quyền xác định chết não:
Việc chẩn đoán chết não chỉ được thực hiện ở các cơ sở y tế có khoa hồi sức cấp cứu, có máy thở, máy phân tích khí, máu và đủ các điều kiện khác theo quy định.
Người đứng đầu cơ sở y tế ra quyết định phê duyệt danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não.
Nhóm chuyên gia kết luận chết não.
Người đứng đầu của cơ sở y tế công bố kết luận chết não bằng văn bản.
3.2. Thủ tục xác định chết não:
- Khi cần xác định chết não, người đứng đầu của cơ sở y tế chỉ định nhóm chuyên gia gồm ba người thuộc danh sách chuyên gia tham gia xác định chết não và thuộc ba lĩnh vực: Hồi sức cấp cứu; Thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh; Giám định pháp y.
Bác sỹ trực tiếp tham gia ghép mô, bộ phận cơ thể người và bác sĩ đang trực tiếp điều trị cho người chết não không được tham gia nhóm chuyên gia xác định chết não.
- Kết luận chết não của nhóm chuyên gia xác định chết não chỉ được công bố khi có kết luận chết não bằng văn bản của cả ba thành viên.
Thành viên nhóm chuyên gia xác định chết não phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính khoa học, chính xác trong kết luận chết não của mình.
- Người đứng đầu của cơ sở y tế công bố kết luận chết não bằng văn bản.
4. Thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết não
- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác (Điều 5 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006).
Như vậy, hiện nay theo quy định của Luật này thì người dưới 18 tuổi không được phép hiến tạng. Vấn đề này đang được Bộ Y tế đề xuất mở rộng đối tượng hiến tạng, bao gồm cả người dưới 18 tuổi, đặc biệt trong trường hợp chết não, nếu có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp. Đề xuất này được đưa vào Dự thảo Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
- Việc xác định chết não là cơ sở pháp lý để tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể của người có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết (khoản 1 Điều 26 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006).
- Việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết não phải có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và đã được công bố là chết não.
- Trường hợp không có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó.
- Trường hợp mắc các bệnh nhất định Như HIV dương tính, bệnh dại, giang mai, phong, xơ vữa động mạch, đụng dập tim,…theo quy định của Bộ Y tế thì không được lấy mô, bộ phận cơ thể để ghép cho người khác.
5. Địa chỉ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người
- Ở khu vực phía Bắc: Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế, đặt tại Bệnh viện Việt Đức (số 40 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội).
- Ở khu vực phía Nam: Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5, TP.HCM)
- Ở khu vực miền Trung: Phòng điều phối ghép tạng - Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế (số 16 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, Thành phố Huế).
- Đăng ký trực tuyến tại website: https://vnhot.vn/ hoặc nếu ở khu vực phía nam, có thể đăng ký qua website https://dieuphoigheptangtphochiminh.vn/
Trên đây là nội dung ĐIỀU KIỆN HIẾN TẠNG KHI CHẾT NÃO.
____________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./
Xem thêm