QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỨA THƯỞNG
Hiện nay, thuật ngữ "hứa thưởng" không còn có gì quá xa lạ với chúng ta. Hứa thưởng là cam kết của một bên sẽ thực hiện nghĩa vụ trả thưởng nếu một bên khác đã thực hiện được những điều kiện do bên hứa thưởng đưa ra... Vậy, hứa thưởng có phải là một loại hợp đồng không? AV Counsel sẽ chia sẻ cho Quý bạn đọc qua bài viết sau đây.
- Căn cứ pháp lý: Bộ luật dân sự 2015.
- Nội dung:
1. Hứa thưởng là gì?
Hứa thưởng được hiểu là hành vi của một bên chủ thể đưa ra những điều kiện nhất định để một hoặc một số chủ thể khác có thể thực hiện công việc nào đó theo yêu cầu. Khi đã hoàn thành công việc, bên yêu cầu thực hiện phải trả thưởng cho bên thực hiện như đã hứa thì mới xem là hứa thưởng.
Ví dụ như: Ông A muốn tìm lại người anh trai đã thất lạc 15 năm, ông hứa thưởng 50.000.000 đồng cho bất kỳ ai có thể tìm được người anh trai này.
2. Quy định pháp luật về hứa thưởng:
2.1. Quy định về hứa thưởng:
Căn cứ Điều 570 Bộ luật dân sự quy định về hứa thưởng như sau:
“Điều 570. Hứa thưởng
1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.
2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
Theo đó, người hứa thưởng là người đưa ra các công việc, người thực hiện phải thực hiện theo các công việc đó. Hai bên không có bất kỳ một sự thỏa thuận nào mà chỉ thực hiện theo yêu cầu của bên hứa thưởng. Do đó, hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương.
2.2. Quy định về chủ thể tham gia:
Điều 116 Bộ luật dân sự quy định "Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự".
Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Như vậy, các chủ thể tham gia giao dịch hứa thưởng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch hứa thưởng đã được xác lập, tham gia giao dịch hứa thưởng một cách tự nguyện và không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2.2. Quy định về trả thưởng:
Theo nội dung tại Điều 572 Bộ luật dân sự 2015 về trả thưởng như sau:
“Điều 572. Trả thưởng
1. Trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì khi công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng.
2. Khi một công việc được hứa thưởng do nhiều người cùng thực hiện nhưng mỗi người thực hiện độc lập với nhau thì người hoàn thành đầu tiên được nhận thưởng.
3. Trường hợp nhiều người cùng hoàn thành công việc được hứa thưởng vào cùng một thời điểm thì phần thưởng được chia đều cho những người đó.
4. Trường hợp nhiều người cùng cộng tác để thực hiện công việc được hứa thưởng do người hứa thưởng yêu cầu thì mỗi người được nhận một phần của phần thưởng tương ứng với phần đóng góp của mình.”
2.3. Có được rút lại tuyên bố hứa thưởng không?
Người hứa thưởng có quyền ra hạn thực hiện công việc được hứa thưởng trong một thời hạn nhất định hoặc thời hạn thực hiện công việc phải được thực hiện trong thời hạn theo tự nhiên hoặc theo tập quán, theo quy định pháp luật,...
Theo quy định tại Điều 571 Bộ luật dân sự: “Khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình. Việc rút lại tuyên bố hứa thưởng phải được thực hiện theo cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng đã được công bố.”
Do vậy, khi công việc hứa thưởng đã bắt đầu theo đúng thời hạn quy định thì người hứa thưởng không được quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình trong bất kỳ trường hợp nào.
3. Hứa thưởng có phải hợp đồng không?
Điều 116 Bộ luật Dân sự xác định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lí đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Từ quy định này ta thấy giao dịch dân sự được xác định là kết quả của việc làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự. Trong giao dịch dân sự ý chí và sự thể hiện ý chí của chủ thể tham gia giao dịch là vô cùng quan trọng. Ý chí là nguyện vọng, mong muốn chủ quan bên trong của con người mà nội dung của nó được xác định bởi các nhu cầu về sản xuất, tiêu dùng của bản thân họ.
Hành vi pháp lý đơn phương là giao dịch dân sự, trong đó thể hiện ý chí của một bên chủ thể nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình hoặc bên còn lại trong quan hệ. Tuy nhiên, bên kia có thể tham gia hoặc không tham gia giao dịch.
Hứa thưởng không ấn định và cũng không giới hạn về chủ thể tham gia, thường là chỉ đưa ra một số tiêu chuẩn hay điều kiện nhất định. Xét về mặt chủ thể sẽ có điểm khác biệt căn bản so với quan hệ hợp đồng, chủ thể tham gia giao kết hợp đồng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự, đồng thời phải được xác định cụ thể trong hợp đồng. Trong khi đó, đối tượng tham gia vào quan hệ hứa thưởng lại không bị giới hạn bởi các điều kiện này. Tham gia vào việc hứa thưởng các bên hoàn toàn không bị rằng buộc bởi một sự cam kết hay thỏa thuận nào. Mặt khác, theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự về khái niệm hợp đồng thì, hợp đồng dân sự, phải là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Như vậy, từ những phân tích trên có thể thấy, hứa thưởng là hành vi pháp lý đơn phương, không phải là quan hệ hợp đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về nội dung Quy định pháp luật về hứa thưởng, kính mời quý bạn đọc tham khảo.
_________________________________
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH AV COUNSEL
Fanpage: https://www.facebook.com/congtyluatavcounsel
https://www.facebook.com/luatsuvadoanhnghiep/
Website: https://avcounsel.com/
Email: info.avcounsel@gmail.com
Hotline: 094.333.4040
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Xem thêm